Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách dân tộc

10:28, 14/04/2021

BHG - Mặc dù Mèo Vạc nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển KT – XH đối với vùng dân tộc thiểu số nhưng khi áp dụng vào thực tế của huyện, một số chính sách chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, có chính sách mang tính ngắn hạn, chưa dự báo dài hạn và liên tục; nội dung manh mún, chồng chéo, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng…

Chợ bò huyện Mèo Vạc.
Chợ bò huyện Mèo Vạc.

Qua tìm hiểu thực tế ở Mèo Vạc cho thấy, trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau, gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ theo kiểu cho không, nên chỉ mang tính giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng; chưa có chính sách khuyến khích đồng bào tự vươn lên thoát nghèo bền vững; chưa có cơ chế đặc thù để phát huy nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập; nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ tính ưu tiên theo mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện; một số dự án chậm bố trí vốn nên không đảm bảo kế hoạch và mục tiêu...

Người dân thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (Mèo Vạc) láng nền nhà theo chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Người dân thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (Mèo Vạc) láng nền nhà theo chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Minh Thuận, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết: Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong tuyên truyên, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc đôi khi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa chủ động, tích cực, sáng tạo trong tuyên truyền và thực hiện các chính sách. Việc kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình cơ sở chưa sâu sát, chưa đề xuất cách giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh, nhất là trong công tác giảm nghèo, xây dựng NTM.

Mặt khác, việc đầu tư, hỗ trợ có nơi chưa phù hợp, chưa gắn với nhu cầu người dân; hầu hết các xã khi thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế chưa có kế hoạch gắn với thị trường bao tiêu sản phẩm; một số sản phẩm chủ lực chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, thị trường tiêu thụ hẹp. Tiến độ giải ngân và thực hiện một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chậm; chất lượng, hiệu quả một số hạng mục công trình thấp; đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Một số chương trình tín dụng triển khai chậm, như: Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020…

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách dân tộc, huyện coi tuyên truyền là nhiệm vụ chung của các cấp ủy, chính quyền địa phương; tuyên truyền trọng điểm, nhất là nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số. Đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền theo phương châm: Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị và thực hiện tốt phong cách: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác dân tộc, coi việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; khuyến khích thu hút trí thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, chính sách trên cùng một địa bàn để đảm bảo mang lại hiệu quả, huyện Mèo Vạc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp ở vùng đặc biệt khó khăn, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, chương trình, dự án; chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực phát triển KT – XH để đầu tư hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. 

“Xác định phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, huyện ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa - xã hội; đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM; xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục, chất lượng khám, chữa bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề phức tạp, bức xúc; giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, không để thành điểm nóng; đa dạng hoá các mô hình phát triển KT – XH gắn với QP – AN…” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Người dân cần lưu ý gì?

Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhưng cũng được dự báo tạo "áp lực" không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế. 

31/12/2020
Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.

 

30/12/2020
Tết Nguyên đán Tân Sửu có 7 ngày nghỉ

Người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 10 đến 16/2/2021, tức từ 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu. Ngày 26/11, Văn phòng Chính phủ thông báo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã duyệt phương án nghỉ Tết với năm ngày theo quy định và hai ngày nghỉ bù, do mùng 2 và 3 Tết (tức 13 đến 14/2/2021) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật. Người lao động nghỉ bù mùng 4 và 5 tháng Giêng năm Tân Sửu, tức 15 đến 16/2/2021.

 

27/11/2020
Quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD) theo Thông tư số 06 có gắn chíp điện tử và lưu trữ thông tin cơ bản của công dân, cùng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân (Thông tư số 06), gồm 05 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 23-01-2021 đã được Bộ trưởng Công an ký ban hành.

 

27/01/2021