Hà Giang

Nhiều chuyên gia đề xuất 'nghỉ Tết âm lịch không quá 7 ngày'

11:16, 14/05/2019

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân,  Ban soạn thảo đưa ra hai phương án về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Thứ nhất, như hiện hành là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. 

Thứ hai, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ Tết dài đã làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, do đó, Ban soạn thảo lấy ý kiến người dân về vấn đề này để tính toán lại, đảm bảo ngày Tết vui tươi, có ý nghĩa mà không làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Bình cũng cho biết, số ngày nghỉ lễ hàng năm của Việt Nam không cao so với các nước trên thế giới. Trong khi đó, Tết âm lịch rất đặc biệt, không đơn thuần là ngày nghỉ, mà là dịp tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, người lao động xa quê về sum họp với gia đình. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có đủ thời gian để người lao động về quê ăn Tết, nếu thời gian nghỉ ngắn quá thì không đảm bảo.

Nhóm ý kiến ngược lại thì đề xuất Luật thay đổi cách nghỉ Tết âm lịch theo hướng đảm bảo nghỉ Tết luôn là 5 ngày, không hoán đổi để kéo dài thời gian nghỉ. Trường hợp người lao động muốn nối liền ngày nghỉ thì phải xin nghỉ phép.

"Qua quá trình thảo luận và tham vấn các chuyên gia thì nhiều ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án một", ông Bình nói. 

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, phân tích, "phương án nào cũng có mặt tích cực và bất lợi". Nếu nghỉ dài sẽ giúp người lao động đi làm xa quê được ở nhà lâu hơn, song sau Tết, tinh thần họ uể oải khó thích ứng với công việc và phát sinh ăn uống nhậu nhẹt, bạo lực cũng như lãng phí trong ăn chơi dịp Tết. Tuy nhiên, kỳ nghỉ dài sẽ giúp kích cầu du lịch.

Bà Hồng đề xuất, nếu ngày nghỉ Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì nối vào như phương án một, do đó số lượng ngày nghỉ Tết tối đa là 7 ngày. Tuy nhiên, khi ngày nghỉ Tết cách ngày nghỉ cuối tuần thì Chính phủ không nên cho nghỉ thêm rồi hoán đổi sang tuần khác, như vậy nghỉ Tết sẽ kéo quá dài. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nước trên thế giới có dịp nghỉ Tết dài ngắn khác nhau, nhiều nước nghỉ chỉ 1-2 ngày song Trung Quốc nghỉ đến 7 ngày do đất nước rộng lớn, người dân phải đi lại nhiều. Để thay đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì Ban soạn thảo cần có cuộc khảo sát, lấy ý kiến tổng thể. 

"Tôi nghĩ nghỉ Tết Nguyên đán từ 5 đến 7 ngày là hợp lý, nghỉ dài thì người dân có điều kiện tái tạo sức lao động song lại tạo ra sự trì trệ", ông Long nói. 

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nói, người lao động không nên nghỉ Tết quá dài mà chỉ nên nghỉ dưới 7 ngày, vừa đủ để về quê và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, nghỉ Tết dài còn khiến nhiều phụ nữ vất vả khi phục vụ gia đình. 

Ông Doanh chia sẻ, không ít doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn rằng người lao động Việt Nam nghỉ Tết dài quá khiến các đơn hàng bị đình trệ, trong khi việc sản xuất kinh doanh của họ phải tính toán chặt chẽ theo ngày. Thậm chí, nhiều công nhân còn không đi làm sau Tết khiến đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị phá vỡ. 

Theo: VNEXPRESS.NET


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.

29/04/2019
Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cụ thể hóa các chương trình, đề án, quyết định của T.Ư về chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể ký kết nhiều chương trình phối hợp thực hiện. Năm 2018, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư trên 222 tỷ đồng từ Chương trình 135 để đầu tư cơ sở hạ tầng...

28/12/2018
Quyết định 352 giúp các hộ dân Bắc Mê thoát nghèo

BHG - Nhằm tạo sinh kế và hướng thoát nghèo cho người dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 352 ngày 3.3.2014 về Phương án "Hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi". Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đã thu được nhiều kết quả, đồng thời là giải pháp hữu hiệu giúp các hộ dân thoát nghèo; đến nay, huyện Bắc Mê đã giải ngân cho 358 hộ mua 254 con trâu, bò.

 

25/01/2019
Chế độ BHXH đối với Phó Chỉ huy quân sự xã

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thì từ ngày 1/11/2003 chức danh Phó Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

24/12/2018