Hà Giang

Mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ” ở Đồng Văn đã mang lại hiệu quả cho người dân

16:17, 11/09/2013

HGĐT - Những năm qua, Đảng bộ huyện Đồng Văn luôn chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để gia tăng giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, trong đó xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Để cụ thể hóa chủ trương này, tháng 12.2010, huyện Đồng Văn ban hành Nghị quyết số 05 gắn trồng cỏ với phát triển chăn nuôi đàn gia súc thông qua việc hỗ trợ thực hiện mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ”. Qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy mô hình bước đầu đã đem lại những hiệu quả quan trọng, góp phần thúc đẩy công cuộc XĐGN nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.



Thông qua chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giờ đây gia đình anh Vàng Mí Hờ, thôn Xì Phài, thị trấn Đồng Văn đang hướng tới việc chăn nuôi bò hàng hoá.

Chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi bò theo hướng hàng hóa được huyện Đồng Văn xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Giống bò vàng của Đồng Văn từ lâu đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng và chiếm được thị phần khá lớn trên thị trường. Nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi và gìn giữgiống bò quý của Cao nguyên đá, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo Phòng NN& PTNT, các xã đẩy mạnh thực hiện mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ” (tương ứng với 600m2 cỏ) ở tất cả 19/19 xã, thị trấn thông qua chính sách hỗ trợ, cụ thể như: Trang cấp dụng cụ thú y, bảo hộ lao động cho cán bộ khuyến nông, thú y xã, thôn hoạt động; mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, cách phát hiện bò đến chu kỳ sinh sản; hỗ trợ 1 triệu đồng cho hộ chăn nuôi làm chuồng trại; hỗ trợ lãi suất mua trâu, bò nuôi trong thời gian 3 năm; hỗ trợ 100% kinh phí mua Vacin tiêm phòng cho đàn gia súc với tổng số 524.600 liều; hỗ trợ 100% kinh phí mua 12.000 lít hoá chất để phun khử trùng tiêu độc chuồng trại. Đặc biệt huyện tiến hành cải tạo đàn giống bằng phương pháp bình tuyển, hỗ trợ bò đực giống, mỗi thôn có ít nhất từ 1 con bò đực đủ tiêu chuẩn để phối giống; thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ gia đình đã được vay vốn phát triển chăn nuôi nhưng gặp rủi ro bất khả kháng để tiếp tục cho vay vốn tái đầu tư phát triển chăn nuôi... Đến nay, đã có hơn 2.000 hộ được hỗ trợ tiền làm chuồng trại; 689 hộ được hỗ trợ vốn vay không lãi nuôi bò trong thời gian 33 năm; khai phá, trồng mới được 820 ha cỏ. Theo số liệu thống kê tính đến hết tháng 8.2013, tổng đàn gia súc của huyện Đồng Văn có 62.000 con, trong đó đàn bò chiếm số lượng lớn với trên 19.000 con. Chăn nuôi phát triển đã hình thành một số chợ buôn bán gia súc khá sầm uất như chợ Lũng Phìn, Đồng Văn, Phố Cáo, Phố Bảng, Sà Phìn... Đặc biệt, sau khi có chính sách hỗ trợ, thực hiện mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ”, số hộ có từ 1 - 2 con trâu, bò tăng mạnh. Đến nay có trên 10.000 hộ, chiếm 72% tổng số hộ trong toàn huyện có từ 1 - 2 con trâu, bò; nhóm hộ có từ 3 - 5 con bò là 1.887 hộ; nhóm hộ có từ 6 con trâu, bò trở lên là 250 hộ. Số hộ có từ 3 - 6 con trâu, bò trỏ lên chủ yếu tập trung ở những xã, thị trấn có điều kiện, truyền thống chăn nuôi như Thài Phìn Tủng, thị trấn Đồng Văn, Lũng Phìn, Sà Phìn, Lũng Táo, Tả Phìn, Tả Lủng. Từ năm 2011 - 6.2013, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 7.000 con trâu, bò được mổ, bán ra ngoài địa bàn với tổng doanh thu trên 104,7 tỷ đồng. Như vậy, việc phát triển chăn nuôi bò hàng hóa thông qua thực hiện mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ” đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan toả mạnh mẽ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nói riêng cũng như công cuộc XĐGN trên địa bàn huyện Đồng Văn nói chung.

 

Anh Vàng Mí Hờ, thôn Xì Phài, thị trấn Đồng Văn tâm sự: Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi của huyện, đầu năm 2012, gia đình tôi được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng làm chuồng trại, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho bò sinh sản, trồng 600m2 cỏ. Sau thời gian ngắn triển khai, hiện gia đình tôi đã có 4 con bò, trong đó có 2 con bò sinh sản. Trước kia chưa thực hiện trồng cỏ, gia đình nuôi 2 con bò là sự cố gắng lớn vì không đảm bảo nguồn thức ăn, nhất là vào mùa đông phải mất cả ngày đi kiếm cỏ cho bò mà vẫn chưa đủ cho ăn, nhưng nay nuôi bò thấy nhàn hơn nhiều vì không phải đi lấy cỏ, vườn nhà lúc nào cũng có và đây là điều kiện thuận lợi để gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá trong thời gian tới.

 

Gia đình anh Ly Mí Tủa, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo thuộc diện hộ không có trâu, bò nuôi. Đầu năm 2011, thông qua chính sách cho vay vốn, sự hỗ trợ từ Chương trình 30a của huyện Đồng Văn giúp gia đình anh có tiền mua bò giống, khai phá nương trồng cỏ. Có bò nuôi, gia đình anh Tủa có thêm điều kiện tăng gia sản xuất, cái đói cũng đã dần được giải quyết; niềm vui của gia đình anh Tủa còn được nhân lên bởi vào đầu năm tới gia đình anh lại có thêm bò nuôi vì bò sinh sản của gia đình vừa được phối giống thành công bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo theo đề án phát triển đàn bò của huyện.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Chủ trương phát triên chăn nuôi bò hàng hoá của huyện thông qua việc triển khai mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ” tại 19/19 xã, thị trấn của huyện bước đầu đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi với số lượng bò, diện tích cỏ tăng mạnh theo từng năm. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2015 là nâng tổng đàn gia súc đạt 72 nghìn con, trong đó đàn bò là trên 22 nghìn con; đàn gia súc tăng bình quân là 5%/năm; thu nhập từ chăn nuôi chiếm trên 55% trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp. Để thực hiện chủ trương này, huyện tiếp tục triển khai một số chính sách hỗ trợ mới cho người dân như việc hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho bò sinh sản (theo kế hoạch 2013 - 2015 là 1.000 con); duy trì thực hiện bình tuyển mỗi thôn có ít nhất 1 con bò đực đủ tiêu chuẩn để làm giống. Kết hợp với Chương trình 30a hỗ trợ việc khai hoang, chuyển đổi diện tích đất xấu, bạc mầu sang trồng cỏ tạo nguồn thức ăn bền vững cho gia súc; hình thành vùng chăn nuôi gia súc hàng hóa ở quy mô trang trại gắn với thị trường tiêu thụ tại các xã như Lũng Phìn, Sà Phìn, Sủng Là và Phố Cáo.

 

Bằng các chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp, cụ thể và thực tế chăn nuôi của các xã, thị trấn thời gian qua, có thể nhận thấy việc phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa thông qua mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ” ở Đồng Văn là một chủ trương lớn, phù hợp với thực tế của địa phương, giúp người dân thay đổi nhận thức và cách làm, qua đó từng bước nâng cao thu nhập để XĐGN nhanh, bền vững.

 


HOÀNG NGỌC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Khi ý Đảng hợp lòng dân...
HGĐT - Là một huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển KT – XH, nhưng những năm qua, với nhiều quyết sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, huyện Bắc Mê đã biết dựa vào dân để biến những khó khăn ấy thành cơ hội phát triển, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông qua phương pháp quản lý, diều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở của tập
23/05/2012
Tạm dừng trồng cây cao su - nhìn thẳng vào sự thật để quyết định đúng
HGĐT- Đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 càn qua vùng trồng cao su, khiến gần như toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần bị xoá sổ. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cao su là điều không ai ngờ tới. Nhưng qua những gì đã xảy ra, nó cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm và sự thận
21/06/2012
Hà Giang cần có thêm chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Do đó diện mạo nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự đổi thay tích cực. Đó là những bước chuyển mình đáng kể của Hà Giang trong quá trình thực hiện chính sách dân
18/09/2012