10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg
BHG - Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn của tỉnh đặc biệt được chú trọng.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng phong trào. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Nhân dân trên địa bàn đã nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương và pháp luật của Nhà nước. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện phong trào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương 34 xã, thị trấn biên giới tổ chức khảo sát, rà soát thống kê các hộ gia đình và cá nhân có đất sản xuất, đất rừng giáp đường biên cột mốc, tiến hành vẽ sơ đồ, ra các quyết định giao đoạn biên giới, cột mốc cho tập thể, cá nhân các thôn, bản tham gia bảo vệ theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo và UBND các huyện trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg. Đồng thời, củng cố, kiện toàn 346 Tổ an ninh tự quản ở các thôn biên giới với 1.598 thành viên và tham mưu cho địa phương bàn giao tự quản cho 856 hộ gia đình, 107 tập thể đăng ký tham gia phong trào tự quản trên 277 km đường biên, 442 cột mốc quốc giới.
![]() |
Quân và dân xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. |
Nét nổi bật trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 trên địa bàn tỉnh đó là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trích nguồn kinh phí để động viên và phát huy hiệu quả các gia đình, tập thể đăng ký tự quản đường biên mốc quốc giới, với mỗi tập thể là 200 nghìn đồng/tháng, hộ gia đình 100 nghìn đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn, song đã kịp thời khích lệ người dân tích cực đồng hành cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 01, xuất hiện nhiều mô hình điểm sáng an ninh biên giới; mô hình thôn chấp hành tốt pháp luật, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; mô hình thôn biên giới bình yên, bảo vệ đường biên, mốc giới; mô hình bình yên biên giới... Từ đó đã có 327 tập thể và 654 cá nhân được các cấp khen thưởng trong thực hiện phong trào.
Đặc biệt, góp sức trong công cuộc bảo vệ, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới luôn có sự đồng hành, giúp đỡ nhiệt tình của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Các cá nhân dù tuổi đã cao, song luôn gương mẫu, tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc giới, nổi bật như các ông: Sùng Chúng Nô, xã Sà Phìn; Ly Chá Phìn, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; Hoàng Xín Phủ, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì… Họ thực sự là những “Cột mốc sống” gắn bó với quần chúng Nhân dân, cùng cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, phong trào cũng nhận được sự hưởng ứng, tham gia của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu niên. Theo đó, những năm gần đây, BĐBP tỉnh đã phối hợp cùng các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới cho học sinh, thông qua các chương trình như “Về nguồn”, “Tiết học biên cương”, “Chúng em làm BĐBP”, “Tháng ba biên giới”… Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của thế hệ trẻ hiện nay, góp phần quan trọng trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.
![]() |
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Sơn Vĩ (Mèo Vạc) tham gia hoạt động ngoại khoá “Tiết học biên cương” tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. |
Không chỉ ở vùng biên, phong trào còn lan tỏa tới các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc hướng về biên giới. Qua đó đã có hàng nghìn lượt đoàn công tác, đoàn từ thiện hướng về vùng biên với các chương trình như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Áo ấm cho trẻ em vùng biên”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân”… Các hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần chia sẻ, giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sỹ BĐBP và người dân xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh và phát triển.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, trên tuyến biên giới Hà Giang, các lực lượng đã phối hợp với BĐBP tuần tra biên giới được 13.435 lần/72.420 lượt cán bộ chiến sỹ. Qua tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý 5 vụ xâm hại mốc giới, 3 vụ mốc giới bị hư hại, 13 vụ vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu, phối hợp với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 60 chốt kiểm soát cố định và 17 tổ kiểm soát cơ động với 224 cán bộ, chiến sỹ BĐBP, 181 thành viên khác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các đường mòn, lối mở trên biên giới.
Có thể khẳng định, việc triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên khu vực biên giới của tỉnh.
Bài, ảnh: Xuân Minh
Ý kiến bạn đọc