Trong vùng lõi ô nhiễm bom mìn, vật nổ - Kỳ cuối: Một lòng giữ đất biên cương
BHG - Với hơn 6.000 ha đất hoàn thành rà phá bom mìn, vật nổ (BM, VN) đã tạo điều kiện thuận lợi về đất canh tác để đồng bào biên giới yên tâm bám đất, giữ biên cương.
Cán bộ xã Xín Chải (Vị Xuyên) động viên nhân dân thôn biên giới Nậm Lầu yên tâm bám đất giữ biên cương |
“Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá thành bất tử” – lời thề khắc trên báng súng trước khi về với đất mẹ của Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (C5, D2, E876, F356) đã trở thành lời hứa, khúc tráng ca giữ biên thùy của bao chiến binh bảo vệ mặt trận Vị Xuyên khi ấy. Lời thề đó sẽ mãi tiếp lửa truyền thống cho chúng tôi vượt qua khó khăn, góp sức bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc – Bí thư Chi bộ thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) Lý Văn Vàng trải lòng.
Bộ đội Công binh giúp người dân thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) thu hái chè Shan tuyết. |
Giai đoạn 1990 – 1995, người dân 6 thôn giáp biên giới Trung Quốc, gồm: Nặm Ngặt, Giang Nam (Thanh Thủy), Nặm Tà, Nặm Nịch (Thanh Đức), Nhìu Sang, Nậm Lầu (Xín Chải) của huyện Vị Xuyên lần lượt hồi hương sau những năm tháng sơ tán vì chiến tranh. Để có đất canh tác, nhiều gia đình quyết tâm khai hoang. Tuy nhiên, trên những diện tích ấy, BM, VN còn sót lại chưa được rà phá, khiến họ mất đi một phần thân thể, trở thành người khuyết tật. Tại thôn Nặm Ngặt, Nặm Tà, Nặm Nịch ghi nhận gần 40 trường hợp vướng phải mìn khi khai phá ruộng, nương; 3 người trong số họ tử vong tại chỗ…
Không chỉ có “cuộc chiến” với BM, VN sót lại sau chiến tranh mà với đặc thù vùng sâu, xa, trình độ dân trí chưa cao cộng thêm địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh; giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, dân cư sinh sống phân tán… đã trở thành vật cản lớn khiến KT-XH 6 thôn biên giới chậm phát triển. Hồi tháng 5.2019, người dân thôn Nặm Nịch vẫn phải sử dụng võng cáng người cấp cứu, vượt bộ quãng đường hơn 10 cây số đến vị trí thuận lợi đón xe máy đưa vào cơ sở y tế. Nhiều thôn biên giới chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chưa phủ 100% số hộ. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, có thôn như Nặm Ngặt lên đến hơn 80%; thu nhập bình quân đầu người ở mức khiêm tốn, chỉ từ 15 đến dưới 20 triệu đồng/người/năm…
Không thể phủ nhận, sau hơn 30 năm xây dựng cuộc sống mới, dù truân chuyên vẫn luôn hiện hữu nhưng tại 6 thôn biên giới, từ sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự sống đang sinh sôi trên diện tích từng ô nhiễm BM, VN. Điển hình có thể kể đến: 6 thôn biên giới đã, đang được đầu tư nâng cấp, mở đường ôtô hoặc đổ bê tông; xây dựng kiên cố các điểm trường, nhà văn hóa… Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, Hoàng Văn Tuyến chia sẻ: “Trong tổng số 4 thôn của xã thì kinh tế 2 thôn biên giới Nặm Tà, Nặm Nịch khởi sắc nhất với cây trồng thế mạnh là chè Shan tuyết và Thảo quả”. Thôn Nặm Nịch đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh hiệu quả với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. HTX không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn liên kết, bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho các hộ dân để hình thành vùng nguyên liệu tập trung 36 ha. Đặc biệt hơn, dưới chân điểm cao 1688 năm xưa chịu bom cày, đạn xé thì nay 6 ha chè Shan tuyết cổ thụ hằng năm đều trổ búp xanh non, trở thành tài sản quý cho cuộc sống đồng bào Dao trong thôn. Giám đốc HTX – Đặng Văn Thàm phấn khởi: HTX đang hoàn thiện hồ sơ dự thi, phấn đấu đưa chè Shan tuyết Thanh Đức trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh… Còn thôn Nặm Ngặt, gần 80 ha chè Shan tuyết, Thảo quả và 273 ha rừng đã phủ xanh nhiều diện tích từng ô nhiễm BM, VN. Không những vậy, đồng bào Dao còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống tốt vào gieo trồng; áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất lao động.
Tại khu di dãn dân ra sinh sống gần biên giới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, anh Bồn Văn Chẩu, thôn Nặm Tà kể: Tôi phải cưa bỏ bàn chân trái, vì làm nương giẫm phải mìn. Nhưng ngược lại, tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước về chế độ hỗ trợ người tàn tật; được các cấp, ngành giúp xóa nhà tạm, xây dựng công trình phụ, tạo thuận lợi về nơi ăn, chốn ở; được hỗ trợ sinh kế, như: Bò giống, công cụ sản xuất, phân bón, thuốc thú y… Cũng tại nơi di dãn dân ra giáp biên giới, gia đình anh Đặng Viết Duật, thôn Nậm Lầu trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi từ kinh tế rừng và chăn nuôi. Ấn tượng hơn, nơi biên cương xa xôi, gian khó này, việc “truyền lửa” hiếu học cho các con của vợ chồng anh Duật thật đáng trân trọng. Con trai đầu lòng của anh là Trung úy Đặng Ánh Dương, Đội trưởng Đội Vũ trang – Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; con gái Đặng Tố Linh đang du học năm cuối tại Trường Đại học Điện ảnh và Nghệ thuật Chungyu (Đài Bắc, Đài Loan)…
Trung tá Trần Ngọc Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy – sỹ quan Biên phòng tăng cường xã Xín Chải, chia sẻ: Các hộ dân khu vực giáp biên giới đều ký cam kết bảo vệ đường biên, mốc giới với chính quyền sở tại và lực lượng biên phòng; luôn đề cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời báo cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm chủ quyền an ninh biên giới.
Năm tháng đi qua, nơi biên cương, lực lượng chức năng và nhân dân vẫn đều đặn tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, dẫu phải băng rừng, vượt mưa, nắng, giá rét… Qua bao khó khăn, sự sống không ngừng sinh sôi trên mảnh đất từng ô nhiễm BM, VN.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
[links()]