Nhớ mãi về một ngôi trường

09:16, 12/03/2020

BHG - Mấy ngày nay, được đồng chí Đại tá Dương Hồng Vinh, nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh thông báo: Trường Quân sự (TQS) tỉnh sẽ không còn phiên hiệu nữa, đúng với chủ trương giảm biên chế. Nhưng tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động nhớ về một ngôi trường, nơi lưu giữ trong tôi nhiều cảm xúc thiêng liêng, nhiều trải nghiệm bài học làm người và tình cảm sâu sắc, đẹp đẽ nhất về những đồng chí, bạn bè, học viên thân yêu.

Lãnh đạo Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh, thành phố Hà Giang thăm, kiểm tra tại Trường Quân sự tỉnh.                           Ảnh: CTV
Lãnh đạo Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh, thành phố Hà Giang thăm, kiểm tra tại Trường Quân sự tỉnh. Ảnh: CTV

TQS Hà Giang tiền thân là TQS Hà Tuyên và được thành lập tháng 4.1977; dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và trực tiếp là Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên và nay, Trường đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Tháng 10.1991, sau khi tái lập tỉnh Hà Giang, hệ thống TQS Hà Giang còn 2 lớp quân sự đặc biệt. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời theo đề nghị của UBND tỉnh, ngày 1.4.1992 Tư lệnh Quân khu 2 ký Quyết định số 416QĐ-BTL thành lập TQS tỉnh Hà Giang và Bộ CHQS tỉnh quyết định sáp nhập 2 lớp quân sự đặc biệt thuộc TQS.

Giờ tập chiến thuật.                                             Ảnh: CTV
Giờ tập chiến thuật. Ảnh: CTV

Nhìn lại chặng đường 27 năm xây dựng, trưởng thành; khi mới thành lập, cơ sở vật chất, cán bộ đều rất thiếu. Song, nằm trong hệ thống các trường quân đội, TQS Hà Giang có nhiệm vụ: Tập huấn quân sự cho cán bộ chỉ huy, trợ lý cơ quan quân sự tỉnh, huyện và cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn, trưởng tự vệ; đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã; huấn luyện quân nhân dự bị hạng 2 lên hạng 1; bồi dưỡng kiến thức AN – QP cho đối tượng 3 và 2; bổ túc sỹ quan dự bị (SQDB) trước khi bổ nhiệm lên chức đại đội; huấn luyện khung dự bị động viên (DBĐV); bổ túc văn hóa cho quân nhân là người dân tộc; đào tạo thiếu sinh quân; dự nguồn cán bộ địa phương; huấn luyện cán bộ chuyên môn kỹ thuật trong lực lượng DQTV, DBĐV; giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên các trường PTTH, cao đẳng; tham gia diễn tập khu vực phòng thủ...

Giờ tăng gia của các chiến sỹ.                                    Ảnh: CTV
Giờ tăng gia của các chiến sỹ. Ảnh: CTV

Khi mới thành lập, Trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiêm vụ đào tạo cán bộ cơ sở, gồm: Chiến sỹ nghĩa vụ là con em dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa để sau ra trường về địa phương đảm nhận nhiệm vụ ở cơ sở. Từ năm 1995, do yêu cầu nâng cao tiêu chí cán bộ, nhà trường được giao nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa PTTH cho sỹ quan thường trực thuộc Bộ CHQS tỉnh và cán bộ Sở Y tế. Năm 2000, bắt đầu đào tạo y tế thôn, bản chương trình 6 tháng.

Với nhiệm vụ được giao, TQS tỉnh trải qua bao khó khăn để tự hoàn thiện mình. Ngày đầu thành lập 1.4.1992, tại km 4 xã Phương độ (Vị Xuyên), cơ sở tiếp quản của Sở Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 313, mọi thứ đều cũ nát. Đến 5.1993, chuyển về Tà Vải, xã Ngọc Đường; tháng 7.1994, Trường chuyển về tiếp quản khu vực Sư đoàn bộ 313, tại ngã 4 xã Ngọc Đường (TXHG), nay là phường Ngọc Hà (TPHG).

Kết quả huấn luyện, GD-ĐT thật đáng tự hào; 27 năm qua, Trường đào tạo 4 khóa cán bộ cơ sở cho 244 chiến sỹ lớp cán bộ đào tạo 3 năm; mục tiêu đào tạo con em dân tộc ít người ở vùng sâu. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự được đào tạo văn hóa từ cấp 1 trở lên; kiến thức quân sự địa phương cấp xã; quản lý nông, lâm nghiệp; quản lý nhà nước, lý luận phổ thông. Đến nay, hơn 200 đồng chí được bố trí làm cán bộ thôn, bản, Bí thư Đoàn Thanh niên; Bí thư, Chủ tịch xã, phường. Tuyển chọn, đào tạo 375 học viên thiếu sinh quân tạo nguồn cho lực lương vũ trang tỉnh nhà. Đến nay, 100% đều học hết PTTH, 180 học viên thi đỗ và cử tuyển vào các trường quân đội; hiện, trên 50 đồng chí đang công tác tại các đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhiều đồng chí đã trưởng thành, như: Trung tá Hùng Minh Hòa, Chính trị viên Huyện đội Quang Bình; Thiếu tá Lù Thành, Chính trị viên Phó Huyện đội Vị Xuyên... Cùng với việc đào tạo nguồn cán bộ cho tỉnh, Trường còn liên kết đào tạo sỹ quan dự bị bổ sung cho lực lượng DBĐV của tỉnh với 11 khóa (518 đồng chí). Hiện, đang chỉ huy các đơn vị DBĐV của tỉnh. Để bổ sung cho quân thường trực và DBĐV, Trường đào tạo đội ngũ tiểu đội trưởng 4 khóa với 169 đồng chí… Tổ chức dạy bổ túc văn hóa cho 79 sỹ quan thường trực tốt nghiệp PTTH. Từ 1991-1995, Trường cùng các đơn vị trong tỉnh tổ chức xóa mù chữ cho 1.200 chiến sỹ. Từ 1999-2001, tổ chức dạy văn hóa cho chiến sỹ mới theo chương trình phổ cập tiểu học được 5 khóa với 308 đồng chí. Từ 2004, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo xã đội trưởng theo chương trình trung cấp và cao đẳng của Bộ. Sau 4 khóa đào tạo được 263 đồng chí. Trong 27 năm, Trường đã làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện cho 297 lớp với 41.673 lượt người. Bồi dưỡng kiến thức (BDKT) QP-AN cho đối tượng 3, đồng thời tổ chức tổ giáo viên đến các huyện và cùng các huyện, thị để mở lớp. Các đối tượng công tác tại các sở, ban, ngành tổ chức BDKT QP-AN tại Trường được 11.819 lượt người; giáo dục quốc phong cho học sinh, sinh viên được 7.544 em; tham gia BDKT QP-AN đối tượng 2 khi lớp mở tại tỉnh.

Bên cạnh kết quả huấn luyện, GD-ĐT; đơn vị còn chú trọng xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đẩy mạnh học tập Chỉ thị 03, 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; làm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính. Công tác xây dựng Đảng là một trong những yếu tố quyết định đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Qua 7 kỳ đại hội, Đảng bộ TQS tỉnh luôn chú trọng đến công tác xây dựng về chính trị, kiểm tra, quan hệ dân vận tốt với địa phương và mở 15 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng cho 415 đoàn viên ưu tú; kết nạp được 260 đảng viên mới. Hàng năm, 100% đảng viên đều đủ tư cách và Đảng bộ nhiều năm liền đạt vững mạnh toàn diện.

Trong 27 năm qua, TQS tỉnh đã được Quân khu 2, UBND tỉnh tặng 54 Bằng khen, 2 danh hiệu đơn vị Quyết thắng, 12 danh hiệu đơn vị Tiên tiến, hơn 100 Bằng khen cá nhân, hơn 300 Giấy khen và danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến. Nhiều thầy giáo đạt giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh, cấp quân khu, cấp bộ, như: Thầy Bùi Đình Xuân, Lê Văn Anh, Nguyễn Văn Nhược, Lê Thanh Huyến, Nguyễn Duy Khương, Nguyễn Trọng Cừ, Trương Đức Minh, Phạm Văn Luân…; nhiều thầy giáo, cán bộ, nhân viên gắn bó, cống hiến cả đời mình cho TQS Hà Giang, như: Phạm Ngọc Ba, Vũ Hồng Phong, Bùi Duy Tiến… Cũng tại đây, nhiều cán bộ đã trưởng thành, như: Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2; Đại tá Nguyễn Công Dần, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang; Đại tá Nguyễn Đình Chung, Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh,… và nhiều đồng chí khác.

 Đến nay, TQS tỉnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình cùng những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp GD-ĐT và công tác quản lý QP-AN của tỉnh nhà. Có nhiều bài học được tổng kết về đoàn kết, dân vận, xây dựng Đảng kết hợp với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Song bài học về tình người, tình đồng chí chân tình, trách nhiệm quân nhân với bản chất cách mạng, vẫn là sâu sắc nhất.

Tôi xa ngôi trường đã 7 năm, về với đời thường và có cuộc sống an lành bên gia đình, người thân và những đồng đội mới. Nhưng tôi không bao giờ còn được cùng đồng đội chia sẻ nhọc nhằn, cũng như không còn được đứng trên bục giảng của TQS tỉnh Hà Giang và những người đã dồn hết tâm, trí, công sức của cuộc đời mình chăm chút, gieo mầm hy vọng cho lớp lớp những học viên nơi đây. Ngôi trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức để bước vào đời, vào việc, mà còn là nơi gắn kết tình bạn, tình đồng chí, tình thầy, trò cao đẹp nhất.

Những lời tri ân này, tôi gửi theo bài viết đến ngôi trường tôi yêu cùng những kỷ niệm đẹp, nơi đã nuôi dưỡng, rèn luyện tôi trưởng thành. Cầu chúc cho các đồng chí, bạn bè cùng những học viên đã từng học tập, công tác tại đây mọi điều may mắn, an lành, hạnh phúc và “NHỚ MÃI VỀ TRƯỜNG QUÂN SỰ TỈNH HÀ GIANG”.

Tháng 3. 2020

Đại tá Lê Thanh Huyến (Nguyên Chính ủy Trường Quân sự tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

No ấm nơi phên giậu Tổ quốc

BHG - Đóng quân trên địa bàn xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 31 km đường biên giới, trải dài trên địa bàn 5 xã. Những năm qua, cán bộ, chiến sỹ của Đồn luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, nâng cao các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...

27/02/2020
38 chốt phòng dịch trên tuyến biên giới trực 24/24h

BHG - Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid – 19) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Bộ Chỉ huy BĐBP đã lập 38 chốt cố định và 8 tổ lưu động phòng, chống dịch trên toàn bộ tuyến biên giới giữa tỉnh ta với Trung Quốc, ngăn chặn tình trạng dân cư qua lại biên giới trái phép qua các đường mòn, lối mở...

26/02/2020
Kết quả nổi bật trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm

BHG - Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT)  trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (từ ngày 15.10.2019 - 15.2.2020) các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đã đạt được những kết quả nổi bật: Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ngay trong những ngày đầu Xuân mới.

 

26/02/2020
Đảm bảo an ninh trật tự góp phần xây dựng Nông thôn mới

BHG - Xác định công tác đảm bảo an ninh trật tự là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần vào xây dựng Nông thôn mới (NTM); thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đông Hà (Quản Bạ) đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an xã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ và phương án; nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh trật tự.

 

26/02/2020