Hà Giang

Di chúc của Bác Hồ: Bảo vật Quốc gia (tiếp theo kỳ trước)

11:08, 22/04/2019

BHG - Một đặc điểm trong di chúc, đó là liên quan đến đời sống tâm linh của Bác. Tại sao Bác viết di chúc vào buổi sáng? Bởi theo Bác, thời điểm đó con người sẽ minh mẫn nhất để lại những lời dặn dò cho Đảng, cho dân. Trước kia khi Bác còn khỏe thì từ 9-10h sáng là lúc Bác thường đọc báo. Trong lúc đọc  Bác thường cầm trên tay cây bút chì để đánh dấu những điều lưu tâm, nhất là những gương người tốt, việc tốt; cẩn thận hơn, Bác còn điện cho các Tổng Biên tập báo hỏi thông tin có chính xác không để Bác thưởng Huy hiệu. 10 năm cuối đời, Bác thưởng 10 nghìn Huy hiệu cho người tốt, việc tốt trong đó có cả em nhỏ đến các cụ già.

Những năm tháng cuối đời, Bác thường bí mật ra nước ngoài để dưỡng bệnh, đây là quy định của Trung ương nên Bác luôn tuân thủ, trong đó Bác thường sang Trung Quốc để kiểm tra sức khỏe. Có lần Bác làm bài thơ: Thời gian đi chóng tựa đưa thoi; thấm thoắt xa nhà một tháng rồi; ngàn dặm nghe vui tin thắng trận; một mình nằm nghĩ chuyện xa xôi. Lúc này Bác nghĩ chuyện ra đi của mình, vì di chúc đã viết xong nhưng cách mạng và sự nghiệp giải phóng miền Nam vẫn còn ở phía trước.

 

Cũng có lúc Bác rất vui, lần đó là đêm giao thừa, chúng ta cứ hình dung Bác ở bên cạnh để đọc thơ chúc Tết, nhưng năm đó Bác đang ở một nơi rất xa với chúng ta, chúng ta phải ghi âm lời Bác trước để đến thời điểm giao thừa linh thiêng đó phát cho đồng bào cùng nghe. Và Bác rất nhớ các cháu ở trong nước, Bác dặn ông Vũ Kỳ là mở đài to cho Bác nghe, cho Bác những bài hát về thiếu niên, nhi đồng. Sáng hôm sau là mùng 1 Tết, Bác đã gọi thư ký từ rất sớm lấy giấy bút cho Bác. Thư ký Vũ Kỳ nghe lời mang giấy và bút đặt trên bàn, bây giờ Bác đọc chú viết cho Bác. Hóa ra là Bác làm thơ khai bút đầu Xuân. Bác dặn thư ký Vũ Kỳ, Bác đọc to, đọc rõ từng dấu câu, chú cứ chép nguyên văn cho Bác: Đã lâu không làm bài thơ nào; nay lại thử làm xem ra sao; lục khắp giấy tờ vẫn chẳng thấy; bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao. Đây là một trong những bài thơ cuối cùng của Bác, chan chứa sự lạc quan, yêu đời vượt qua bệnh tật để vui với đồng bào mình. Đó là cả tâm hồn cao thượng của Bác được gắn với bản di chúc.

Đến khi Bác mất, chúng ta không ngờ Bác để lại di chúc, vì khi Bác còn sống chỉ có 2 người biết. Đó là thư ký Vũ Kỳ là người giữ di chúc và Tổng Bí thư Lê Duẩn là người Bác đã mời ký. Đến khi Đảng công bố bản di chúc của Bác trong Lễ truy điệu thì cả nước và bạn bè thế giới mới biết. Cho nên ta càng nhớ đến lần sửa di chúc cuối cùng của Bác. Mọi năm Bác viết và sửa di chúc ở Đá Chông (Ba Vì, Sơn Tây), ở đây có một cánh rừng rất đẹp, Bác đến đây để viết di chúc. Nhưng năm 1969, khi sức khỏe Bác giảm sút nên không đến Đá Chông nữa, mà Bác sửa tại nhà sàn. Hôm đó lại đúng buổi họp Trung ương mà Bác và Tổng Bí thư Lê Duẩn chủ trì. Nhìn đồng hồ đúng 9h giờ sáng, Bác cho hội nghị nghỉ giải lao, sau đó chú Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn) chủ trì thay Bác. Bác về nhà có chút việc, không ai biết có việc gì, mọi người đều lo lắng. Nhưng đó là Bác về nhà sàn để sửa di chúc. Đây là lần cuối cùng Bác sửa di chúc.

Trong 4 năm viết di chúc, năm đầu tiên 1965 là bản di chúc được viết xong hoàn toàn. Năm 1966, 1967, Bác đọc đi đọc lại di chúc nhưng không sửa một chữ nào. Đến năm 1968, là năm có sự kiện tổng tiến công Mậu Thân thì Bác sửa, bổ sung thêm rất nhiều điều mới, trong đó có việc miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân; chỉnh đốn Đảng là việc đầu tiên phải làm sau khi giành thắng lợi; dặn phụ nữ phải tự vươn lên trong học tập và công tác; đưa các cháu thanh niên đi đào tạo để trở về xây dựng đất nước to đẹp hơn. Còn năm 1969, Bác sửa lần cuối cùng và khi Bác mất chúng ta đọc bản di chúc đó là toàn bộ kết tinh tư tưởng, đạo đức của Bác với nhân dân, với đất nước. Lúc bấy giờ trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều điều Bác dặn chưa có điều kiện thực tiễn. Cho nên chúng ta chỉ công bố một đoạn di chúc trong ngày mất của Bác. Nhưng đoạn công bố này lại tập hợp tất cả các ý của Bác được viết ở các trang. Sau 20 năm Bác mất (1989), Đảng đã có một thông cáo đặc biệt nói rõ cho toàn dân và bạn bè quốc tế biết sự thật về ngày, giờ mất của Bác và giải thích lý do vì sao trong hoàn cảnh bấy giờ chúng ta không đọc hết di chúc. Còn bây giờ, Đảng ta có nghĩa vụ công bố toàn văn di chúc cho nhân dân được biết để hiểu tấm lòng và tình cảm của Bác với Đảng với nhân dân.

                                                                                                    (Còn nữa)

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018

BHG - Ngày 29.8, Cụm thi đua số 1, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ. Tới dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn.

30/08/2018
Những câu chuyện cảm động về hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có một điều đặc biệt, đó là cuộc hành trình bôn ba của Bác sau 10 năm lại có bước ngoặt (1911 – 1920). Bác từ một người yêu nước trở thành một người Cộng sản. Bác sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác ủng hộ Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) là quốc tế duy nhất trên thế giới ủng hộ giải phóng các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

29/08/2018
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có nhiều câu chuyện cảm động về Bác với Đảng để chúng ta noi gương. Là lãnh tụ của Đảng nhưng Bác sinh hoạt chi bộ rất đều đặn, trong thực tế hiện nay nhiều khi vì công việc bận rộn mà ta ít để ý chuyện sinh hoạt chi bộ cơ sở. Bác sinh hoạt chi bộ với những đảng viên rất bình thường như lái xe, phục vụ, bảo vệ… mà Bác biết trình độ anh em còn hạn chế nhưng Bác luôn hòa mình vào quần chúng.

28/01/2019
Những câu chuyện của Bác gắn với dân chủ

BHG - Có rất nhiều câu chuyện cảm động của Bác Hồ về dân chủ. Chúng ta biết rằng, năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, nhưng Bác kiên trì luyện tập thân thể để tiếp tục làm việc. Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Cán bộ T.Ư Đảng đi làm rất sớm bằng xe đạp, thấy Bác liền xuống xe chào Bác, có những đồng chí nữ còn xúc động ngã xe, Bác lại tiến gần đỡ lên và nói: Các cháu lúc nào cũng gặp Bác ở đây, cứ đi làm bình thường, chỉ cần gật đầu với Bác...

27/03/2019