Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài

13:47, 01/01/2019

BHG - Đức và tài là 2 phẩm chất cấu tạo nên nhân cách một con người. Về đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những lý giải rất đặc sắc. Nhớ lại khi viết tác phẩm “Đường cách mệnh” là tác phẩm lý luận, được truyền bá Chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng. Bác đã đặt tư cách của người cách mạng ngay trang mở đầu tác phẩm, trong đó Bác nhấn mạnh giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng tham hướng về vật chất thì mới đủ bản lĩnh để đưa sự nghiệp cách mạng toàn thắng. Như vậy, Bác đã đặt đức và tài ngay từ rất sớm, khi cách mạng mới nhen nhóm như đốm lửa ban đầu.

 

Sau này Bác nói về đức và tài rõ rệt hơn. Có khi Bác dùng là chính trị và chuyên môn, hay là hồng và chuyên. Ở đây, Bác muốn nói chính trị là linh hồn, chuyên môn là thể xác. Vậy nên thiếu một trong hai yếu tố đó con người sẽ không có sự sống. Tuy nhiên, Bác nhấn mạnh đức vẫn phải là gốc, vì theo Bác, người có đức phải có tài và ngược lại khi có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì nguy hiểm, như vậy chúng ta thấy Bác quan niệm về đức và tài rất sâu sắc.

Chúng ta thường có khuyết điểm tách rời giữa đức và tài, có khi tuyệt đối đức xem nhẹ tài và ngược lại, nhưng với Bác luôn chú trọng 2 yếu tố này. Nếu hiểu đúng tư duy của Hồ Chí Minh là ngay trong đức đã có tài và trong tài phải có đức. Vì vậy, đức là đảm bảo để cho tài được phát huy, tài là điều kiện cho đức đi vào cuộc sống.

Bác vận dụng điều này trong công tác cán bộ rất thành công, chọn cán bộ trước hết phải chú trọng vào đạo đức, nhưng cán bộ muốn thực hiện được những nhiệm vụ cách mạng thì phải có tài năng cho nên phải suốt đời rèn luyện, trau dồi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống để thực hiện được lý tưởng đạo đức đã đề ra và thước đo đối với người có đức, tài là có làm hài lòng nhân dân hay không, đấy mới là thước đo chính xác nhất.

Trong ứng xử, Bác dặn chúng ta: Mình hơn người chớ kiêu căng; người hơn mình chớ nịnh nọt; thấy của người chớ có tham lam; đối với của mình chớ có bủn xỉn. Đó là con người với nhau tự ứng xử, trong đó có cả đức và tài. Đối với cán bộ, đảng viên Bác dặn: Cuộc sống thay đổi, yêu cầu cách mạng đòi hỏi ngày một cao thì đức cũng phải lên tầm cao mới, tài phải hoàn thiện nên cần phải học suốt đời, phấn đấu suốt đời mà Bác là một tấm gương về học và tự học suốt đời, tự rèn luyện xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Ta nhớ có một thời tư duy về đức và tài rất phiến diện, đề ra cả phương châm đó là ưu tiên đạo đức, chiếu cố năng lực, lấy cần cù bù khả năng. Một tư duy rất lỗi thời vì không bao giờ có sự tách rời, ưu tiên giữa đức và tài. Cần cù mà không hiệu quả, không sáng tạo thì cũng vô ích. Nên chúng ta phải thay đổi nhận thức, hiểu đúng đức và tài theo tư tưởng của Bác. Trong thực tế, sở dĩ chúng ta chưa thực hiện được, hoặc chưa thực hiện tốt vì chúng ta chưa đủ sức để đánh bại chủ nghĩa cá nhân (Bác gọi là giặc nội xâm). Vậy nên, muốn rèn đức, rèn tài về sâu xa chúng ta cần chống bằng được chủ nghĩa cá nhân, và Bác chỉ chống chủ nghĩa cá nhân chứ không xem thường cá nhân. Vì theo Bác, mỗi người có một sở trường riêng, cá tính, tâm lý, nhu cầu riêng, nếu những thứ đó không trái với xã hội thì không phải là xấu, cần phải vun trồng cho nó phát triển. Đấy là chỗ sâu sắc và tinh tế của Bác Hồ. Ngay cả vấn đề tài năng, ta không đo tài năng bằng bằng cấp mà phải tính hiệu quả của công việc. Tự học, tự nghiên cứu để đạt hiệu quả thì đó mới là năng lực và năng lực này xuất phát từ động cơ đúng thì chúng ta khuyến khích và lựa chọn. Theo Bác, phải làm sao cho cái hay, cái tốt nảy nở như lá mùa Xuân; cái xấu mất dần đi rồi tiến tới mất hẳn. Đấy chính là mục tiêu mà chúng ta cần học tập, rèn luyện để thực sự đạt đức và tài như Bác căn dặn.

Gs, Ts: Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018

BHG - Ngày 29.8, Cụm thi đua số 1, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ. Tới dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn.

30/08/2018
Vai trò của con người trong sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội

BHG - Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ, trong cuộc hành trình 30 năm tìm chân lý cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đi qua hơn 40 nước trên thế giới, chính vì vậy Bác đã tích lũy cho mình một vốn sống và kinh nghiệm vô cùng phong phú. Trong tất cả những kinh nghiệm và tri thức ấy, Hồ Chí Minh nổi bật là tri thức về vai trò của con người. Bác đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng thấm thía về vai trò của con người trong sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng.

30/06/2018
Những câu chuyện cảm động về hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có một điều đặc biệt, đó là cuộc hành trình bôn ba của Bác sau 10 năm lại có bước ngoặt (1911 – 1920). Bác từ một người yêu nước trở thành một người Cộng sản. Bác sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác ủng hộ Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) là quốc tế duy nhất trên thế giới ủng hộ giải phóng các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

29/08/2018
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

BHG - Phong cách là điểm đặc sắc, độc đáo của con người; Bác Hồ một người có nhân cách lớn và trí tuệ uyên sâu. Trong phong cách tư duy của Bác nổi bật là phẩm chất hài hòa, uyển chuyển, linh hoạt, những điều này được Bác đúc kết lại một câu "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

24/05/2018