Hà Giang

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống suy thoái "Tự diễn biến, tự chuyển hóa"

15:52, 01/06/2018

BHG - Tác phẩm cuối đời của Bác được viết vào ngày 3.2.1969, đúng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có tên “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Điều này để chúng ta biết rằng, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tư tưởng chống suy thoái, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Đảng ta đang tích cực thực hiện.

Đến Nghị quyết 4, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng ta mới dùng khái  niệm chống suy thoái, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” chứ Bác thì không dùng từ này, Bác dùng khái niệm rất quen thuộc là chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Bác, kẻ thù ẩn nấp ngay trong lòng mình, kẻ thù vô hình đó chỉ đợi chúng ta yếu kém để trỗi dậy. Vì vậy, về sâu xa của “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” chính là từ chủ nghĩa cá nhân. Bác cũng hay dùng từ “hủ hóa” để nói về sự suy thoái này, theo Bác sâu xa của “hủ hóa” là lỗi thời, lạc hậu mà cần phải xóa bỏ để xây dựng cái mới tiến bộ và phát triển hơn. Đây là những điều sâu sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh liên quan đến xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

 

Là người sáng lập ra Đảng ta, hơn ai hết Bác biết chỗ mạnh, yếu của Đảng. Bác nói rõ và thẳng thắn với chúng ta rằng, sinh thời ở một nước lạc hậu, lại tồn tại các tư tưởng đế quốc thực dân phong kiến nên Đảng ta cũng có nhiều nhược điểm, trong đó Bác chỉ rõ nhược điểm lớn nhất đó là yếu kém về lý luận. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác viết cách đây hơn 70 năm, Bác chỉ rõ: Đã yếu kém về lý luận lại thường mắc bệnh coi khinh lý luận. Xác định lý luận là nền tảng quan trọng, cho nên hiện nay Đảng ta xem không học tập lý luận cũng là suy thoái. Bác còn chỉ rõ một căn bệnh nữa trong suy thoái đó là bệnh hẹp hòi trong dùng người. Bệnh này rất nguy hiểm, nó ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Hẹp hòi cũng có nghĩa chỉ thích dùng những người yếu kém hơn mình. Bác xem bệnh hẹp hòi là rất nguy hiểm, nó hại cho phong trào cách mạng, sự lớn mạnh của Đảng, sâu xa hơn là đến sự phục vụ lợi ích cho nhân dân. Một bệnh nữa mà chúng ta không để ý hoặc xem không đúng mức đó là bệnh ba hoa, nói nhiều làm ít, lời nói với thực hiện không đi đôi với nhau… Sâu xa nó là bệnh giả dối, đạo đức giả. Những dụng ý, chỉ dạy của Bác đều được đề cập trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Trong tác phẩm cuối cùng Bác viết, Bác còn chỉ ra rất nhiều căn bệnh liên quan đến chủ nghĩa cá nhân như, vụ lợi, kèn cựa, động cơ không trong sáng, tham lam, mất đoàn kết nó bắt nguồn sâu xa về mâu thuẫn, xung đột về lợi ích. Những điều như vậy cho chúng ta thấy Bác đã cảnh báo từ rất sớm những “căn bệnh” mà bây giờ chúng ta phải chữa để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh.

Bác lo nhất là trong Đảng mất đoàn kết, trong các cơ quan Nhà nước dễ tham nhũng, chính vì vậy Bác luôn dựa vào dân chống bệnh tham nhũng mới có kết quả. Bác nói một câu rất thấm thía “Sở dĩ quan tham là vì dân dại, chứ dân khôn quan có tham cũng không tham được”. Theo Bác, Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên được bố trí vào các cơ quan Nhà nước thì sẽ là người có chức, có quyền. Chức to thì quyền to, chức nhỏ thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ mà lòng dạ không trong sáng thì vẫn có cơ hội tham nhũng. Tất cả những chỉ dẫn thấm thía đó cho chúng ta thấy rõ từ lâu Bác không chỉ vạch ra những biểu hiện suy thoái của cán bộ, mà Bác còn cương quyết, gương mẫu chữa bằng được căn bệnh đó. Nên Đảng ta gần đây mới nói: Trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau, để đề cao trách nhiệm, gương mẫu của những người trong Đảng, trong cấp ủy trước nhân dân.

Một câu chuyện mà Bác nói đến sự đoàn kết trong Đảng. Trước tình hình mất đoàn kết trong cấp ủy ở một số địa phương; đóng cửa phê bình, kiểm điểm thì căng thẳng và chắc gì đã có kết quả. Cho nên Bác mời các chú ngồi lại đây, ai có ý kiến thắc mắc gì, ai có hiềm khích gì mà chưa hiểu hãy nói thẳng thắn trước mặt Bác, không được mất đoàn kết có hại cho cách mạng, có hại cho dân. Trong Di chúc, Bác dặn Đảng ta phải thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đầy tớ của dân; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thật sự trau dồi đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân. Bác dặn chúng ta khi tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới giúp Đảng trong sạch, vững mạnh và lành mạnh khi đánh giá đồng chí mình. Nhắc lại những câu chuyện cuối đời Bác để chúng ta thấy rằng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì cần phải dựa trên chỉ dẫn của Bác Hồ.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, khi Bác mới 40 tuổi. Cách đó 10 năm (1920) Bác là đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Trong suốt cuộc đời Bác, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan tâm thường trực của Bác. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải đáp ứng rất nhiều nguyên tắc, mà Hồ Chí Minh là người lý giải những nguyên tắc này rất sâu sắc bằng chính việc làm thiết thực, cụ thể. 

31/01/2018
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Lương y phải như từ mẫu"

BHG - Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những người làm trong ngành y. Cách đây 63 năm, ngày 27.2.1955, trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. 

27/02/2018
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

BHG - Phong cách là điểm đặc sắc, độc đáo của con người; Bác Hồ một người có nhân cách lớn và trí tuệ uyên sâu. Trong phong cách tư duy của Bác nổi bật là phẩm chất hài hòa, uyển chuyển, linh hoạt, những điều này được Bác đúc kết lại một câu "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

24/05/2018