"Bút chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí"

20:20, 12/12/2017

BHG - Chúng ta đều biết, muốn phát triển kinh tế, không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sức sáng tạo trong lao động sản xuất, mà phát triển kinh tế còn gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí và tham nhũng. Đây là tư tưởng lớn về đường lối, chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hiện nay Đảng ta đã và đang ra sức vận dụng.

Bác phân biệt rất rõ, tiết kiệm khác với keo kiệt, bủn xỉn. Trong 4 đức tính “cần kiệm liêm chính” thì chữ “kiệm” nghĩa là tiết kiệm. Bác quan niệm tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý, là văn minh mà chúng ta phải học. Còn keo kiệt, bủn xỉn là thói xấu mà chúng ta nên bỏ đi. Có rất nhiều câu chuyện cảm động xung quanh việc thực hành tiết kiệm của Bác, trong đó đời Bác là một ví dụ. Là lãnh tụ, nhưng trong bữa cơm của Bác không khác bữa cơm của người dân thường.

Xung quanh câu chuyện với đồng chí phục vụ, Bác nói: Bác là người xứ nghệ, Bác chỉ thích ăn những món dân dã của quê nhà (Bác kín đáo nói về vấn đề tiết kiệm). Các đồng chí đó lại không hiểu sâu ý của Bác như vậy nên hỏi Bác là món ăn dân dã của Bác là món gì? Bác trả lời: là canh rau muống, mấy con cá bỗng kho và mấy quả cà xứ nghệ. Nghe Bác trả lời, các đồng chí phục vụ lại cứ dọn những bữa ăn cho bác như thực đơn vậy. Bác bảo cà xứ nghệ quê Bác rất ngon, nhưng Bác ăn như vậy là đủ rồi, các chú lấy đâu ra mà lắm cà vậy?. Thấy bác hỏi, đồng chí phục vụ lại nói là chúng cháu đã chuẩn bị cho Bác cả một xe ô tô cà. Nghe vậy,  Bác nói: Bác ăn vậy là đủ rồi, bây giờ Bác nhờ các cô, các chú ăn giúp ô tô cà này đi, ai ăn thì góp tiền trả lại cho dân.

Về chống quan liêu, lãng phí và tham nhũng, Bác dạy: Quan liêu là xa dân, lãng phí là không thương dân, tham ô, tham nhũng là ăn cắp của dân có tội với dân, với nước. Đời Bác khi ký án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, chỉ vì tham nhũng trong quân đội cũng đã đắn đo, suy nghĩ, nhưng vì kỷ cương phép nước và giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh nên Bác phải nghiêm trị. Sau này khi viết tác phẩm với nhan đề “Quốc lệnh” trong đó Bác viết 10 điều thưởng cho những người có công và 10 điều trừng phạt trong tham ô, tham nhũng và tội nặng nhất là tử hình.

Trong 24 năm là Chủ tịch nước, Bác hiểu rất rõ căn bệnh tham ô, tham nhũng chỉ xảy ra trong thể chế nhà nước, trong bộ máy Nhà nước và những cán bộ có chức, có quyền. Chính vì vậy, với Bác, điều trị, sửa chữa bệnh tham ô, tham nhũng là tập trung điều trị bên trong thể chế bộ máy này. Để chống quan liêu, tham nhũng, Bác đã mở một cuộc họp riêng về vấn đề này. Điều đáng nói là trước cuộc họp đó, Bác đã nhờ đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) dùng lương của Bác mua tặng mỗi cán bộ dự cuộc họp 1 chiếc bút máy. Ai nhận quà của Bác cũng rất vui, cảm động và nâng niu chiếc bút này, và theo thói quen khi nhận quà mọi người đều mở hộp bút ra xem thì nhìn thấy dòng chữ “Bút chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí” đã được Bác khéo léo nhắc nhở khắc vào bút. Lúc đó Bác không nói một lời, mọi người đọc dòng chữ được khắc trên bút cũng im lặng. Hai sự im lặng có giá trị khác nhau. Im lặng của Bác có giá trị như một lời khuyên, một lời cảnh báo “hãy biết dừng lại trước khi quá muộn”. Còn các đồng chí dự họp im lặng để dặn vấn lương tâm mình, nhìn lại chính mình để kịp thời sửa chữa. Bác đã chữa trị bệnh tham ô, tham nhũng và quan liêu đối với cán bộ của mình như vậy.

Chống quan liêu, tham ô, tham nhũng còn được Bác thể hiện qua phong cách ăn mặc giản dị, bình thường và rất gần gũi. Đôi dép cao su Bác đi đã trở thành huyền thoại, bộ quần áo nâu Bác mặc hợp với một lãnh tụ gần dân, chia sẻ với dân… Đấy là những ý tưởng sâu xa dùng sức mạnh của đạo đức và lối sống của Bác để chống bệnh quan liêu và tham ô.

 Trong kháng chiến, Bác yêu cầu cán bộ cao cấp của mình viết kiểm điểm, thành khẩn khai những lỗi lầm mắc phải mà không được giấu và phải quyết tâm sửa bằng được. Tại hội trường tổng kết, bế mạc chia tay các cán bộ về cơ sở, Bác nói rất nghiêm, “Bác đã đọc hết các bản kiểm điểm của các chú rồi, Bác khen các chú viết rất dũng cảm và trung thực, biết nhận lỗi như thế là tốt. Nhưng quan trọng bây giờ là phải sửa lỗi lầm ngay” – buổi chia tay, mỗi người về một địa phương khác nhau ai cũng buồn vì sợ để Bác lo nghĩ, bận tâm. Để hạ hỏa mọi người cùng rủ nhau xuống suối tắm. Bác đi từ một đường mòn khác đến, một vị tướng chỉ huy chạy lại dẫn Bác đi hướng khác - Bác bảo không, Bác chủ ý như vậy! Bác muốn xuống suối tắm cùng các chú cho vui, rồi tiện thể Bác tiễn các chú về luôn. Ai cũng mừng và xúc động. Chính vị tướng trẻ đó đến gần chỗ Bác tắm và kỳ lưng cho Bác, đồng thời hỏi Bác một câu rất xúc động, Bác ơi sao Bác gầy qúa? Bác không trả lời Bác gầy hay Bác béo, mà hỏi vị tướng một câu: Chú tham ô mấy vạn? Vị tướng thành thật, hồn nhiên trả lời Bác, cháu tham ô 4 vạn. Bác hỏi cháu thì cháu khai vậy, chứ cháu không lấy một xu nào, nhưng lỗi thì cháu nhận vì là chỉ huy mà để xảy ra sai sót. Bác tin chú là người tử tế, nhưng chú hãy giải thích đầu đuôi để Bác hiểu. Vị tướng giải thích với Bác – Cán bộ quân nhu đã phát tiêu chuẩn cho cháu rồi, nhưng chắc cán bộ này quên không ghi sổ sách nên lại phát lần 2 cho cháu, thấy vậy cháu cũng cầm. Tuy nhiên cháu không lấy về phần riêng cho mình mà phát lại cho chiến sỹ của cháu. Bác nghe vị tướng này giải thích, rồi nói: “Chú cho chiến sỹ của chú mà lòng dạ ngay thẳng, hồn nhiên thì Bác khen chú có lòng nhân ái, còn chú nghĩ bụng cho chiến sỹ cái này, sau này để chiến sỹ biếu chú món đồ khác to hơn thì chú không tốt”. Tất cả mọi người tắm cùng Bác đều hướng về phía Bác, đến lúc này Bác mới trả lời câu hỏi Bác gầy hay Bác béo: “Chú này 4 vạn, chú kia 4 vạn thì Bác béo làm sao được”. Câu chuyện này cách đây đã hơn 70 năm mà bây giờ kể lại vẫn thấy xót xa, vì sự dằn vặt lớn nhất trong đời Bác là có chế độ rồi và phải giữ vững được chế độ, muốn vậy phải tẩy trừ được sự lãng phí, tham ô, tham nhũng. Chính vì vậy Đảng ta hiện nay đang quyết tâm chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Những bài học thấm thía của Bác thực sự để chúng ta học tập và noi theo.

Hiện nay chúng ta đang quyết tâm đẩy lùi bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí; quyết tâm xử những vụ đại án vì tham ô, tham nhũng để lấy lại lòng tin trong nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Học Bác bây giờ chúng ta cần phải có liều thuốc đặc trị mà theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, trước hết phải hoàn thiện hệ thống luật pháp để có đủ chế tài trị nghiêm minh những cán bộ tham ô, tham nhũng; giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và những người có chức, có quyền để trọng danh dự, trọng liêm sỉ, trọng nhân cách, phải biết nhục, biết xấu hổ khi tham nhũng của dân. Bác gọi các cán bộ mắc lỗi ra nói rất thấm thía: Các chú có bao giờ ăn tranh cơm của vợ, của con không? Mà các chú nỡ lòng nào lấy của dân như thế? Nghe Bác nói vậy ai cũng thấy xấu hổ và tự bản thân sửa chữa; dựa vào sức mạnh của dân, vì theo Bác “trăm tai, nghìn mắt là dân”. Khi dân giám sát, dân theo dõi cán bộ thì sẽ ngăn chặn kịp thời sự hư hỏng của cán bộ. Chính vì vậy chống quan liêu, tham nhũng phải tổng hợp tất cả các biện pháp đó là luật pháp, đạo đức và văn hóa đúng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng ta đang thực hiện.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu nước, thương dân, thiết tha với độc lập dân tộc, mà Người còn là chiến sỹ cộng sản chân chính. Bước ngoặt trong 10 năm đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Bác tiếp cận tư tưởng của Lê-nin và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). 

30/10/2017
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Hồ Chí Minh còn là một Nhà văn hóa lớn được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong di sản của Người để lại về tư tưởng văn hóa, Bác cho biết "Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi", văn hóa không ở bên ngoài mà tồn tại trong kinh tế, chính trị của nhân loại. 

24/10/2017
Chuyên mục nghe kể chuyện về Bác Hồ

LTS: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn dân cũng như mỗi cán bộ, đảng viên trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cũng như việc thực hiện "Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang"; thông qua những câu chuyện kể chân thật, gần gũi, dễ hiểu của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo về Bác Hồ. Từ số này, Báo Hà Giang điện tử mở Chuyên mục "Kể chuyện về Bác", trân trọng mời quý vị và các bạn đón xem!

22/10/2017