Cùng đồng bào dân tộc thiểu số xây tổ ấm gia đình
Xuân 2019 - Sau 3 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH,HNCHT) trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015 – 2020 đã thu được kết quả đáng mừng. Các vụ TH,HNCHT giảm thiểu rõ rệt, nhận thức của bà con được nâng cao. Thực hiện Đề án từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương lựa chọn 4 đơn vị là xã Chí Cà (Xín Mần) và Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Yên Minh (Yên Minh), xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ), xã Lũng Pù (Mèo Vạc) làm thí điểm và đem lại kết quả tích cực. Năm 2018, triển khai mô hình tại xã Sà Phìn (Đồng Văn).
Hội thảo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Chí Cà (Xín Mần). |
Chúng tôi tới xã Chí Cà Trong không khí những ngày cuối năm, khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Với đặc thù là xã biên giới, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây vẫn còn tồn tại một số hủ tục, nên những năm trở về trước tình trạng TH,HNCHT vẫn xảy ra. Trong niềm vui hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KT - XH, đồng chí Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã Chí Cà vui mừng chia sẻ: “Từ khi triển khai Đề án trên địa bàn xã, với sự vào cuộc của chính quyền và nhân dân đã từng bước khắc phục và đẩy lùi tình trạng TH,HNCHT. Tình trạng TH,HNCHT tại xã giảm rõ rệt. Trước khi triển khai thực hiện Đề án, toàn xã có 16 cặp tảo hôn và đến năm 2018 giảm còn 2 cặp. Nhiều cặp vì sự thúc ép của gia đình, nhưng sau khi được cán bộ xã và trưởng thôn tuyên truyền đã hiểu được tác hại của tảo hôn cùng nhau vận động, thuyết phục người thân đợi đến khi đủ tuổi mới kết hôn, vừa đảm bảo sức khỏe sinh sản và không vi phạm pháp luật...”.
Hội thi phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT Yên Minh. |
Có được kết quả trên là nhờ những giải pháp sâu sát và linh hoạt của địa phương và nhà trường. Tại xã Chí Cà, chính quyền xã cùng các cán bộ thôn, bản đã bám sát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng gia đình. Xã cũng đã chỉ đạo các thôn, bản thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống tệ nạn TH,HNCHT”. Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín trong thôn, bản là những nhân tố được chính quyền xã tin tưởng nhằm phát huy vai trò và uy tín của họ trong cộng đồng để góp phần thực hiện Đề án một cách hiệu quả và bền vững, tránh tình trạng tái phát sau khi Đề án kết thúc.
Thực hiện Đề án trên, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Yên Minh (Yên Minh) đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền mới và sinh động cho các em, như tổ chức thi phòng, chống tệ nạn TH,HNCHT; thành lập Câu lạc bộ Tiền hôn nhân để các em tham gia sinh hoạt. Với đặc thù là các em còn nhỏ tuổi và chưa thể tự đưa ra quyết định thì vai trò và nhận thức của gia đình là rất quan trọng. Nắm được điều này, nhà trường đã kết hợp vận động các gia đình và học sinh tham gia ký cam kết không vi phạm TH,HNCHT. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đã trở thành tuyên truyền viên đắc lực trong công tác phòng, chống TH,HNCHT.
Cô giáo Vũ Thị Gòn, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Yên Minh, cho biết: Những năm qua, nơi đây không còn tình trạng học sinh bị cha mẹ ép cưới TH,HNCHT, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì phải kết hôn. Các em được yên tâm học tập và sinh hoạt đúng với độ tuổi của mình, từ đó trở nên tự tin, năng động hơn trong các hoạt động...
Với nỗ lực thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh triển khai các mô hình điểm, qua 3 năm thực hiện tình trạng TH,HNCHT đã giảm thiểu đáng kể, bình quân giảm từ 50-90%. Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân, những năm tiếp theo Đề án sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng tại các địa phương.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN - HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc