Hà Giang

Bắc Mê cần sớm giải quyết tranh chấp đất trồng rừng ở xã Yên Định

14:57, 19/11/2019

BHG - Theo phản ánh của gia đình các ông: Trương Văn Dồn, Trương Văn Mành, Phàn Văn Bằn và Phàn Văn Thông, trú tại thôn Nà Khuổng, xã Yên Định, hơn 10 năm qua khoảng 15 ha đất rừng sản xuất của 4 gia đình bị người khác lấn chiếm trồng rừng. Sự việc tranh chấp kéo dài khiến các hộ không có đất canh tác, gây mâu thuẫn lớn giữa các gia đình.

Các hộ dân thôn Nà Khuổng phản ánh đất của gia đình bị ông Nguyễn Văn Hùng trồng rừng lấn vào hơn 10 năm qua.
Các hộ dân thôn Nà Khuổng phản ánh đất của gia đình bị ông Nguyễn Văn Hùng trồng rừng lấn vào hơn 10 năm qua.

Qua tìm hiểu, đất rừng sản xuất của 4 gia đình ông: Dồn, Mành, Bằn và Thông có diện tích lần lượt là 39.191m2, 21.051m2, 28.271m2 và 58.313m2 đã sử dụng ổn định, hợp pháp hơn 20 năm. Các gia đình đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào những năm 2000 và được cấp đổi lại năm 2013. Năm 2008, ông Nguyễn Văn Hùng, cư trú tại xã Minh Ngọc đến thôn Nà Khuổng thực hiện trồng rừng theo chủ trương của huyện và hợp đồng với Ban quản lý dự án 661 (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ) huyện Bắc Mê trên các diện tích đất trống đồi núi trọc của thôn, với diện tích 50,8 ha. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đã chồng lấn vào diện tích đất của 4 gia đình trên.

Phóng viên Báo Hà Giang làm việc với lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê về sự việc.
Phóng viên Báo Hà Giang làm việc với lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê về sự việc.

Trưởng thôn Nà Khuổng Trương Văn Tiến, cho biết: Tranh chấp đất trồng rừng của các hộ dân kéo dài nhiều năm nay. Các hộ đã kiến nghị nhiều lần tới xã, huyện nhưng chưa được giải quyết triệt để. Thời gian gần đây, các hộ dân bị lấn chiếm đất trồng rừng và gia đình ông Hùng thường xuyên xảy ra cãi vã, xô xát, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Người dân mong muốn các cấp, ngành sớm giải quyết sự việc để các hộ được sử dụng lại đất, phát triển kinh tế; diện tích đất tập thể của thôn, xã cũng được giao lại cho cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng.

Thông tin từ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê, nhằm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng và nâng cao độ che phủ rừng, năm 2008 huyện đã có chủ trương giao, khoán cho các hộ dân trồng rừng sản xuất trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc. Theo hợp đồng giữa Ban quản lý dự án 661 (cũ) với ông Phàn Văn Mành (Trưởng thôn Nà Khuổng thời điểm đó đại diện cho cộng đồng dân cư trong thôn), tổng diện tích rừng trồng tại thôn Nà Khuổng trên 81 ha, với định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha (gồm cây giống, phân bón và công chăm sóc). Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đăng ký và được giao trồng 50,8 ha. Biểu đồ quy hoạch đất trồng rừng tại Nà Khuổng đều thể hiện rõ các lô đất nhưng vì lý do gì có sự chồng lấn như sự việc trên Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đang phối hợp với các ngành xác minh, giải quyết.

Theo phản ánh trong đơn đề nghị của ông Dồn, Mành, Bằn và Thông, sở dĩ ông Hùng trồng rừng lấn vào đất của các gia đình bởi lợi dụng biên bản do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê và lãnh đạo xã, thôn thời điểm đó lập “về việc thôn Nà Khuổng nhất trí giao đất trống, đồi trọc cho các doanh nghiệp”. Theo ngành chuyên môn, về mặt pháp lý biên bản này không đúng thẩm quyền, trái quy định; đồng thời nội dung biên bản cũng không thể hiện rõ giao cho doanh nghiệp nào cụ thể, không có các biên bản họp thôn thể hiện sự nhất trí của các hộ dân.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê Nguyễn Xuân Chài khẳng định: Việc lập và ban hành biên bản giao đất nêu trên là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên thời điểm đó tôi chưa nhận công tác ở Ban nên không rõ nguyên nhân, căn cứ vào đâu lãnh đạo tiền nhiệm tổ chức thực hiện như vậy. Quan điểm của Ban là ai sai người đó chịu trách nhiệm và tập thể của Ban cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.

Theo hợp đồng đã ký kết giữa Ban quản lý rừng 661 và các hộ dân trồng rừng ở Nà Khuổng, người dân được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng trồng khi khai thác sau khi nộp thuế và nộp vào ngân sách xã, thôn hoặc bên giao khoán rừng số tiền bằng 80 kg thóc/ha để xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Như vậy, hiện nay toàn bộ số rừng trồng tại Nà Khuổng đã đến kỳ khai thác, trong giải quyết tranh chấp trên, chúng tôi băn khoăn ai sẽ là người được phép khai thác rừng trồng tại đây!?. Giá trị từ khai thác rừng sẽ được tính toán, chia sẻ ra sao khi hơn 10 năm qua người dân không có đất sản xuất!?.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Củng Thị Mẩy, cho biết: Quan điểm của huyện trong giải quyết sự việc trên sẽ thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Đảm bảo quyền lợi của người dân và cả tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trồng, bảo vệ rừng ở địa phương.

Được biết, đầu tháng 9.2019 UBND huyện Bắc Mê đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra, xác minh thực tế để tham mưu giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa ra được hướng xử lý cụ thể. Rất mong các cấp, ngành ở Bắc Mê sớm có phương án giải quyết tranh chấp nêu trên hợp tình, hợp lý để trả lời thỏa đáng cho người dân và các bên liên quan.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều tuyến đường ở Đồng Văn xuống cấp

BHG - Giao thông thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, thúc đẩy KT - XH ở mỗi địa phương phát triển. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông của huyện Đồng Văn đã được đầu tư tương đối đồng bộ từ huyện đến xã. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường được đầu tư đã lâu, song thiếu kinh phí tu sửa, nâng cấp hàng năm nên dẫn tới tình trạng xuống cấp...

29/08/2019
Yên Minh cần xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đá trái phép

BHG - Mới đây, UBND tỉnh có công văn truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: Chủ tịch UBND các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác đá trái phép làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các xã thuộc vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn… Qua tìm hiểu thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi) trên địa bàn huyện Yên Minh rất lớn...

26/09/2019
Cần công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm học

BHG - Năm học 2019 – 2020 đã bắt đầu được 2 tháng, nhưng những khoản đóng góp đầu năm học của học sinh, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Giang vẫn chưa hết "nóng" trên các trang mạng xã hội cũng như dư luận. Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hà Giang, Nguyễn Thị Hương Giang thông tin: Thành phố hiện quản lý 34 trường học thuộc các cấp học từ Mầm non đến THCS. Ngay khi kết thúc năm học 2018 – 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, rà soát và ban hành kế hoạch nâng cấp...

23/10/2019
Đề xuất thu hồi "Bìa đỏ" cấp đất tập thể cho cá nhân tại thị trấn Việt Quang

BHG  - Liên quan đến phản ánh của cử tri tổ 6, 7 thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) về việc đất ao tập thể của HTX Việt Vân cũ – nay thuộc địa phận tổ 6 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là Bìa đỏ) cho cá nhân ông Lại Văn Trung, đăng ký thường trú tại tổ 7, thị trấn Việt Quang không đúng quy định, có dấu hiệu mờ ám, trục lợi đã được Báo Hà Giang điện tử phản ánh trong bài viết: "Bắc Quang

23/09/2019