Cần cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội đô thành phố Hà Giang

09:21, 10/07/2019

BHG - Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, từ lâu đã được biết đến là một thành phố thơ mộng, sáng, xanh, sạch đẹp! Nhưng vào thời điểm hiện tại, có lẽ những cảm nhận đó đã bị “mai một” bởi những tuyến đường nội đô đã có nhiều chỗ lồi, lõm, bong tróc và các dự án đang thi công khiến tình trạng ngổn ngang, bụi bẩn... gây nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, môi trường sống của nhân dân, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của thành phố.

Một điểm bong tróc, sụt lún tiềm ảnh nguy cơ tai nạn giao thông tại đường Minh Khai.
Thi công Dự án nước thải tại phường Trần Phú.

Hiện hệ thống đường giao thông trên địa bàn thành phố chủ yếu bằng đường bộ, với tổng chiều dài 124,65 km đường nội đô (Trong đó đường chính trong đô thị có 92 tuyến đường có tên, dài 103,18 km; đường ngõ, xóm dài 21,45 km). Các tuyến đường này có tính dải, đan xen dạng “ô bàn cờ” và đóng vai trò là các trục đường chính trong đô thị. Ngoài tuyến giao thông nội đô, trên địa bàn thành phố Hà Giang còn có 4,8 km đường Quốc lộ 2 đi Cửa khẩu Thanh Thủy; 6 km đường Quốc lộ 4C đi Đồng Văn – Mèo Vạc – Cửa khẩu Phó Bảng và 5,3 km đường Quốc lộ 34 đi Bắc Mê – Cao Bằng. Đa số các tuyến đường nội đô và các tuyến Quốc lộ đi qua thành phố đều được thi công từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù đã được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần, nhưng đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp khá nghiêm trọng, làm sụt lún, bong tróc nhiều đoạn.

Qua tìm hiểu, nhiều người dân mong muốn, ngay sau khi các dự án xử lý nước thải và dự án nâng cấp cung cấp nước sạch hoàn thành, tỉnh, thành phố cần đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến đường nội đô trong phố để người dân đi lại được thuận tiện, an toàn và đặc biệt là trả lại sự sáng, xanh, sạch đẹp vốn có của thành phố.

Ông Vũ Hoài Nam, cử tri tổ 10, đại diện HĐND phường Trần Phú phản ánh: Thành phố Hà Giang trong những năm qua đã có sự đổi thay rõ rệt nhờ sự đầu tư của trung ương, của tỉnh và thành phố; các công trình xây dựng, giao thông mới đã tạo ra những điểm nhấn rõ nét cho cảnh quan thành phố. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các tuyến đường nội đô thành phố Hà Giang nói chung, trên địa bàn phường Trần Phú nói riêng nhiều chỗ đã xuống cấp, hiện tượng sụt, lún, bong tróc xảy ra khá nhiều trên các tuyến đường; trên địa bàn thành phố cũng đồng thời triển khai các dự án lớn: Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Giang; Dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng (giai đoạn II) nâng công suất hệ thống cấp nước thành phố Hà Giang lên 16.000m3/ngày đêm; Dự án cải tạo hệ thống đường dây điện 22kV… Các dự án này khi thi công phải đào, cắt một số đường trên các tuyến phố cũng ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Việc thi công các dự án này người dân rất ủng hộ, bởi khi dự án đi vào hoạt động sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công cần hoàn trả mặt bằng như ban đầu.

Trao đổi với phóng viên về những ý kiến của nhân dân, đồng chí Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hệ thống giao thông trong khu vực nội đô thành phố Hà Giang đã được đầu tư từ những năm 1995 – 2005. Hiện đã có nhiều tuyến bị xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”, sình lún ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn tai nạn giao thông... Trước tình hình trên, UBND thành phố Hà Giang đã kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương cải tạo, nâng cấp và đến nay đã triển khai được một số tuyến: Quốc lộ 4C do Sở Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư; tuyến đường 3-2; đường đi xã Phong Quang; đường Hà Giang đi xã Tráng Kìm (Quản Bạ); đường vào kho K30 xã Phương Thiện, cầu Yên Biên mới... Ngoài những tuyến đường trên, UBND thành phố đã cho triển khai nâng cấp tuyến đường Phạm Hồng Cao, tuyến đường Minh Khai. Đồng thời chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị và các xã, phường kiểm tra, rà soát các tuyến đường, hệ thống cống rãnh thoát nước cần cải tạo, nâng cấp; vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Thành phố hỗ trợ xi măng để làm đường ngõ, ngách; hỗ trợ một phần kinh phí để làm đường bê tông át phan. 6 tháng đầu năm 2019 đã thảm lại mặt 350m đường Nguyễn Chí Thanh, 100m đường Hoàng Diệu, 100m thuộc phường Minh Khai; mở rộng, nâng cấp 300m đường bê tông chạy dọc theo bờ kè sông Lô, đoạn qua tổ 7 phường Trần Phú... Hiện các mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn.

Thiết nghĩ, thành phố Hà Giang đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 3, việc thực hiện cải tạo, nâng cao các tuyến đường nội đô thành phố thời điểm này là cần thiết vừa đảm bảo các tiêu chí về đô thị, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của người dân, trả lại sự sáng, xanh, sạch, đẹp vốn có của thành phố.

Bài, ảnh: NHẬT LINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần giải quyết dứt điểm ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá tới người dân thôn Nà Tèn

BHG - 3 năm qua, một số hộ dân thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) không ít lần kêu cứu đến các cấp, ngành chức năng về ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá của 2 mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến nghị đó vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 thuộc địa phận thôn Nà Tèn, được cấp phép cho Công ty TNHH Thanh Long năm 2014, với diện tích 1,17 ha, công suất khai thác 20 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 25 năm và HTX Tân Thành được cấp phép năm 2015, diện tích trên 2 ha, công suất 25 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn 26 năm. 

29/11/2018
Một số tuyến đường ở Quang Bình rất cần được sửa chữa

BHG - Tuyến đường từ thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đến xã Xuân Giang (Quang Bình) đi qua các xã: Việt Hồng (Bắc Quang), Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang (Quang Bình); tuyến Tỉnh lộ 178 đoạn từ thị trấn Yên Bình (Quang Bình) đến xã Bằng Lang hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Người dân sinh sống dọc các tuyến đường này mong muốn được Nhà nước đầu tư sửa chữa để bà con đi lại thuận tiện.

 

29/05/2019
Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn chưa phát huy hiệu quả

BHG - Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) được khởi công năm 2013 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Phần Lan, BQL Các dự án cấp, thoát nước tỉnh làm chủ đầu tư; hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015. Công trình được thiết kế với một trạm xử lý nước công suất 1.000 m3/ngày đêm; hệ thống đường ống dẫn nước thô từ các nguồn về trạm xử lý nước; đường ống dịch vụ đấu nối tới 639 hộ dân của thị trấn.

 

27/06/2019
Những ảnh hưởng tiêu cực do việc khai thác quặng mangan ở xã Ngọc Minh

BHG - Huyện Vị Xuyên có tổng số 13 điểm mỏ khai thác quặng mangan, trong đó tại xã Ngọc Minh có tới 9 điểm mỏ, chiếm gần 70%/tổng số mỏ quặng mangan của toàn huyện. Trong những năm qua, hoạt động khai thác quặng mangan trên địa bàn xã Ngọc Minh của một số công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đã làm ảnh hưởng lớn cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng. Nhiều công ty, doanh nghiệp trong quá trình khai thác quặng không chấp hành theo cam kết bảo vệ môi trường... 

26/06/2019