Hà Giang

Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn chưa phát huy hiệu quả

09:58, 27/06/2019

BHG - Công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) được khởi công năm 2013 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Phần Lan, BQL Các dự án cấp, thoát nước tỉnh làm chủ đầu tư; hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015. Công trình được thiết kế với một trạm xử lý nước công suất 1.000 m3/ngày đêm; hệ thống đường ống dẫn nước thô từ các nguồn về trạm xử lý nước; đường ống dịch vụ đấu nối tới 639 hộ dân của thị trấn.

Trạm xử lý công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn luôn trong tình trạng thiếu nước.
Trạm xử lý công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn luôn trong tình trạng thiếu nước.

Sau khi công trình hoàn thành, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Phần Lan và các chuyên gia đã kiểm tra, đánh giá cao công tác triển khai, cũng như hiệu quả thực hiện dự án. Tuy nhiên, do những năm qua lượng mưa giảm, nguồn nước cạn, công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn không thu gom đủ nước nguồn, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Giải quyết vấn đề trên, năm 2016, UBND tỉnh quyết định đầu tư thêm các hạng mục: Hệ thống dẫn nước từ nguồn Tà Dân, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn về trạm xử lý dài gần 2,5 km; xây dựng bể lắng đứng xử lý nước sạch, bể chứa dung tích 100 m3 để thu nước mặt và lắp máy bơm tự động bơm nước về trạm xử lý vào mùa khô… tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Thế nhưng, nước dẫn về cũng không nhiều do người dân thôn Bảo An không muốn chia sẻ nguồn nước.

Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn Lệnh Phong Điền, cho biết: Ngay trong mùa khô, nguồn nước ở Tà Dân đủ đáp ứng nhu cầu dẫn nước về trạm xử lý. Tuy nhiên, các hộ dân sợ nếu chia sẻ nguồn nước, khi cần lại phải mua của Trung tâm Dịch vụ công cộng - môi trường và cấp thoát nước (DVCC – MT&CTN) huyện. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhưng người dân chỉ đồng thuận chia sẻ một phần nguồn nước. 

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm DVCC – MT&CTN huyện Quản Bạ – đơn vị được tạm giao quản lý, vận hành công trình cấp nước thị trấn Tam Sơn: Ngoài 3 tháng mùa mưa, các tháng còn lại lượng nước thu về rất ít, chỉ đủ cung cấp cho khoảng 30 hộ dân quanh trạm xử lý nước.

Anh Vương Đình Thu, tổ 3, thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: Gia đình tôi được đấu nối đường ống dẫn nước và đồng hồ đo của Dự án cấp nước. Tuy nhiên cả khu dân cư tổ 3 và một số tổ lân cận không có nước cấp về. Vì vậy, gia đình tôi đã đóng góp 10 triệu đồng cùng một số hộ mua đường ống, dẫn nước từ khe núi về sử dụng.

Trước thực trạng trên, Trung tâm DVCC – MT&CTN huyện được giao quản lý, sử dụng 2 máy bơm nước từ giếng khoan thăm dò nguồn nước vào đường ống của Dự án Phần Lan, cấp cho khoảng 450 hộ, với công suất 500 m3/ngày. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng 50% số hộ khu trung tâm thị trấn Tam Sơn. Các hộ còn lại chủ yếu dùng nước giếng hoặc dẫn nước nguồn từ các dãy núi quanh khu vực về sử dụng.

Ông Trương Đức Khanh, Giám đốc BQL Các dự án cấp, thoát nước tỉnh, cho biết: Ban đã đề xuất UBND tỉnh phương án đầu tư đường ống dẫn nước từ xã Quản Bạ về trạm xử lý. Tuy nhiên, do khoảng cách xa, trên 10 km, kinh phí đầu tư nhiều nên tỉnh chưa chấp thuận. Vì vậy, trước mắt cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân thôn Bảo An chia sẻ thêm nguồn nước Tà Dân; Trung tâm DVCC – MT&CTN huyện Quản Bạ vận hành tốt công trình, chủ động tích nước vào bể chứa khi trời mưa. Ban cần phối hợp với huyện Quản Bạ tìm giải pháp đưa nước từ các nguồn nhỏ về nguồn chính của công trình...

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần giải quyết dứt điểm ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá tới người dân thôn Nà Tèn

BHG - 3 năm qua, một số hộ dân thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) không ít lần kêu cứu đến các cấp, ngành chức năng về ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá của 2 mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến nghị đó vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 thuộc địa phận thôn Nà Tèn, được cấp phép cho Công ty TNHH Thanh Long năm 2014, với diện tích 1,17 ha, công suất khai thác 20 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 25 năm và HTX Tân Thành được cấp phép năm 2015, diện tích trên 2 ha, công suất 25 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn 26 năm. 

29/11/2018
Một số tuyến đường ở Quang Bình rất cần được sửa chữa

BHG - Tuyến đường từ thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đến xã Xuân Giang (Quang Bình) đi qua các xã: Việt Hồng (Bắc Quang), Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang (Quang Bình); tuyến Tỉnh lộ 178 đoạn từ thị trấn Yên Bình (Quang Bình) đến xã Bằng Lang hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Người dân sinh sống dọc các tuyến đường này mong muốn được Nhà nước đầu tư sửa chữa để bà con đi lại thuận tiện.

 

29/05/2019
Những ảnh hưởng tiêu cực do việc khai thác quặng mangan ở xã Ngọc Minh

BHG - Huyện Vị Xuyên có tổng số 13 điểm mỏ khai thác quặng mangan, trong đó tại xã Ngọc Minh có tới 9 điểm mỏ, chiếm gần 70%/tổng số mỏ quặng mangan của toàn huyện. Trong những năm qua, hoạt động khai thác quặng mangan trên địa bàn xã Ngọc Minh của một số công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đã làm ảnh hưởng lớn cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng. Nhiều công ty, doanh nghiệp trong quá trình khai thác quặng không chấp hành theo cam kết bảo vệ môi trường... 

26/06/2019
Cầu treo xuống cấp, nguy hiểm luôn "rình rập" người dân xã Yên Cường

BHG - Cầu treo từ thôn Đồn Điền đi thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường (Bắc Mê) được xây dựng từ vài chục năm trước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau những ngày mưa dầm, cây cầu đang đứng trước nguy cơ sập, gãy gây nguy hiểm cho người dân khi di chuyển qua cầu. Theo quan sát, cây cầu treo xuống cấp khiến cho việc lưu thông hàng hóa cũng bị ảnh hưởng, làm kinh tế địa phương chậm phát triển. Cầu dài hơn 20 m, rộng 1,8 m, mặt cầu được làm bằng gỗ, thành cầu được làm bằng sắt đan...

25/10/2018