Hà Giang

Cần giải pháp sử dụng hiệu quả hồ treo Pờ Chừ Lủng

08:22, 07/06/2019

BHG - Hồ treo Pờ Chừ Lủng, thôn Pờ Chừ Lủng, xã Ngam La, huyện Yên Minh được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay người dân vẫn không có nước hợp vệ sinh để sử dụng.

Rất nhiều rác thải nổi trên mặt hồ.
Rất nhiều rác thải nổi trên mặt hồ.

Pờ Chừ Lủng là thôn khó khăn nhất của xã Ngam La và huyện Yên Minh; thôn cách trung tâm xã khoảng 10 km, hiện có 55 hộ, 100% là dân tộc Mông, trong đó 53 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Điều khó khăn nhất đối với người dân Pờ Chừ Lủng trong nhiều năm qua là đường giao thông và nước sinh hoạt. Thôn được chia làm 3 tổ dân cư nhưng hiện mới tổ 1 có đường xe máy đến trung tâm, 2 tổ còn lại hoàn toàn phải đi bộ theo đường mòn.

Được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là niềm mơ ước thường trực nhiều năm nay của người dân Pờ Chừ Lủng. Do nằm trên khu vực núi cao, không có mạch nước nguồn, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, người dân phải đào các hố sâu dưới đất để hứng và trữ nước.

Nhằm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ dân của thôn Pờ Chừ Lủng, năm 2010 UBND tỉnh phê duyệt đầu tư “hồ treo” tại tổ 1 của thôn, với dung tích 2.085m3, tổng mức đầu tư trên 6,6 tỷ đồng; năm 2014, công trình hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, người dân vẫn chưa thể sử dụng nước tích trữ trong hồ bởi không đảm bảo vệ sinh.

Không thể lấy nước ăn từ “hồ treo”, anh Lù Sè Súng phải xây bể tích nước mưa.
Không thể lấy nước ăn từ “hồ treo”, anh Lù Sè Súng phải xây bể tích nước mưa.

Anh Lù Sè Súng, sống tại tổ 1 của thôn cho biết: Tường bao của “hồ treo” quá thấp, khi trời mưa nước từ trên núi chảy xuống, kéo theo đất đá và phân gia súc tràn vào hồ. Ngoài ra, vì không phân công người quản lý, hàng rào cũng không đảm bảo, nên trẻ em thường xuyên ném các đồ vật, cây que, chất bẩn xuống hồ, gây ô nhiễm nước nên không thể dùng để ăn uống, người dân chỉ sử dụng giặt quần áo, cho trâu bò uống và tưới cây.

Trực tiếp chứng kiến những chai, lọ, túi ni – lông, quần áo, cây que nổi trên mặt nước; nhiều bụi cây, cỏ mọc um tùm trong hồ; một số đoạn tường bao bằng thép và cổng vào lấy nước bị hư hỏng; đất đá vương vãi khắp thềm thu nước; đặc biệt nước hồ đục, mặt nước hơi váng xanh và có mùi tanh, chúng tôi mới thực sự tin những chia sẻ của người dân về tình trạng ô nhiễm nước của hồ treo Pờ Chừ Lủng.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Minh Vi Trung Toán cho biết: Để xây dựng được hồ Pờ Chừ Lủng là sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành. Bởi đây là thôn cực kỳ khó khăn, người dân sống tách biệt với bên ngoài. Các hạng mục đều được xây dựng theo đúng thiết kế; hồ tích nước rất tốt nhưng quản lý sau đầu tư của địa phương không sát sao khiến nước bị ô nhiễm. Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của huyện đã làm việc với địa phương về việc này, yêu cầu bơm hút nước để thau rửa hồ và vận động người dân di rời chuồng trại gia súc đến vị trí khác.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, hệ thống tường rào của hồ Pờ Chừ Lủng được xây bằng đá hộc cao 70 cm, rộng 30 cm, phía trên có rào bằng thép cao khoảng 70 cm. Thiết kế này theo người dân chưa đảm bảo, trẻ em và gia súc rất dễ vượt qua hàng rào để vào hồ, tiềm ẩn nguy hiểm do thềm thu nước có độ dốc lớn, trơn trượt; tường xây thấp khiến nước mưa và chất bẩn dễ chảy từ ngoài vào.

Chủ tịch UBND xã Ngam La Nguyễn Văn Thuận cho biết: Qua phản ánh của người dân Pờ Chừ Lủng, lãnh đạo xã đã vào kiểm tra thực tế. Đồng thời kêu gọi được một đoàn từ thiện hỗ trợ máy bơm nước cho xã để thau rửa hồ. Tuy nhiên, thời điểm này chưa thể hút nước rửa hồ.

Mục tiêu của hồ Pờ Chừ Lủng là cấp nước cho toàn thôn; nhưng do hồ được xây dựng tại tổ 1, trong khi đường từ tổ 2 và tổ 3 đến tổ 1 hoàn toàn là đường mòn. Vì thế, từ khi hồ hoàn thành đến nay, chưa có hộ dân nào ở các tổ dân cư 2, 3 đến lấy nước. Trong khi hiện nay người dân tổ 2 và tổ 3 vẫn phải sử dụng các hố chứa nước mưa hay các lu đựng nước, không đảm bảo vệ sinh và thiếu nước quanh năm. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã Ngam La cần sớm hỗ trợ người dân mở đường xe máy từ tổ 2, tổ 3 đến tổ 1 để phát huy tối đa hiệu quả của hồ sau khi được thau rửa và tích nước sạch.

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần giải quyết dứt điểm ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá tới người dân thôn Nà Tèn

BHG - 3 năm qua, một số hộ dân thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) không ít lần kêu cứu đến các cấp, ngành chức năng về ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá của 2 mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến nghị đó vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 thuộc địa phận thôn Nà Tèn, được cấp phép cho Công ty TNHH Thanh Long năm 2014, với diện tích 1,17 ha, công suất khai thác 20 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 25 năm và HTX Tân Thành được cấp phép năm 2015, diện tích trên 2 ha, công suất 25 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn 26 năm. 

29/11/2018
Một số tuyến đường ở Quang Bình rất cần được sửa chữa

BHG - Tuyến đường từ thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đến xã Xuân Giang (Quang Bình) đi qua các xã: Việt Hồng (Bắc Quang), Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang (Quang Bình); tuyến Tỉnh lộ 178 đoạn từ thị trấn Yên Bình (Quang Bình) đến xã Bằng Lang hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Người dân sinh sống dọc các tuyến đường này mong muốn được Nhà nước đầu tư sửa chữa để bà con đi lại thuận tiện.

 

29/05/2019
Cầu treo xuống cấp, nguy hiểm luôn "rình rập" người dân xã Yên Cường

BHG - Cầu treo từ thôn Đồn Điền đi thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường (Bắc Mê) được xây dựng từ vài chục năm trước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau những ngày mưa dầm, cây cầu đang đứng trước nguy cơ sập, gãy gây nguy hiểm cho người dân khi di chuyển qua cầu. Theo quan sát, cây cầu treo xuống cấp khiến cho việc lưu thông hàng hóa cũng bị ảnh hưởng, làm kinh tế địa phương chậm phát triển. Cầu dài hơn 20 m, rộng 1,8 m, mặt cầu được làm bằng gỗ, thành cầu được làm bằng sắt đan...

25/10/2018
Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp sông Ma

BHG - Sông Ma chảy qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên), cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, lòng sông Ma đã, đang bị bồi lấp, thay đổi dòng chảy, sạt lở 2 bên bờ nghiêm trọng; hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ven sông cũng bị sạt lở, vùi lấp không thể phục hóa… Điều này, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tùng Bá gần 276 nghìn m2 thuộc sự quản lý của 434 gia đình, cá nhân. 

24/10/2018