Cần sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 60/HĐND tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương

17:05, 13/10/2017

BHG - Nghị quyết 60/HĐND ngày 11.12.2016 của HĐND tỉnh quy định về số lượng chức danh, một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố (Nghị quyết 60) thực sự là bước đột phá trong quyết tâm tinh giản bộ máy tại cấp cơ sở theo hướng tinh gọn, giúp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương được linh hoạt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả; tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Cán bộ thôn Nậm Tà, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) vận động người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209/HĐND tỉnh.
Cán bộ thôn Nậm Tà, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) vận động người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209/HĐND tỉnh.

Ngay khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 60, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, tổ chức triển khai, định hướng cho cấp xã tổ chức rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại những người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở xã, thôn, tổ dân phố. Trong quá trình kiện toàn, sắp xếp phải đảm bảo yêu cầu: Không ảnh hưởng đến hoạt động của xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố; không vi phạm chế độ bầu cử của tổ chức hội, đoàn thể; người hoạt động KCT sau khi được kiện toàn phải nâng cao về trình độ năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tư tưởng đối với những người đã tham gia đảm nhận các chức danh KCT nhiều năm thôi không đảm nhiệm sau khi sắp xếp, kiện toàn lại.

Số lượng những người hoạt động KCT được bố trí theo từng loại đơn vị hành chính: Xã có 15 chức danh, được bố trí tối đa 8 người; thị trấn có 16 chức danh được bố trí tối đa 9 người; phường có 18 chức danh, được bố trí tối đa 11 người. Mỗi thôn có 12 chức danh, được bố trí tối đa 7 người; mỗi tổ dân phố có 10 chức danh, được bố trí tối đa 5 người. Cán bộ KCT ở cấp xã, kiêm nhiệm thêm 1 chức danh được hưởng 50% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm; kiêm nhiệm thêm 2 chức danh được hưởng 70% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm có hệ số phụ cấp cao nhất. Cán bộ KCT ở thôn và tổ dân phố, kiêm nhiệm thêm 1 chức danh được hưởng 60% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm; kiêm nhiệm 2 chức danh được hưởng 100% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm có hệ số phụ cấp cao nhất.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 60, số người hoạt động KCT ở xã, phường, thôn bản đã giảm từ 27.631 người xuống còn 15.921 người, như vậy đã giảm được 11.710 người. Trong đó cấp xã đã giảm được 1.365 người, cấp thôn, tổ dân phố giảm được 10.345 người.

Thực tế cho thấy, khi kiêm nhiệm các chức danh ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, rõ ràng phụ cấp của cán bộ KCT có tăng lên nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Các thôn, tổ dân phố trước khi tổ chức kiện toàn đều tổ chức họp, lấy ý kiến đóng góp dân chủ, công khai, lựa chọn những người đủ trình độ, khả năng đảm nhiệm công việc; tránh tình trạng cục bộ, tranh giành, mất đoàn kết nội bộ.

Việc bố trí, kiện toàn đội ngũ cán bộ KCT được thực hiện linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu thực tế. Có nơi ưu tiên lấy các chức danh bầu cử của tổ chức chính trị - xã hội làm chức danh chính; có nơi ưu tiên chức danh có mức phụ cấp cao nhất làm chức danh chính; có nơi ưu tiên chức danh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ làm chức danh chính để ghép các chức danh khác. Các chức danh kiêm nhiệm chủ yếu là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ; Trưởng thôn hoặc Bí thư Chi đoàn kiêm khuyến nông, khuyến lâm, thú y; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ kiêm nhân viên y tế...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Một số xã, thị trấn còn khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động cho thôi làm nhiệm vụ đối với những người đã tham gia đảm nhiệm các chức danh nhiều năm thuộc diện tuổi cao, sức khỏe yếu, chưa có trình độ chuyên môn hoặc không nhiệt tình trong công tác; vẫn còn lúng túng trong quản lý, điều hành và đánh giá chất lượng cán bộ KCT hoạt động kiêm nhiệm; nguồn nhân lực tại chỗ và trình độ chuyên môn của đội ngũ KCT còn hạn chế nhất định; khó khăn khi bố trí một số chức danh cần bắt buộc về giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn; phụ cấp thấp trong khi khối lượng công việc nhiều nên chưa khuyến khích được cán bộ KCT thực hiện chức danh kiêm nhiệm.

Trưởng thôn Nậm Tà, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), Bồn Văn Bỉnh cho biết: “Kiêm nhiệm thêm các chức danh KCT rõ ràng khối lượng công việc rất lớn, nhưng một số chức danh sau khi được kiện toàn cán bộ kiêm nhiệm chưa được tập huấn về kiến thức, kỹ năng nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, mức phụ cấp kiêm nhiệm của người hoạt động KCT ở thôn bản còn thấp, chưa phù hợp với tính chất công việc được giao. Chúng tôi mong muốn HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét, sửa đổi để nâng mức phụ cấp, tạo điều kiện cho cán bộ cấp cơ sở ổn định cuộc sống, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Có thể khẳng định, Nghị quyết 60 đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức. Mới đây, HĐND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét trình HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 60: Sửa đổi việc bố trí số lượng người hoạt động KCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố phù hợp với từng khu vực; nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm của người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tính chất công việc được đảm nhiệm.

Trước yêu cầu thực tế và mong muốn chính đáng của cán bộ cơ sở, rất mong cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi một số nội dung của nghị quyết cho phù hợp với thực tế của địa phương, đồng thời phát huy được năng lực, trình độ và sự nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ KCT.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bao giờ người dân 4 thôn: Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm có cầu để đi

BHG- "Không có cây cầu cứng qua con suối, người dân 4 thôn dễ gặp nhiều hiểm nguy. Bởi thế, chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư cho thôn có một cây cầu tràn vững chãi để qua suối...". - Đó là mong muốn của 321 hộ sinh sống tại các thôn Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm, xã Đường Âm (Bắc Mê).

31/05/2017
Người dân tiếp tục mong mỏi cầu treo Vô Điếm sớm được nâng cấp

BHG- Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu treo Vô Điếm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như: Báo Hà Giang ra ngày 4.6.2016; Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Giang phát ngày 27.6.2016;... nhưng đến nay, cầu treo Vô Điếm vẫn chưa được nâng cấp, mọi công tác sửa chữa vẫn chỉ là mang tính tạm thời, người dân khi di chuyển trên cầu vẫn nơm nớp lo sợ cho tính mạng của mình đang. 

26/09/2017
Người dân tiếp tục mong mỏi cầu treo Vô Điếm sớm được nâng cấp

BHG - Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu treo Vô Điếm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như: Báo Hà Giang ra ngày 4.6.2016; Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Giang phát ngày 27.6.2016;... 

26/09/2017
Thành phố Hà Giang xử lý quyết liệt việc xây dựng không phép, sai phép tại tổ 3, tổ 4, phường Quang Trung

BHG- Thời gian vừa qua, trên địa bàn tổ 3, tổ 4, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang đã xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng không phép, sai phép. Điều này tạo dư luận không tốt, gây bất bình cho người dân trên địa bàn. Trước tình trạng này, thành phố Hà Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng xảy ra, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.

22/08/2017