Hà Giang

Về vùng... "đất khát" ở thành phố Hà Giang

08:41, 10/08/2016

BHG - Từ trụ sở xã Phương Thiện (TP Hà Giang), ngược dốc 4 km theo con đường bê-tông uốn lượn, êm ả, chúng tôi tiếp tục “nhảy lồ cồ” thêm 2 km nữa trên con đường cấp phối cũ, bị thời gian bào mòn, nhô lên những hòn đá bát úp thì đến trụ sở thôn Gia Vài, một thôn vùng cao, khó khăn của xã. Là vùng chỉ canh tác được 1 vụ lúa, nhìn những khoảng ruộng bậc thang nơi đây bị bỏ hoang do thiếu nước sản xuất mà xót xa, vì điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân Gia Vài.

Bà Lý Thị Tim nhổ mạ già để cấy lúa muộn.
Bà Lý Thị Tim nhổ mạ già để cấy lúa muộn.

Toàn thôn có 39 hộ dân tộc Dao, sinh sống trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 50 ha, trong đó chỉ có 6,5 ha lúa nước, diện tích này chủ yếu là ruộng bậc thang. Từ năm 2015 trở về trước, diện tích lúa của thôn còn có nguồn Phác Cam tưới tắm, dù không nhiều nhưng cũng tạm đủ để cây lúa sinh trưởng. Từ vụ Mùa 2015 đến nay, nguồn nước bị cạn kiệt dần, hệ thống mương thủy lợi cũng xuống cấp trầm trọng do được xây dựng đã lâu (1997), ít được duy tu, bảo dưỡng. Năm 2015, lượng nước chỉ đủ tưới cho 2/3 diện tích lúa của thôn. Sang vụ Mùa 2016, nguồn nước Phác Cam chỉ tưới được 1/6,5 ha, còn lại 2,5 ha người dân phải phụ thuộc vào nước mưa và tận dụng nguồn nước thải sinh hoạt gia đình dẫn vào ruộng. Số diện tích 3 ha còn lại, do thiếu nước, người dân đành phải... bỏ không (!)

Trưởng thôn Bàn Văn Nhiêu cho biết: Mặc dù chỉ cách thành phố Hà Giang 10 km nhưng vẫn còn 31/39 hộ chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia, do đó 30 hộ phải tự đầu tư máy phát điện nước (đặt máy phát điện từ suối Thẳm Lườn, kéo dây lên khá xa) hoặc đầu tư ắc quy tích điện. Toàn thôn có 14/39 hộ nghèo (diện tích lúa thiếu nước lại tập trung vào những hộ nghèo); năng suất lúa hàng năm chỉ đạt 5,5 tạ/ha; thu nhập bình quân 500 ngàn đồng/người/tháng, 150 kg lương thực/người/năm. Thôn còn khá nhiều hộ thiếu ăn trong 4 tháng giáp hạt.

Một phần diện tích lúa bị bỏ không do thiếu nước.
Một phần diện tích lúa bị bỏ không do thiếu nước.

Đến Gia Vài vào cuối tháng 7, là thời điểm đã hết khung thời vụ gieo cấy lúa Mùa nhưng chúng tôi vẫn gặp bà Lý Thị Tim và nhiều người dân trong thôn đang cặm cụi nhổ đám mạ già để cấy vào những khoảnh ruộng vừa có nước do mưa hoàn lưu của Bão số 1 vừa qua. Mặc dù đã qua thời vụ nhưng vì: “Tiếc nước, tiếc ruộng, được hạt thóc nào quý hạt thóc ấy, nên cứ cấy thôi!”, bà Tim ngậm ngùi chia sẻ. Còn ông Lý Văn Nhì thì chuyển diện tích lúa nước khô hạn của gia đình sang trồng lúa nương nhưng “Cũng chả biết có được ăn không!” vì đây là lần đầu ông trồng thử nghiệm trên mảnh ruộng lúa nước trước đây. Đồng chí Đàm Văn Thủy, cán bộ Khuyến nông của xã cho biết rằng, cấy như thế thì không thể cho thu hoạch do thời điểm quá xa khung thời vụ, mạ kém chất lượng do bị già, cằn cỗi vì thiếu nước nên không đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Mới đây, bà con Gia Vài phát hiện được nguồn nước Nặm Phiêng, có trữ lượng dồi dào, có thể tưới đủ cho diện tích lúa của thôn. Tuy nhiên, để dẫn được đường nước về ruộng là ngoài khả năng của người dân thôn Gia Vài do khoảng cách xa, đầu tư lớn so với mặt bằng kinh tế của người dân trong thôn. Do đó, người dân nơi đây rất mong mỏi chính quyền xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước từ nguồn Nặm Phiêng về thôn để xua đi cái khát của 6,5 ha lúa nước và có thể khai phá, mở rộng thêm diện tích sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân Gia Vài, vốn còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 200 hộ dân tại 5 thôn, bản của xã Tân Nam "ngóng" điện về

BHG- Tân Nam là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình với tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 60% (theo tiêu chuẩn mới năm 2016). Hiện nay, xã vẫn còn 5/12 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Nhiều năm qua, hơn 200 hộ dân tại các thôn Tân Bình, Minh Hạ, Nậm Qua, Lùng Chún, Nặm Ngoa vẫn luôn sống trong cảnh "ngóng" điện từng ngày.

31/03/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Hơn 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn bao giờ mới có điện?

BHG- Hơn chục năm nay, với trên 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn (Bắc Mê) vẫn sống trong cảnh thắp sáng bằng đèn dầu, bếp củi. Điện lưới Quốc gia đối với người dân nơi đây là niềm "mơ ước" vẫn chưa thành hiện thực. 

28/07/2016
Người dân Cán Tỷ "mất mùa ngô" do làm đường

BHG- Thực hiện thi công tuyến đường Hạnh Phúc trước đây, đoạn qua xã Đông Hà – Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) đến xã Lao Và Chải (huyện Yên Minh), dài 13,61 km, đơn vị thi công nổ mìn để mở đường đã làm đất đá lăn xuống nương của nhiều hộ dân dọc đoạn đường. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, canh tác của nhiều hộ dân, khiến bà con bức xúc, có kiến nghị đến các cơ quan chức năng đòi giải quyết, bồi thường. 

22/07/2016