Hà Giang

Người dân thôn Nà Sát muốn chấm dứt hợp đồng cho thuê đất trồng chuối cao sản trên địa bàn

07:39, 09/08/2016

BHG- Đầu năm 2015, Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất, nhập khẩu Thái Dương đóng chân trên địa bàn xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) đã triển khai Dự án trồng chuối cao sản (CCS) tại xã Thanh Thủy bằng 100% nguồn vốn của Công ty. Để triển khai Dự án, Công ty đã thuê đất của 18 hộ dân thôn Nà Sát với tổng diên tích 15,2 ha, thời hạn thuê đất theo như trong hợp đồng mà phía Công ty ký kết với các hộ dân là 8 năm với giá 1,5 triệu đồng/ha/năm. Phía Công ty đã trả tiền thuê đất 1 năm đầu cho các hộ, tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” ...

Diện tích đất cho thuê được bà con phát và cuốc hố để chuẩn bị xuống giống như thỏa thuận trong hợp đồng, nay biến thành bãi chăn thả gia súc, cỏ dại mọc um tùm.
Diện tích đất cho thuê được bà con phát và cuốc hố để chuẩn bị xuống giống như thỏa thuận trong hợp đồng, nay biến thành bãi chăn thả gia súc, cỏ dại mọc um tùm.

Trước đó vào cuối năm 2013, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đã đưa giống CCS vào trồng thử nghiệm tại 2 thôn Nà Sát và Giang Nam của xã Thanh Thủy với diện tích gần 2 ha. Sau 1 năm, mô hình đã cho thấy những hiệu quả rõ nét; diện tích chuối phát triển tốt, cho ra những buồng chuối quả to đều và đẹp. Có thể thấy, CCS là giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp lại có thể tận dụng diện tích đất đồi tạp, bỏ hoang. Với giá thị trường ở thời điểm đó, có thể cho thu khoảng trên 100 nghìn đồng/1 buồng chuối (khoảng 200 quả). Nhìn thấy những hiệu quả bước đầu như vậy nên những hộ dân ở đây rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ và cấp ủy, chính quyền địa phương cũng khuyến khích, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Đó cũng chính là tiền đề để Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất, nhập khẩu Thái Dương quyết định đầu tư vốn để triển khai Dự án trồng CCS tại thôn Nà Sát và nhận được sự đồng tình từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau khi ký hợp đồng thuê đất với các hộ dân, Công ty tiếp tục thuê các hộ phát và cuốc hố để chuẩn bị xuống giống với mức giá thỏa thuận 5.000 đồng/hố. Hầu hết các hộ đã tự bỏ tiền túi để thuê nhân công phát cây, cuốc hố trên diện tích đất cho thuê và đã triển khai cuốc hố xong từ trước tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà phía Công ty không tiếp tục triển khai Dự án; khiến diện tích đất cho thuê đã được các hộ dân phát và cuốc hố nay cỏ dại mọc um tùm, trở thành bãi chăn thả gia súc; còn người dân vẫn chưa được thanh toán tiền công phát và cuốc hố. Bà con muốn tiếp tục canh tác trên diện tích đất cho thuê nhưng không dám vì chưa thanh lý hợp đồng.

Gia đình ông Giàng Văn Vân là một trong 18 hộ ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất, nhập khẩu Thái Dương. Ông cho biết: “Tôi đã cho phía Công ty thuê diện tích 1,6 ha đất đồi tạp của gia đình và sau đó bỏ thêm gần 3 triệu đồng để thuê nhân công phát cây, cuốc hố như đã hợp đồng với Công ty. Tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai khiến diện tích đất cho thuê bị bỏ hoang, còn tiền túi bỏ ra vẫn chưa lấy được.

Chúng tôi mong muốn phía Công ty sớm có quyết định chính thức thanh lý hợp đồng để chúng tôi tiếp tục canh tác trên diện tích đất đã cho thuê và hoàn trả số tiền mà các gia đình đã bỏ ra để thuê nhân công phát cây, cuốc hố...”.

Tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc cụ thể với phía chính quyền địa phương và được biết: Năm 2016, Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất, nhập khẩu Thái Dương đã có văn bản gửi UBND xã Thanh Thủy về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất của 18 hộ dân thôn Nà Sát; đồng thời cam kết sẽ nghiệm thu và thanh toán số tiền đã hợp đồng với người dân phát cây, đào hố trước ngày 30.4.2016. Tuy nhiên, đến nay đã quá hẹn 3 tháng, phía Công ty vẫn chưa nghiệm thu và thống nhất số tiền thanh toán cho các hộ. Chính quyền xã đã nhiều lần yêu cầu Công ty có câu trả lời chính thức để giải quyết vướng mắc. Được biết, vào cuối tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát, kiểm đếm số diện tích đất mà bà con đã phát và cuốc hố. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại; đại diện Công ty vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào với chính quyền và người dân về việc sẽ chấm dứt hợp đồng và hoàn trả số tiền công cho các hộ.

Dự án trồng CCS của Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất, nhập khẩu Thái Dương đã không đem lại hiệu quả như mong muốn, khiến doanh nghiệp bỗng dưng... mất tiền, còn người dân đứng nhìn diện tích đất của gia đình bị bỏ hoang và tiền túi bỏ ra chưa lấy lại được. Đây là điều cần rút kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp và địa phương trước khi tiến hành triển khai các mô hình, dự án cần phải có sự tính toán, cân nhắc và sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng về các điều kiện “cần” và “đủ” để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của mô hình.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 200 hộ dân tại 5 thôn, bản của xã Tân Nam "ngóng" điện về

BHG- Tân Nam là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình với tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 60% (theo tiêu chuẩn mới năm 2016). Hiện nay, xã vẫn còn 5/12 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Nhiều năm qua, hơn 200 hộ dân tại các thôn Tân Bình, Minh Hạ, Nậm Qua, Lùng Chún, Nặm Ngoa vẫn luôn sống trong cảnh "ngóng" điện từng ngày.

31/03/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Hơn 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn bao giờ mới có điện?

BHG- Hơn chục năm nay, với trên 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn (Bắc Mê) vẫn sống trong cảnh thắp sáng bằng đèn dầu, bếp củi. Điện lưới Quốc gia đối với người dân nơi đây là niềm "mơ ước" vẫn chưa thành hiện thực. 

28/07/2016
Người dân Cán Tỷ "mất mùa ngô" do làm đường

BHG- Thực hiện thi công tuyến đường Hạnh Phúc trước đây, đoạn qua xã Đông Hà – Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) đến xã Lao Và Chải (huyện Yên Minh), dài 13,61 km, đơn vị thi công nổ mìn để mở đường đã làm đất đá lăn xuống nương của nhiều hộ dân dọc đoạn đường. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, canh tác của nhiều hộ dân, khiến bà con bức xúc, có kiến nghị đến các cơ quan chức năng đòi giải quyết, bồi thường. 

22/07/2016