Hơn 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn bao giờ mới có điện?

07:14, 28/07/2016

BHG- Hơn chục năm nay, với trên 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn (Bắc Mê) vẫn sống trong cảnh thắp sáng bằng đèn dầu, bếp củi. Điện lưới Quốc gia đối với người dân nơi đây là niềm “mơ ước” vẫn chưa thành hiện thực.

Vượt qua quãng đường dài gần 10 cây số, chúng tôi ghé thăm thôn Lùng Thóa, xã Minh Sơn vào một ngày cuối tháng Bảy. Bên ấm chè xanh, anh Bàn Văn Cảnh, Trưởng thôn Lùng Thóa nhỏ giọng tâm sự: Thôn Lùng Thóa có 55 hộ dân thì đến quá nửa thuộc diện hộ nghèo. Đời sống người dân chủ yếu trông chờ vào hơn 40 ha ngô, lúa và 30 ha chè, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm nay, người dân Lùng Thóa sống trong cảnh “đèn dầu, bếp củi” thắp sáng. Nhiều gia đình muốn mua máy xay xát lúa hay máy sao chè để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhưng vì thiếu điện nên cũng đành “bó tay”. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với chính quyền các cấp trong các cuộc tiếp dân để được kéo điện lưới Quốc gia về sử dụng, nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì.

Không có điện thắp sáng, mọi vật dụng bình thường của cuộc sống ngày nay như ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh... trở thành xa lạ với người dân thôn Lùng Thóa. Một số gia đình có điều kiện đã tự kéo điện bằng cách dùng máy điện nước (có giá khoảng từ 800.000 đến hơn 1 triệu đồng/máy) về lắp đặt ở các đoạn dốc suối để có điện sử dụng. Nguồn điện yếu chỉ đủ để thắp sáng 1 – 2 bóng đèn nhỏ, còn các thiết bị điện khác hầu như không sử dụng được. Vào mùa khô, nước suối cạn là điện tắt; những đợt mưa lớn, mô tơ lại bị nước cuốn trôi. Bà Ly Thị Mỷ (60 tuổi), người dân thôn Lùng Thóa, chia sẻ: “Hơn nửa đời người sinh sống ở mảnh đất này nhưng đến nay, tôi vẫn chưa được sống một ngày có ánh sáng điện. Nhìn sang thôn khác, thấy đèn điện sáng choang mà mong”. Anh Giàng Mí Pó cho biết: “Cứ đến tầm 8 giờ tối là cả làng, cả thôn đều... đi ngủ sớm. Lũ trẻ muốn học bài thì phải tranh thủ lúc trời còn sáng hoặc thắp đèn dầu. Vì không có điện nên trong nhà cũng không mua thiết bị gì cả. Giờ chỉ mong có điện thôi, chắc chắn khi ấy cuộc sống của gia đình sẽ tốt hơn”. Cảnh “ngóng trông” điện không chỉ ở riêng thôn Lùng Thóa, mà còn là thực trạng chung của 6/17 thôn ở xã Minh Sơn. Điều này đồng nghĩa với việc 243 hộ dân với gần 1.400 khẩu (chiếm 22% dân số của xã) tại các thôn Khuổi Lòa, Phia Đeng, Suối Thầu, Kho Thum, Lùng Thóa, Lùng Quốc đều chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Việc không có điện ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp sống, sinh hoạt và phá triển sản xuất của người dân nơi đây. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã có đến 53% (theo chuẩn mới). Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Mong muốn được sử dụng điện của bà con là nhu cầu chính đáng, thiết thực. Tuy nhiên, do dân cư sống không tập trung nên để kéo đường điện vào các thôn cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, xã không đủ khả năng làm được. Xã đã kiến nghị lên các cấp, các ngành và đặc biệt là tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, tỉnh; nhưng đến nay vẫn chưa thấy ý kiến chỉ đạo, thông báo rõ ràng từ cấp trên.

Rời thôn Lùng Thóa, trong suy nghĩ của chúng tôi là ánh nhìn “ngóng” điện đầy khắc khoải của bà Mỷ, anh Pó. Hy vọng rằng, trong một ngày không xa khi chúng tôi trở lại Minh Sơn, sẽ thấy ánh điện chiếu sáng, “nâng bước” cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng “sáng” hơn, tốt hơn.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 200 hộ dân tại 5 thôn, bản của xã Tân Nam "ngóng" điện về

BHG- Tân Nam là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình với tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 60% (theo tiêu chuẩn mới năm 2016). Hiện nay, xã vẫn còn 5/12 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Nhiều năm qua, hơn 200 hộ dân tại các thôn Tân Bình, Minh Hạ, Nậm Qua, Lùng Chún, Nặm Ngoa vẫn luôn sống trong cảnh "ngóng" điện từng ngày.

31/03/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Sẽ nhanh chóng giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân

BHG- Sau khi bài viết "Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn" của tác giả Thành Nhân, đăng trên mục "Ý kiến người dân – Cử tri" của Báo Hà Giang điện tử và Báo Hà Giang số 2096 ngày 25.8.2015 

27/08/2015
Người dân Cán Tỷ "mất mùa ngô" do làm đường

BHG- Thực hiện thi công tuyến đường Hạnh Phúc trước đây, đoạn qua xã Đông Hà – Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) đến xã Lao Và Chải (huyện Yên Minh), dài 13,61 km, đơn vị thi công nổ mìn để mở đường đã làm đất đá lăn xuống nương của nhiều hộ dân dọc đoạn đường. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, canh tác của nhiều hộ dân, khiến bà con bức xúc, có kiến nghị đến các cơ quan chức năng đòi giải quyết, bồi thường. 

22/07/2016