Giao thông xã Nậm Khòa, bao giờ hết gian nan?

07:01, 05/05/2015

BHG- Nhiều năm nay, người dân xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì hàng ngày vẫn phải đi lại khó khăn trên con đường đất gập ghềnh sỏi, đá... Giao thông hiện đang là một rào cản lớn trong việc phát triển KT – XH tại địa phương này.

Mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi.
Mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi.

Nằm ở phía Nam của huyện Hoàng Su Phì, Nậm Khòa tiếp giáp, kết nối với các xã Thông Nguyên và Nam Sơn bằng hai tuyến đường liên xã nối Nậm Khòa với Nam Sơn dài 14km và tuyến đường nối giữa xã Nậm Khòa với xã Thông Nguyên dài 11km. Tuy nhiên, để đến được trung tâm xã, chúng tôi phải đi mất cả tiếng đồng hồ trên con đường đất gập ghềnh sỏi đá, toàn ổ voi, ổ gà. Nhiều đoạn đường bị nước xói mòn tạo thành những vết nứt lớn. Qua tìm hiểu được biết: Từ năm 2014 trở về trước, khi con đường nối Nam Sơn với Nậm Khòa chưa nâng cấp, giao thông đi lại và trao đổi hàng hóa giữa Nậm Khòa với các xã lân cận hết sức khó khăn. Khi mùa mưa đến, đất đá sạt lở, đường lầy lội. Có những thời điểm cả xã bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài khi đường bị sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến hàng hóa đem vào xã bị thương lái đẩy giá lên rất cao... Đầu năm 2014, dự án nâng cấp tuyến đường từ UBND xã Nam Sơn đi UBND xã Nậm Khòa do UBND huyện Hoàng Su Phì làm chủ đầu tư và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Quỳnh Ngọc chịu trách nhiệm thi công. Khi biết tuyến đường sắp được đầu tư nâng cấp, mở rộng, người dân nơi đây rất phấn khởi vui mừng. Cấp ủy và chính quyền xã tích cực vận động những hộ dân có tuyến đường đi qua tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Trong thời gian ngắn đã có hàng chục hộ tự nguyện hiến đất với mong muốn góp phần cùng Nhà nước sớm hoàn thành tuyến đường.

Chủ tịch UBND xã Nậm Khòa Thèn Xuân Tiến chia sẻ: Việc tuyến đường từ xã Nam Sơn đến trung tâm xã được bê-tông hóa sẽ tạo ra nhiều hữu ích như: Giúp người dân trong xã thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hoá, giảm giá thành vận tải, tiêu thụ nông sản và đi lại thuận lợi. Từ đó, góp phần đẩy nhanh công cuộc XĐGN hiệu quả và bền vững tại địa phương. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành mở nền toàn tuyến, xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng thi công, đơn vị mới hoàn thiện đổ bê-tông được 4km rồi dừng lại ở đó mà vẫn chưa thi công tiếp.

Được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân mới thấy hết được những nhọc nhằn của họ. Vào mùa mưa đường sá lầy lội và bị chia cắt khiến nhiều thôn gần như bị cô lập với các khu vực lân cận. Giao thương ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn, trong khi đời sống bà con chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và cây chè, cây Thảo quả... Vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám họ bao năm nay.

Đường đến trung tâm xã Nậm Khòa gập ghềnh sỏi, đá.
Đường đến trung tâm xã Nậm Khòa gập ghềnh sỏi, đá.

Đồng chí Thèn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm qua, mặc dù xã Nậm Khòa đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, XĐGN cho người dân, song do giao thông đi lại quá khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT – XH tại địa phương, trong đó có chương trình xây dựng Nông thôn mới (XD NTM). Ngoài khó khăn về giao thông, xã Nậm Khòa còn phải đối mặt với một loạt những khó khăn khác về cơ sở hạ tầng, điện, trường, trạm... Tính đến nay, 5/9 thôn chưa có đường ô-tô đến trụ sở thôn; 3 thôn chưa có điện, nhiều điểm trường xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu còn gặp không ít khó khăn. Do đó, dù chương trình XD NTM đã đến từng hộ, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Song, trước những khó khăn nhất định nên xã mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí về XD NTM; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao gần 30%...

Điện, đường, trường, trạm là những yếu tố cốt lõi để đưa kinh tế ở những xã miền núi, khó khăn đi lên. Thế nhưng, hệ thống giao thông hiện đang là một rào cản, tác động đến điều kiện phát triển KT – XH của xã Nậm Khòa. Vì vậy, rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị thi công sớm hoàn thiện tuyến đường, góp phần cùng với người dân xã Nậm Khòa vươn lên XĐGN.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cầu treo Phìn Tỷ A xã Du Tiến cần được sửa chữa ngay
HGĐT- Cầu treo thôn Phìn Tỷ A đi thôn Há Khó Cho giúp kết nối 3 thôn vùng thấp với 4 thôn vùng cao của xã Du Tiến, cây cầu này giúp kết nối giao thông, giao thương giữa vùng cao với vùng thấp; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh đến trường và điểm trường. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, phần mặt và dầm cầu có dấu hiệu xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân
31/07/2014
Đường điện thôn Sủng Cáng sẽ sớm được đấu nối

HGO- Sau khi bà con thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có ý kiến kiến nghị về tình trạng hệ thống đường điện đã kéo về thôn nhưng hơn một năm nay vẫn chưa đóng điện cho người dân sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 

31/01/2015
Ưu tiên kinh phí sửa chữa Nhà máy Thủy điện Tiên Nguyên

HGO- Cử tri xã Tân Trịnh (Quang Bình) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý đối với các công trình thủy điện nhỏ được xây dựng trên địa bàn huyện Quang Bình đến nay đã hỏng, không có tổ chức, cá nhân nào quản lý.

31/01/2015
30 hộ dân xã Đường Thượng mong các cấp sớm giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng
HGĐT- Qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân xã Đường Thượng (Yên Minh) đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành về vấn đề còn 30 gia đình chưa được đền bù tiền giải phóng mặt bằng khi xây dựng công trình “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Đường Thượng – Thái An (Km0 – Km7) xã Đường Thượng, huyện Yên Minh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Anh Vừ
30/10/2014