Hà Giang

Khi công nghiệp về làng?

15:08, 12/02/2014

HGĐT- Các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản được xây dựng tại một số làng quê đã, đang tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân theo cả hướng tích cực và chưa tích cực. Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân xã Tùng Bá, Ngọc Minh, Bạch Ngọc (Vị Xuyên) liên tục tố các đơn vị khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cuộc sống bình yên của họ.


Cung đường khổ ải

Con đường nối từ xã Tùng Bá chạy qua địa bàn xã Ngọc Đường, phường Ngọc Hà về thành phố Hà Giang chỉ vẻn vẹn 12 km, nhưng từ nhiều năm nay nó được mệnh danh cung đường khổ ải. Khổ bởi dọc tuyến đường này không có vài mét bằng phẳng, mặt đường toàn những ổ gà, ổ voi, rãnh sống trâu do xe chở quặng gây ra. Những ngày trời nắng, bụi cuốn theo guồng quay bánh xe trọng tải lớn, bay mù mịt, ngày mưa mặt đường nhầy nhụa, trơn trượt...khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Tuyến giao thông huyết mạch nối Tùng Bá với các trung tâm phát triển kinh tế bị phá hủy, xuống cấp nghiêm trọng là minh chứng sinh động cho những hệ lụy khi công nghiệp về làng. Mặt chưa tích cực diễn ra từ lâu, nhưng chưa được quan tâm, khắc phục kịp thời, khiến người dân liên tục kiến nghị và trở thành tâm điểm các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp.


Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân Tùng Bá cho biết: Các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản đầu tư trên địa bàn xã, mặt tích cực đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, nhiều con em trở thành công nhân công nghiệp ngay tại quê hương. Nhưng, những hệ lụy cũng luôn song hành, hiện hữu, người nông dân nơi đây từ nhiều năm nay đã phải sống chung với ô nhiễm nước, bụi, tiếng ồn và đường giao thông bị phá hủy. Qua tìm hiểu cho thấy, trên địa bàn xã Tùng Bá có hai dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực khai khoáng gồm Nhà máy tuyển, luyện chì - kẽm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Bách và Nhà máy quặng sắt của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông. Các dự án trên đã tạo việc làm ổn định cho hơn 300 thanh niên trong độ tuổi lao động của xã Tùng Bá.


Ông Mương Ngọc Lợi, Chủ tịch UBND xã Tùng Bá rất tự hào khi địa phương có nhiều công nhân công nghiệp, nhưng ông cũng khẳng định: Công nghiệp về làng đã gây nhiều xáo trộn, bức xúc trong nhân dân. Trước đây, khi chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh, chuyện người dân rào đường, ngăn cản xe chở quặng xảy ra như cơm bữa. Nay thì đỡ hơn rồi, hiện tượng ô nhiễm môi trường do bùn, đất từ các khai trường khai thác khoáng sản tràn xuống, vùi lấp dòng sông Ma cơ bản được khắc phục, nhưng đường giao thông thì ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn. Con đường nhựa nối từ Tùng Bá với thành phố Hà Giang được Nhà nước đầu tư, trải nhựa phẳng lỳ, sau vài năm các xe tải trọng lớn chở quặng đi qua, mặt đường bị biến dạng, nham nhở.


Giải quyết bức xúc của người dân, từ năm 2010, UBND tỉnh đã giao Sở GT-VT kiểm tra, đo đạc khối lượng, lập dự toán kinh phí sửa chữa bằng ngân sách địa phương, có sự đóng góp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do lượng xe chuyên chở quặng lưu thông lớn, mặt đường tiếp tục phát sinh nhiều vị trí bị hư hỏng nặng, ước tính khối lượng sửa chữa phát sinh thêm 2-3 lần so với số được duyệt. Hơn nữa, phương án sửa chữa không phù hợp nên Sở GT-VT báo cáo UBND tỉnh cho phép dừng sửa chữa tuyến đường trên. Nhằm đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản, nhu cầu đi lại của nhân dân, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở GT-VT chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, có biện pháp chống bụi, giảm tiếng ồn. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đi qua tuyến đường trên đóng góp kinh phí cải tạo, nâng cấp trong thời gian sớm nhất.


Chỉ đạo của UBND tỉnh như vậy, nhưng không biết Sở GT-VT thực hiện thế nào, chỉ biết mỗi ngày qua đi, đường Tùng Bá lại xuống cấp nghiêm trọng hơn. Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh vừa qua, khi nghe UBND tỉnh giải trình, trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng yêu cầu việc khắc phục phải có giải pháp, thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.


Nỗi khổ “làng ô nhiễm”

Nỗi khổ khi công nghiệp về làng của người dân Tùng Bá và các vùng lân cận như xã Ngọc Đường, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) chưa thấm vào đâu so với người dân Ngọc Minh, Bạch Ngọc (Vị Xuyên). Cuộc sống của người dân Tùng Bá chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi, tiếng ồn, giao thông đi lại khó khăn, nhưng đổi lại có hàng trăm con em được nhận vào làm việc, mức thu nhập ổn định, cuộc sống vật chất từng bước nâng lên. Còn trên địa bàn xã Ngọc Minh, người dân còn khổ hơn nhiều khi có những 9 điểm mỏ Mangan cấp cho 7 doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, khai thác. Cứ tưởng có nhiều mỏ, cuộc sống người dân khấm khá hơn, ai ngờ lại cơ hàn hơn trước. Người dân khổ bởi các nhà máy đầu tư dây chuyền, thiết bị không đồng bộ, không chú trọng bảo vệ môi trường khiến nơi đầu nguồn suối Sảo bị ô nhiễm nặng.


Trong những lần tìm hiểu thực tế trên địa bàn xã Ngọc Minh, chúng tôi nhận thấy, dự án khai thác Mangan của Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên Đá, Công ty Cổ phần Việt Bắc, Công ty TNHH Hồng Hà... sử dụng công nghệ tuyển từ, tuyển trọng lực, lượng nước dùng tuyển quặng rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng hệ thống ao lắng lọc nên nước thải chưa qua xử lý, bùn đất cứ tràn thẳng ra nguồn nước. Khi các nhà máy hoạt động, dòng suối Sảo luôn đục ngàu bùn đất, mùi hôi bốc lên nồng nặc, có thời điểm cá chết trắng mặt nước. Nhiều năm trước, dòng suối Sảo là nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ lưu. Còn giờ đây, người dân Ngọc Minh, Bạch Ngọc gọi suối Sảo là dòng suối chết, họ không dám dẫn nước vào ao nuôi cá, tưới cho cây trồng. Cũng từ ngày có các dự án khoáng sản đi vào hoạt động, xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc đã trở thành... “làng ô nhiễm”. Người dân nơi đây bức xúc, nhiều lần kiến nghị, đã có nhiều đoàn công tác vào kiểm tra, chỉ đạo giải quyết, nhưng việc khắc phục của các doanh nghiệp nhiều khi mang tính đối phó, khi đoàn kiểm tra rút đi, mọi việc đâu lại vào đó, chỉ có người dân là lãnh đủ hậu quả.


Phát triển công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh, được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, họ mong muốn, công nghiệp về làng phải song hành với sự phát triển, cuộc sống thịnh vượng, chứ không phải mang theo những hệ lụy đáng buồn. Mong rằng cơ quan chức năng, các doanh nghiệp khai khoáng quan tâm, giải quyết thấu đáo những kiến nghị của người dân.


TIẾN CHIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Nỗi niềm” nhà công vụ giáo viên
HGĐT- “Mùa gieo chữ” đã đến, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nỗi niềm trăn trở của thầy, cô giáo đang công tác tại các bản làng xa xôi, heo hút núi.
28/08/2013
Nà Chì cần nơi đổ rác hợp lý
HGĐT- Nà Chì là xã nằm trên trục Tỉnh lộ 178 nối từ Quốc lộ 279 (ngã 3 huyện Quang Bình) đi Xín Mần, cách trụ sở UBND xã khoảng gần cây số. Trên trục đường đi Xín Mần, có con suối mang tên Nậm Nhang chảy dọc theo, nước trong xanh.
26/06/2013
Trăn trở về cây cầu “nối những bờ vui” ở Tân Thành
HGĐT- Những ngày đầu, chúng tôi có dịp về xã Tân Thành (Bắc Quang). Cùng những thông tin phấn khởi về nỗ lực phát triển KT – XH của địa phương, chúng tôi còn được phản ánh những khó khăn về giao thông đang đặt ra cho cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc 4 thôn bên sông là Tân Lợi, Tân Tiến, Bản Cưởm và Bản Tân.
26/03/2013
Báo cáo năm nay, đừng như... năm ngoái (!)
HGĐT- Thời gian qua, với việc đẩy mạnh đấu tranh, phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI), kết quả đạt được là rất lớn, tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị xã hội, trong nhiều cơ quan, đơn vị. Mặc dù vậy, để có thể gạt được hết những thói quen, “bệnh” thành tích ở một bộ phận cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên là điều không dễ. Thực tế, chỉ
25/01/2014