Người dân thôn Bản Hình, Lùng Thiềng mong sớm được sử dụng điện lưới Quốc gia

08:00, 17/04/2013

HGĐT- Thôn Bản Hình và Lùng Thiềng, xã Minh Tân (Vị Xuyên) cách trung tâm xã 5 - 6 km, có 212 hộ với trên 1.000 khẩu. Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện lưới cho người dân nơi đây, trước năm 2010, Điện lực thành phố Hà Giang đã kéo đường dây 135 kv và lắp đặt Trạm biến áp tại trung tâm các thôn. Nhưng, sau gần 4 năm chờ đợi, mong ước được sử dụng điện lưới của người dân vẫn chưa thành hiện thực, khi đường dây hạ thế 0,4 kv mãi... không hoàn thành(!)



Trạm biến áp được đầu tư từ lâu, nhưng gần 4 năm nay Bản Hình vẫn chưa có điện.


Vượt qua ngọn núi phía sau UBND xã Minh Tân, trước mắt chúng tôi là thung lũng trải dài, bằng phẳng. Xóm làng quần tụ với những ngôi nhà sàn được bao bọc bởi cánh đồng lúa đang lên xanh tốt. Anh Lộc Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Thôn Bản Hình và Lùng Thiềng có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi. Do chịu khó, biết cách làm ăn, cuộc sống người dân nơi đây ngày một no đủ (Bản Hình chỉ còn 18% hộ nghèo, Lùng Thiềng số hộ nghèotrên 50% nhưng không có hộ đói). Vì thế, nhu cầu sử dụng điện lưới của bà con ngày một cần thiết”. Đáp ứng yêu cầu đó, năm 2008, 2009, Điện lực thành phố Hà Giang mở rộng mạng lưới điện, kéo đường dây 135 kv và lắp đặt Trạm hạ thế vào trung tâm các thôn. Đầu năm 2010, huyện Vị Xuyên quyết định đầu tư đường dây hạ thế 0,4 kv vào các nhóm hộ, trong đó thôn Bản Hình có tổng chiều dài đường dây trên 3 km, thôn Lùng Thiềng 1,4 km. Ngay sau khi có quyết định đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thái Sơn tiến hành dựng cột (chữ A), lắp sứ, chuẩn bị kéo đường dây hạ thế 0,4 kv. Trưởng thôn Bản Hình - Nông Hùng Hải - cho biết: “Bà con thấy công nhân kéo điện về thôn, ai cũng vui, nhà nào cũng tạo điều kiện cho công nhân với mong muốn sớm có điện. Hộ nào cũng lên kế hoạch mua sắm thiết bị sử dụng điện, như máy xay xát, nồi cơm điện, ti-vi, quạt... Vui nhất là trẻ trong độ tuổi đến trường háo hức chờ ánh điện thay cho đèn dầu tù mù mỗi tối học bài. Thế nhưng, niềm vui đó chẳng được bao lâu khi dự án lắp đặt đường dây hạ thế về trung tâm 4 xóm chỉ dựng cột, lắp sứ rồi... để đó, công nhân cũng... rút hết. Bà con chờ đợi 1 năm, 2 năm rồi 3 năm vẫn chưa thấy công nhân?. Mong ước được sử dụng điện lưới Quốc gia của bà con cứ dài theo năm tháng. Nhiều lần, họ kiến nghị lên xã, huyện và với đại biểu HĐND các cấp”. Giống như Bản Hình, người dân thôn Lùng Thiềng cũng sống trong cảnh chờ đợi được sử dụng điện lưới Quốc gia trong nhiều năm. Không có điện nên cả 2 thôn đến giờ cũng chẳng có cái ti-vi, sau một ngày lao động, về đêm bà con lại sống trong cảnh tù mù, thôn như tách biệt với cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, việc tiếp cận với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Quỷ, ở trung tâm thôn Bản Hình, than thở: “Người dân chúng tôi chờ điện để sử dụng các thiết bị hỗ trợ sản xuất. Cả thôn hiện có 10 hộ làm dịch vụ máy xay xát, trong đó có gia đình tôi. Không có điện, phải chạy máy bằng dầu, vừa vất vả vì phải quay tay nổ mà chi phí lại cao. Hiện giá dầu tăng nên mỗi yến thóc bà con đến xay xát tôi lấy 4.000 đồng, nếu sử dụng điện lưới chắc chắn giá sẽ thấp hơn”. Thực tế, khi có đường dây 0,4kv, có đến 70% số hộ đủ điều kiện mua dây kéo điện về nhà và mua sắm các thiết bị sử dụng điện. Anh Lộc Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: “nhu cầu của người dân 2 thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia là rất cần thiết. Mong muốn huyện nhanh chóng giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện mới chỉ 2 thôn có điện, các thôn còn lại cũng mong muốn Công ty Điện lực Hà Giang tiếp tục mở rộng mạng lưới, huyện đầu tư đường dây hạ thế”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Hồng Thái, Trưởng BQL đầu tư xây dựng Vị Xuyên cho biết: “Đầu năm 2010, huyện Vị Xuyên quyết định đầu tư đường dây 0,4 kv từ Trạm biến áp vào các xóm với tổng vốn đầu tư tại thôn Bản Hình trên 1.670 triệu đồng, Lùng Thiềng trên 680 triệu từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2, lồng ghép vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành dựng cột, lắp sứ do thiếu vốn. Hiện, các công trình mới được ứng 20 đến 30% tổng vốn. Tại xã Minh Tân, còn có thôn Bản Phố cũng được huyện đầu tư đường dây 0,4 kv vào trung tâm các xóm. Tuy nhiên, cũng do khó khăn vê vốn nên tiến độ thi công chậm”. Trước bức xúc của người dân thôn Bản Hình và Lùng Thiềng, đầu năm 2013, huyện Vị Xuyên chỉ đạo Công ty TNHH Thái Sơn khắc phục khó khăn về vốn đầu tư để hoàn thiện công trình. Theo ông Lý Hồng Thái, công trình đường dây 0,4 kv dẫn vào thôn Bản Hình và Lùng Thiềng hiện đang tiếp tục được đơn vị thi công hoàn thiện. Huyện cố gắng hoàn thành công trình và các thủ tục liên quan để đề nghị ngành Điện đấu nối trong tháng 5 năm này.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012