Hà Giang

Cần "đánh thức" tiềm năng, khai thác hiệu quả Khu du lịch, vui chơi, giải trí Công viên nước Hà Phương

17:10, 25/10/2017

BHG-Nằm ở vị trí đắc địa, với phong cảnh “Sơn thủy – hữu tình” - Khu du lịch, vui chơi, giải trí Công viên nước Hà Phương (DLVCGT CVNHP) cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 4 km, bám theo tuyến đường huyết mạch đi Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, mỗi năm có chục nghìn lượt khách trong nước, quốc tế qua lại, đến tham quan, giải trí. Tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, Khu DLVCGT CVNHP chưa được khai thác hiệu quả.

Cổng chính Công viên nước Hà Phương.
Cổng chính Công viên nước Hà Phương.

Dự án Khu DLVCGT CVNHP nằm trong kế hoạch phát trển kinh tế, thương mại, du lịch của tỉnh và vùng Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc). Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2001, tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, đến năm 2003 đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm các hạng mục: Tổ hợp cổng, đài phun nước, bãi đỗ xe, bể bơi, nhà phụ trợ, nhà đa năng, đảo thuyền, các khu chăn nuôi, sân, đường bê tông... Nhưng, hàng chục năm nay, dự án bị ngưng trệ, không được đầu tư nên một số hạng mục đã xuống cấp.

Hiện, tỉnh ta đang lập quy hoạch, xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào dự án có diện tích lên tới 28,92 ha này. Bên trong dự án có hồ nước trung tâm rộng trên 10 ha, khu vực đất đã được xây dựng các công trình, khu vui chơi, bể bơi, sân thể thao khoảng 10 ha; phần đất còn lại dự trữ phát triển gồm đồi núi, đất trồng cây hàng năm khoảng 8,7 ha.

Người dân thành phố đến giải trí tại Công viên nước Hà Phương.
Người dân thành phố đến giải trí tại Công viên nước Hà Phương.

Theo chủ trưong mời gọi đầu tư của tỉnh, Dự án Khu DLVCGT CVNHP sẽ đầu tư theo phương án tận dụng tối đa, giữ lại các công trình đã được xây dựng, nhằm quy hoạch trong một tổng thể thống nhất, tránh lãng phí, chỉ phá dỡ các công trình tạm, giá trị kiến trúc không cao; khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, tận dụng tối đa điều kiện địa hình và hệ thống giao thông, không gian cảnh quan tự nhiên về cơ bản được bảo tồn.

Khu vực lập quy hoạch rộng 28,92 ha, có giá trị cảnh quan lớn, mang nét đặc trưng của phong cảnh miền núi. Cơ cấu tổ chức không gian được chia làm 4 khu vực chính và 1 không gian mặt nước gồm: Khu A (vui chơi giải trí nước và dịch vụ tổng hợp), diện tích khoảng 6,6 ha, giữ nguyên sân trung tâm, bãi đỗ xe và 2 bể bơi, vườn lộc vừng nhằm tạo không gian xanh. Cổng lâu đài là điểm nhấn chính, sẽ giữ nguyên hình thức kiến trúc, chỉ cải tạo, sơn tạo bộ mặt kiến trúc hài hòa với cảnh quan, tạo không gian đón tiếp du khách đến với công viên Hà Phương. Trong khu vực này sẽ xây dựng các hạng mục mới như đường trượt, vườn tượng, chòi ngắm cảnh, khu dịch vụ giải khát. Khu B, diện tích khoảng 3,4 ha, xây dựng mới hoàn toàn khu vui chơi với bến thuyền, đu quay, tàu rượt trên không, đảo thuyền... Điểm nhấn chính là công trình đu quay khổng lồ kết hợp hệ thống các trò chơi giải trí trên cạn, cầu thuyền, đảo thuyền liên kết trong một thể thống nhất. Khu đảo thuyền trên hồ có vị trí đẹp sẽ được quy hoạch thành nơi cung cấp dịch vụ ăn uống, giải khát, tạo cảm giác thích thú cho khách. Khu C - thể dục, thể thao và dịch vụ, diện tích bố trí 1,5 ha, không gian được quy hoạch với mật độ xây dựng thấp, chú trọng diện tích cây xanh, cảnh quan và không gian giao thông công cộng, xây mới nhà hàng 300 chỗ, khu thể thao. Khu D - nhà nghỉ, khách sạn có diện tích 7,3 ha, được san ủi cục bộ, hình thành các tuyến đường dạo bộ, các mặt bằng để xây dựng công trình; trồng các loại dây leo, cây bụi để phủ xanh bề mặt đất đồi, tạo cảnh quan môi trường; xây dựng khách sạn quy mô 5 tầng; xây dựng mới nhà nghỉ sinh thái, tắm lá thuốc, spa...

Toàn bộ các khu vực được đầu tư xây dựng quanh hồ nước trung tâm, đây là điểm nhấn quan trọng, có giá trị lớn đối với cảnh quan khu vực, tạo liên kết không gian các khu chức năng trong công viên. Hồ nước được giữ nguyên diện tích và hình dáng hiện tại, chỉ đầu tư cải tạo bờ, nạo vét lòng hồ, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường, kết hợp xây dựng các chòi nghỉ, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, ghế đá, thuận tiện cho du khách tham quan công viên.

Theo đồng chí Phạm Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh: Các doanh nghiệp đầu tư vào Dự án Khu DLVCGT CVNHP sẽ được miễn 100% thuế thu nhâp doanh nghiệp trong 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế từ dự án; giảm 50% tiền thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án. Mức tính thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng tính mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án. Miễn tiền thuê đất trong 3 năm xây dựng cơ bản, kể từ khi có quyết định thuê đất. Miễn tiền thuê đất trong 11 năm tiếp theo sau thời gian hoàn thành xây dựng cơ bản quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới các cơ sở lưu trú, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/phòng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh...

Hy vọng với lợi thế vị trí địa lý và các chính sách ưu đãi của tỉnh, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án tại Khu DLVCGT CVNHP theo quan điểm “Hà Giang phát triển – Doanh nghiệp phát tài”.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang - điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư

BHG - Nằm phía cực Bắc Tổ quốc, tỉnh ta được mệnh danh vùng đất đầy tiềm năng, có sức hút mãnh liệt đối với các nhà đầu tư. Mỗi khác biệt về địa hình, khí hậu, tài nguyên, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc... đều trở thành lợi thế cạnh tranh. Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, nhằm đánh thức tiềm năng và đã có nhà đầu tư lớn, mạnh dạn triển khai dự án, bước đầu hứa hẹn những thành công.

23/10/2017
Tiểu ban tuyên truyền Ban tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2017 họp triển khai nhiệm vụ

BHG - Chiều 20.10, tại Hội trường Sở Thông tin và Truyền thông, Tiểu Ban tuyên truyền Ban tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2017 tổ chức họp triển khai nhiệm vụ tuyên truyền trước, trong và sau Hội Nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2017. Dự cuộc họp có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh là thành viên Tiểu ban. Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban chủ trì cuộc họp.

21/10/2017