“Lời ru buồn” giữa đại ngàn miền Tây

18:54, 12/11/2014

HGĐT- Phía sau những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, đẹp như tranh vẽ nơi miền Tây Hoàng Su Phì, không chỉ ẩn chứa những nét văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào các dân tộc, mà còn tồn tại cả nỗi ám ảnh, quặn đau bởi những hệ lụy từ hủ tục hà khắc: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.



              Em Long A Phô bị dị tật - hệ lụy do hôn nhân cận huyết thống.


Nỗi đau kết hôn cận huyết thống

Theo kết quả điều tra của Huyện đoàn Hoàng Su Phì, từ đầu năm 2012 đến tháng 3.2013, trên địa bàn huyện đã có 45 trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; trong đó có 7 trường hợp kết hôn cận huyết thống đời thứ 3; đặc biệt, riêng xã Bản Phùng có trên 20 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhiều cặp vợ chồng chưa đến tuổi trăng tròn nhưng đã phải “gồng mình” với thiên chức làm bố, mẹ trong khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, cuộc sống chưa tự lập như trường hợp em Giàng Thị Sú (14 tuổi), xã Bản Péo; Sùng Thị Bông (13 tuổi), xã Thàng Tín; vợ chồng Giàng Seo Mìn, Giàng Thị Mảo (14 tuổi), xã Tả Sử Choóng... Đây thực sự là những con số “chạm nút” báo động đỏ về tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tạo ra những hệ lụy khôn lường cho thế hệ sau.


Về thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng, nơi cư trú của phần lớn người La Chí với cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong một căn nhà nhỏ chênh vênh bên dốc núi, sau cánh cửa khóa trái, tôi nghe rõ tiếng vỗ tay đôm đốp, tiếng kêu la, cả tiếng dẫm chân lên sàn nhà. Bí thư Đoàn xã Bản Phùng, Long Đức Dương cho biết: Đó là thứ âm thanh phát ra từ em Long A Phô, kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết thống. Cả nhà đi vắng, Phô một mình trong cái thế giới nhỏ hẹp màu đen vì em bị dị tật không có mắt. Long A Phô, 5 tuổi, gương mặt lấm lem, thể trạng còi cọc, thiếu đi đôi mắt trong sáng để nhìn ngắm cuộc đời... Mẹ của Phô, chị Long Thị Dể nhớ lại ngày Phô ra đời: “Đó là vào năm 2010, nó là niềm vui, nhưng niềm vui chợt trở thành nỗi đau vì nó sinh ra không có mắt như người bình thường, chậm phát triển; đã 5 tuổi mà chỉ nói được một vài câu đơn giản. Gia đình đưa Phô đi khám mới biết nguyên nhân là do bố mẹ kết hôn cận huyết thống. Sau Phô còn một đứa em mới sinh năm 2014, nó lành lặn nhưng còi xương, chậm lớn...”.


Bố của Phô là anh Long Chính Thanh, năm 2007, khi đó Thanh tròn 18 tuổi, được bố mẹ cưới cho chị Long Thị Dể về làm vợ, người gọi mẹ Thanh bằng cô ruột. Ông Long Vần Khát, bố của Thanh cho biết: Trước đây, chúng tôi không biết kết hôn cận huyết để lại hậu quả nặng nề cho con cháu. Người lớn làm, bắt tội trẻ con gánh chịu, đau xót lắm. Giờ tôi không cho vợ chồng nó đẻ thêm nữa...”.


Theo các nhà khoa học, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống có thể sẽ sinh ra những đứa con dị tật, mù màu, bạch tạng, da vảy cá, kém phát triển về thể trạng và trínão; nguy cơ mắc bệnh cao; suy thoái nòi giống. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. 


Chung tay đẩy lùi hủ tục

Nhận thấy việc cấp thiết phải chung tay ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nâng cao nhận thức cho thanh niên và người dân về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên từ đầu năm 2013, Huyện đoàn Hoàng Su Phì đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình “Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; lấy Bản Phùng làm xã điểm thực hiện. Theo kế hoạch, Huyện đoàn phối hợp với các phòng chức năng thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền xã, lấy ý kiến cơ sở và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, chống bạo lực gia đình...; tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Các ĐVTN thực hiện ký cam kết với 4 nội dung: Không cưới tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, các ĐVTN không vi phạm và kết hôn cận huyết thống; không dự cơm, không giúp những gia đình có đám cưới vi phạm quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo với BCH Chi đoàn và Đoàn xã khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.


Sau 1 năm cấp ủy vào cuộc quyết liệt, Đoàn xã Bản Phùng đã kịp thời can thiệp và ngăn chặn thành công 5 cặp đôi có ý định tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Xuân Hòa chia sẻ: Chương trình “Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận thuyết thống” đã được triển khai. Những kết quả bước đầu ở Bản Phùng thực sự là một tín hiệu vui, tuy nhiên khi phong tục đã in sâu vào nếp nghĩ của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì kết quả hôm nay chưa thể bền vững nếu các cấp, các ngành và toàn xã hội không cùng vào cuộc quyết liệt.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone
HGĐT- Ngày 29.10, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống TPTNXH & phong trào toàn dân BVANTQ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Dự hội nghị có đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế, Phó BCĐ, các ngành thành viên BCĐ…
29/10/2014
10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm
HGĐT- Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 người mắc; trong đó, 7 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc chủ yếu là do độc tố tự nhiên, đặc biệt là ngộ độc do ăn phải quả rừng và bánh ngô bị mốc...
29/10/2014
Huyện Quang Bình: Nỗ lực tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn, việc lây truyền căn bệnh này. Những năm qua, huyện Quang Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
29/10/2014
Xã Đông Minh 3 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3
HGĐT- Lâu nay, vấn đề sinh con thứ 3 ở các huyện vùng cao luôn khó giải quyết. Thế nhưng, nhận thức được sự khó khăn của việc sinh đông con, nhà nghèo; người dân ở xã Đông Minh (Yên Minh) đã thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), giữ vững thành tích 3 năm liền không có người sinh con thứ 3, một tỷ lệ sinh thấp nhất huyện.
28/10/2014