“Trời sinh voi, sinh cỏ”?

07:13, 09/10/2014

HGĐT- Quan niệm lạc hậu của người xưa cho rằng: “Trời sinh voi, sinh cỏ”, điều này dường như đang vẹn nguyên trong suy nghĩ của người dân Thượng Tân (Bắc Mê) khi mà tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại đây đang chạm nút “báo động”.



Cán bộ dân số xã Thượng Tân đến từng gia đình tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3 trở lên.


Là xã khó khăn của huyện Bắc Mê, Thượng Tân có trên 41% hộ nghèo với 4 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm gần 70% dân số; thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 5,1 triệu đồng/người/năm; cuộc sống càng trở nên khó khăn trăm bề từ khi thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) đóng đập, nước sông Gâm dâng cao nhấn chìm nhiều diện tích đất sản xuất, giao thông đi lại bị cách trở đò ngang; người dân chủ yếu tận dụng vùng diện tích bán ngập mùa nước rút để gieo trồng lúa. Khi “bài toán” kinh tế đang phải loay hoay tìm lời giải thì vấn đề “bùng nổ” dân số lại càng kéo xa hơn khoảng cách thoát nghèo của người dân.


Chị Nèn Thị Tính, cán bộ dân số xã Thượng Tân lật giở những trang ghi chép về danh sách các hộ dân trong thôn Nà Lại; điều khiến chúng tôi không thể tin là Nà Lại có 100 hộ dân thì có đến gần 100% các hộ ở đây sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có những gia đình có đến 8 – 9 người con; tình trạng này diễn ra ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã. Trong 9 tháng đầu năm, toàn xã có 33 trẻ được sinh ra, trong đó có 7 trẻ là con thứ 3 trở lên; đáng buồn hơn có trường hợp gia đình anh Giàng A Thư sinh con thứ 9 và một số cán bộ ở thôn, bản vẫn nghiễm nhiên sinh con thứ 3. Thượng Tân có 386 hộ dânnhưng có tới trên 2.290 nhân khẩu, tuy có một số gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau nhưng con số này có thể chứng minh vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) ở Thượng Tân đang cần phải suy ngẫm?.


Trao đổi về công tác DS – KHHGĐ trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Thượng Tân, Long Thanh Sơn cho biết: “Xã đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân... phối hợp với y tế gắn các nội dung tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, chính sách dân số... cho hội viên của mình trong các hoạt động Hội; đưa tiêu chí dân số vào việc bình xét các thành tích hàng năm của các thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền về DS - KHHGĐ trong các buổi họp thôn, phiên chợ; phát huy vai trò y tế thôn bản trong việc vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai... Tuy nhiên, thực tế hiệu quả chưa rõ nét; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn tiếp diễn”. Về vấn đề này, chị Nèn Thị Tính chia sẻ thêm: Bao nhiêu năm làm công tác dân số nơi đây, chưa bao giờ chị có được niềm vui trọn vẹn, bởi công việc chị đang cần mẫn làm hàng ngày chưa mang lại hiệu quả; giữa bạt ngàn rừng núi này, vẫn còn nhiều câu chuyện buồn quanh chuyện sinh đông con.

 
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi chuông điện thoại của chị Tính được gọi đến từ một người phụ nữ bên kia đầu dây; gương mặt chị Tính thoáng chau mày, rồi lại ân cần giải thích: “Chị đã hơn 40 tuổi, sức khỏe không đảm bảo để mang thai, nhà đã có nhiều con, chị phải kiên quyết và thuyết phục chồng không sinh nữa...”. Rồi chị cúp máy, quay sang phía tôi giải thích: Với thói quen của người dân nơi đây, chồng không cho vợ sử dụng các biện pháp tránh thai, có nhiều trường hợp họ tự tháo dụng cụ tránh thai, cấp thuốc nhưng không uống, không đi tiêm... Việc sinh nhiều con đã đẩy nhiều gia đình lâm cảnh đói nghèo, “cơm chẳng lành, canh không ngọt”, lời ru buồn bay cùng gió núi khi tình trạng tảo hôn vẫn còn. Rồi đây, những đứa trẻ sẽ lớn lên trong điều kiện sống không đảm bảo để phát triển toàn diện; đặc biệt éo le hơn như trường hợp của gia đình chị Giàng Thị Nông, thôn Nà Lại, chồng mất, tài sản để lại cho vợ là 9 đứa con nheo nhóc cùng sự vật lộn với cuộc sống để mưu sinh.


Theo chân cán bộ dân số xã đến nhà chị Giàng Thị Dung, thôn Nà Lại, con đường mòn dốc đứng về phía sông dẫn vào nhà chị như muốn làm khó đôi chân; vợ chồng chị Dung quẩn quanh trong ngôi nhà trống hoác, không có lấy thứ vật dụng nào giá trị. Nhà có 3 đứa con trai, đứa lớn học chưa hết bậc tiểu học, đứa bé vẫn theo mẹ đi nương, chẳng thiếu con trai nhưng cán bộ dân số vẫn phải thường xuyên động viên, tuyên truyền để họ không sinh thêm con nữa; còn anh Giàng A Tỏa, thôn Bách Sơn, sinh năm 1982, đã có 5 đứa con, vô tư trả lời phóng viên khi được hỏi tại sao lại sinh nhiều con?

- Ở đây ai cũng sinh nhiều con vậy mà.

- Sinh nhiều con làm sao có điều kiện để chăm sóc tốt được (pv)

- Chúng vẫn lớn lên bình thường mà...

Có trăm, ngàn lý do để người ta biện minh cho việc sinh đẻ không có kế hoạch của mình: Người muốn có con trai nối dõi, người đã có con trai thì muốn có con gái cho vui cửa nhà, người lại nhìn hàng xóm mà sinh cho được bằng bạn, bằng bè; sinh để có người đi làm nương, sinh vì vỡ kế hoạch... nhưng họ lại không hiểu rằng: “Trời sinh voi, nhưng không sinh cỏ”; trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi cuộc sống đang ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về việc thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... thì việc sinh nhiều con sẽ kéo chất lượng cuộc sống đi giật lùi.


Trời chiều, màn sương bắt đầu giăng kín mặt lòng hồ như bao phủ lấy cả suy nghĩ của người dân nơi đây về quan niệm sinh con. Hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc, không thể lớn bằng tuổi của chính mình, men theo con đường mòn dốc núi ra phía bờ sông ngóng theo mỗi chuyến đò chở khách qua sôngám ảnh mãi chúng tôi trên đường ra phố huyện...


SÔNG GÂM

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần có giải pháp quyết liệt giảm tỷ lệ sinh con thứ ba ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong mấy năm qua, công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở huyện Mèo Vạc đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng trở lại, làm gia tăng dân số ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH và sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của huyện.
30/09/2014
Phẫu thuật lấy con vắt dài 4cm sống trong đường thở bệnh nhi
HGĐT - Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhi Lý Thị Hồng (10 tuổi), trú tại thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (TP Hà Giang) vào viện với tình trạng chảy máu mũi liên tục kéo dài. Kết quả nội soi tai mũi họng có hình ảnh niêm mạc mũi xung huyết, có đọng cục máu khô lẫn máu màu đỏ tươi, đồng thời có hình ảnh dị vật sống đường thở.
29/08/2014
Mèo Vạc: Thu giữ hơn 30kg thuốc tân dược không rõ nguồn gốc
HGĐT- Ngày 27.8 khi đi tuần tra kiểm soát, Đội kiểm tra liên nghành huyện Mèo vạc đã phát hiện thu giữ hơn 30kg thuốc tân dược không rõ nguồn gốc tại chợ trung tâm xã Lũng Pù.
27/08/2014
“Sinh nhiều con, khổ lắm rồi!”
HGĐT- Lưng địu, tay dắt 2 con hoặc mẹ, cha đi trước, đàn con lếch thếch theo sau là những hình ảnh để lại nhiều cảm xúc buồn cho người chứng kiến. Vì nhiều lý do khác nhau, họ sinh con thứ 3 một cách tự nhiên mà chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước sự phát triển toàn diện của đàn con thơ. Để khi ngẫm lại thì mọi việc đã quá muộn màng: “Giá như... nghe lời cán bộ.
26/08/2014