Xứng đáng đội quân “Chiến đấu giỏi, dân vận khéo”

08:11, 18/12/2014

HGĐT- Không như các địa phương khác, cuộc đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng 8.1945 ở Hà Giang diễn ra chủ yếu bằng quá trình vận động, thu phục các lực lượng đối địch (Quốc Dân Đảng, Thổ ty, Bang tá, Địa chủ phong kiến) bằng sức mạnh chính trị của quần chúng và lực lượng quân sự hỗ trợ. Các đội du kích, tự vệ cứu quốc (tiền thân của LLVT Hà Giang) dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã thực hiện thành công cuộc vận động thu phục các thế lực đối địch, giành chính quyền từng Châu lỵ và thị xã Hà Giang mà không phải đổ máu. Công tác vận động cách mạng ở Hà Giang từ buổi đầu đã mang lại thành công lớn, rất đặc trưng so với các địa phương khác.



LLVT Bộ CHQS tỉnh tham gia xây dựng Nông thôn mới tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Ảnh: HỮU THỤY


Phong trào cách mạng ở Hà Giang những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và Thổ phỉ phản động (1946-1950) còn rất non yếu, chính quyền cách mạng mới được thiết lập ở vùng thấp, ở vùng cao vẫn do Thổ ty phong kiến nắm giữ. Đồng bào các dân tộc vùng cao chưa được tuyên truyền cách mạng, trình độ dân trí thấp kém (99% mù chữ). Những mâu thuẫn dân tộc do lịch sử để lại được Pháp, Phỉ, Thổ ty phong kiến khơi sâu thêm. Đầu năm 1946 cả tỉnh mới có hơn 10 đảng viên, LLVT mới được tổ chức không đủ sức quản lý các vùng xung yếu. Năm 1948, thực dân Pháp chiếm đóng Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Bình (Bắc quang) Lao Chải, Thanh Thủy (Vị Xuyên). Trên khắp tuyến biên giới Hà Giang, hàng ngàn tên Thổ phỉ phản động được Pháp, Tưởng nuôi dưỡng, chúng thường xuyên hành hoành cướp bóc, chém giết, chống phá cách mạng.


Trong tình hình cam go, phức tạp ấy; công tác vận động quần chúng luôn được Đảng bô, chính quyền các cấp đặt lên hàng đầu và tiến hành trong điều kiện khó khăn gian khổ. LLVT Hà Giang phải phân tán thành các tổ, đội vũ trang tuyên truyền, hoạt động trong lòng địch.


Từ công tác vận động quần chúng tiễu Phỉ, đánh Pháp; các tổ, đội vũ trang tuyên truyền của LLVT Hà Giang đã trưởng thành nhanh chóng, xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác của Đảng. Rất nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình để bảo vệ tính mạng tài sản cho nhân dân. Chỉ trong cuộc vượt núi Tây Côn Lĩnh để vào vùng địch hậu Hoàng Su Phì đầu năm 1948 có 7 chiến sĩ hy sinh vì đói, rét, tai nạn. Chỉ trong một đợt tuyên truyền tiễu Phỉ tháng 3.1949 ở Hoàng Su Phì 54 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Để bảo vệ bộ đội, cán bộ, hàng trăm gia đình bị địch khủng bố, giết hại, có gia đình bị giết cả nhà. Cán bộ, chiến sĩ LLVT các dân tộc đã không quản hy sinh gian khổ, bám đất, bám dân, chia ngọt, sẻ bùi, lăn lộn với phong trào trong những lúc khó khăn nhất: Đồng chí Hồng Quân, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang đầu tiên, chính trị viên Đại đội Tây Tiến đã hy sinh đầu năm 1948; đồng chí Hồng Phong, Thường vụ Tỉnh ủy, chính trị viên Đại đội độc lập của tỉnh hy sinh năm 1948; đồng chí Hồng Kỳ, Thường vụ Tỉnh uỷ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Lao-Hà hy sinh 3.1949, họ là những con người như thế. Nhờ sự hy sinh anh dũng của các anh mà cơ sở cách mạng phát triển ngày càng rộng khắp, tạo ra thế vững, lực mạnh để kháng chiến thành công. Các đại đội độc lập, tổ, đội vũ trang tuyên truyền của LLVT Hà Giang lúc bấy giờ là niềm tin tưởng mãnh liệt của đồng bào các dân tộc, là chiếc cầu nối giữa lòng dân với Đảng, với cách mạng.


Thời kỳ cải tạo, xây dựng CNXH (1955-1965) Hà Giang là tỉnh xung yếu số một của Liên khu, giai cấp Thổ ty phong kiến còn ảnh hưởng lớn trong đồng bào các dân tộc. Các chủ trương, chính sách của Đảng về cải tạo, xây dựng CNXH bị địch chống phá quyết liệt dẫn đến cuộc bạo động phản cách mạng diễn ra ở Đồng Văn từ năm 1959-1960. Các tổ, đội vũ trang tuyên truyền đã tham gia đắc lực vào các cuộc vận động chính trị ở địa phương; Điển hình là các cuộc vận động giảm tô giảm tức; đẩy mạnh sản xuất; bình dân học vụ; cải cách dân chủ; xây dựng Hợp tác xã; giảm trồng thuốc phiện; làm đường giao thông; bảo vệ trị, an ninh... Góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, từng bước khắc phục hậu quả nặng nề do thực dân phong kiến để lại, phát triển kinh tế, văn hóa, cải tạo và xây dựng CNXH.


Thời kỳ đổi mới đất nước, tuy không còn kẻ thù đối mặt, nhưng “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch phát động còn tinh vi, xảo quyệt hơn. Để giữ yên cuộc sống thanh bình cho mỗi bản làng, thôn xóm, các tổ, đội công tác lại ra đời. Từ năm 1990 đến nay, hàng trăm tổ công tác, đội xây dựng cơ sở, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ với chiếc ba lô và khẩu súng trên vai, vượt núi, băng đèo, lặn lội đến từng chòm, từng bản để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, lập thế, dàn binh, sẵn sàng đối phó với mọi kiểu chiến tranh của thời hiện đại. Công việc âm thầm mà nặng trĩu, không một chút nghỉ ngơi. Từ đồng chí chỉ huy trưởng đến anh chiến sĩ, ai ai cũng nắm chắc và tham gia nhiệt huyết trong thưc hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở. Các tổ công tác đã thực hiện tốt “4 cùng với nhân dân”, từ đó đã tạo ra phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, Quốc phòng - An ninh ở cơ sở. Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Chính trong sự vận động của công cuộc đổi mới và những âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược ‘’Diễn biến hòa bình’’ các tổ công tác ở cơ sở đã góp phần giữ yên bản làng, đã lại làm chiếc cầu nối giữa lòng dân với Đảng trong lúc Đảng cần tin dân, dân cần tin Đảng.


Vinh quang thay đội quân chiến đấu giỏi, vận động quần chúng tốt của LLVT Hà Giang mỗi ngày thêm dạn dầy qua những bước thăng trầm của lịch sử, xứng đáng với truyền thống “Trung thành, đoàn kết, kiên cường, chiến thắng” của LLVT Hà Giang.


Phạm Xuân Thủy (NguyênTrưởng ban Khoa học lịch sử - Bộ CHQS tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thêm yêu đất nước mình hơn!
HGĐT- Cảm nhận của chúng tôi khi đến với Trường Mầm non Hoa Mai (TP HG) đó là đội ngũ giáo viên nhiệt tình trong công tác, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
17/12/2014
Yên Minh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhờ Chương trình 30a
HGĐT- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (giai đoạn 2009 – 2013), tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Yên Minh đã giảm xuống còn một nửa. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Hoàng Quang Hoàn, cho biết: “Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, kết quả nổi bật ở huyện là tỷ lệ giảm nghèo nhanh, đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên.
17/12/2014
Khánh thành và bàn giao cầu treo thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng
HGĐT - Vừa qua, Đoàn từ thiện Hà Nội, Báo Hà Giang đã tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao cầu treo thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng (Hoàng Su Phì). Dự lễ bàn giao có bà Trần Ánh Tuyết, Trưởng đoàn từ thiện Hà Nội cùng các thành viên trong đoàn; Lù Văn Chung, Phó chủ tịch UBND huyện; đại diện Báo Hà Giang, Đảng ủy, UBND xã Bản Nhùng.
16/12/2014
Sủng Trà chú trọng chính sách giảm nghèo
HGĐT- Với đặc thù là xã có 4 dân tộc: Mông, Dao, Giấy, Tày; trong đó dân tộc Mông chiếm 97% dân số toàn xã. Thời gian qua, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) luôn chú trọng đến việc thực hiện các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc và chính sách giảm nghèo được đặt lên hàng đầu.
16/12/2014