Cao Mã Pờ, ngày ấy... hôm nay

07:22, 05/11/2014

HGĐT- Lần đầu tiên đến Cao Mã Pờ - một xã biên giới của huyện Quản Bạ, cách trung tâm huyện gần 30km, tôi có dịp được trò chuyện cùng anh Phạm Đức Sinh, một thầy giáo quê ở tỉnh miền xuôi Phú Thọ - người đã sống và làm việc tại xã biên giới này gần 20 năm nay. Những câu chuyện của anh và ngay cả người dân nơi đây có một sức hút lớn đối với tôi, bởi nó cho tôi thấy sự đổi thay của Cao Mã Pờ từ ngày ấy đến hôm nay.



      Khu vực trung tâm xã Cao Mã Pờ được xây dựng kiên cố, khang trang.


Nhớ lại ngày đầu lên Cao Mã (tên gọi tắt của xã Cao Mã Pờ) công tác, anh Sinh kể: “Đó là vào những năm 1996, khi đó tuyến đường từ huyện đến Cao Mã mới mở mặt nền đến xã Tùng Vài và còn gần 10km từ Tùng Vài vào đến Cao Mã vẫn là đường mòn vì vậy tôi cùng mấy thầy, cô giáo khác phải đi bộ hơn nửa ngày mới đến trung tâm xã. Toàn khu vực trung tâm có duy nhất một nhà cấp 4 của Trạm y tế, 2 phòng học tạm, một nhà trình tường là nơi làm việc của lực lượng vũ trang và 2 nhà dân. Có lẽ vì cách xa trung tâm huyện, không đường giao thông, không có điện sử dụng, thiếu sự giao lưu, trao đổi với bên ngoài nên người dân bản địa đa phần không biết chữ và không biết nói tiếng phổ thông. Có lẽ vì vậy mà người dân Cao Mã thời điểm đó nghèo lắm”.


Đối với anh Tẩn Dâu Cò, người dân tộc Dao bản địa ở xã, nay là Bí thư Đảng ủy xã Cao Mã, hình ảnh quãng thời gian cái đói, cái nghèo còn đeo bám người dân Cao Mã lại là những ngày thiếu ăn triền miên khi mùa giáp hạt tới, anh cho biết: “Không có nhiều đất sản xuất và tập quán canh tác lạc hậu nên thời điểm đó, gần đến mùa giáp hạt là gia đình tôi cũng như các hộ dân Cao Mã đều rơi vào tình trạng thiếu đói, phải ăn sắn, ăn khoai thay cơm”. Cũng chính vì ăn không đủ nên người dân nơi đây gần như không mơ đến việc có điện để sử dụng, có đường nhựa để đi và sự đổi thay của Cao mã như ngày hôm nay. Thế nhưng sau gần 20 năm, Cao Mã bây giờ đường nhựa đã được trải đến tận trung tâm xã. Thay vì phải mất hàng giờ đồng hồ thì nay từ trung tâm huyện đến Cao Mã chỉ mất hơn 40 phút đi xe máy. Người dân được tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật và các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa chất lượng nên nhận thức ngày một cao. Các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ; các giống lúa lai, ngô lai được đưa vào gieo trồng cho năng suất cao; những ngôi nhà tạm dần được xây mới bằng gạch, xi - măng kiên cố... đời sống người dân từng ngày tốt hơn.


Dù không thể cảm nhận hết sự đổi thay của Cao Mã trong những năm qua nhưng chứng kiến hình ảnh khu vực trung tâm xã với trụ sở UBND được xây dựng kiên cố bằng 1 dãy nhà 2 tầng và 1 dãy nhà cấp 4; trường Mầm non, trường Tiểu học và THCS đều được xây dựng khang trang, đầy đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi cho con em đồng bào nơi đây học tập, vui chơi; nhiều hàng ăn, quán tạp hóa mọc lên; khu chợ trung tâm tấp nập người mua, người bán mỗi khi họp phiên... cùng những số liệu thống kê về Cao Mã Pờ hiện nay như: 98% dân số được sử dụng diện lưới; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 28,57%; thu nhập bình quân đầu 852 kg/người/năm; 4/8 thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, trong đó 3 thôn đã được bê tông hóa đường giao thông; đa phần các hộ đều có xe máy và chỉ còn rất ít các gia đình phải thiếu đói giáp hạt... Điều đó cho tôi biết rằng, đời sống của người dân Cao Mã Pờ bây giờ thực sự đã khấm khá hơn rất nhiều. Còn đối với thầy giáo Sinh hay Bí thư Đảng ủy xã, khi so sánh Cao Mã ngày ấy và hiện nay, các anh chỉ dùng một câu ngắn gọn là Cao Mã đã thay đổi “một trời, một vực” mà không ai nghĩ nó có thể thay đổi nhanh đến vậy.

 
Những đổi thay của Cao Mã Pờ ngày hôm nay càng khẳng định thêm đường lối đúng đắn của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ trong những năm qua với những chương trình chính sách hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như 135, 30a, 167, 193... giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.


Duy Tuấn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trao học bổng “PVEP – Người tìm lửa” cho sinh viên các trường đại học khu vực phía Bắc
Chiều 30/10, Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ trao học bổng “PVEP – Người đi tìm lửa” lần thứ nhất năm 2014 khu vực phía Bắc.
31/10/2014
Thành phố Hà Giang chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số
HGĐT- Trong những năm qua, 8 lời căn dặn của Bác Hồ khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961 luôn được thành phố Hà Giang đặc biệt quan tâm; các chủ trương, chính sách, phúc lợi xã hội của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, từ đó đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, vai trò của người dân tộc thiểu
30/10/2014
Người nghèo chung tay thoát nghèo từ Dự án “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển”
HGĐT- Dự án giảm nghèo bằng phát triển “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển” của Hội Nông dân tỉnh đã và đang được nhân rộng. Với nguồn vốn hỗ trợ dành cho các đối tượng, tập trung vào hộ nghèo, dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tạo nên bước tiến mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) mang tính bền vững cho các hội viên nông dân.
29/10/2014
13 năm hạ sơn, người dân Khuổi Niềng còn nhiều trăn trở
HGĐT- Năm 2001, 21 hộ dân, 100% là người dân tộc Dao, xã Kim Thạch (thị xã Hà Giang cũ) sống tách biệt trên những dãy núi cao theo sự vận động của Nhà nước hạ sơn về thôn Khuổi Niềng, xã Kim Linh (Vị Xuyên). Sau khi xuống núi, được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, giáo dục và đời sống văn hóa tiến bộ, những hủ tục dần được xóa bỏ, cuộc sống của người dân ngày một tốt
29/10/2014