Hà Giang

Dược liệu quý ở “nóc nhà” thứ 3 trên dải đất hình chữ S

17:28, 04/08/2014

HGĐT- Nếu “nóc nhà” thứ 2 trên dải đất hình chữ S là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m hùng vĩ , chứa trong đó rất nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học, thì, Chiêu Lầu Thi cao 2.415m được mệnh danh là “nóc nhà” thứ 3 tại Việt Nam. Trên dải núi này cũng rất oai hùng và giàu có như trong những giấc mơ...



Gốc và thân cây Hoàng liên gai (cây Mật gấu) phơi trong sân Công ty Bình Minh 3.


Điểm xuất từ UBND huyện Hoàng Su Phì. Vượt qua xã Sán Sà Hồ, Nàng Đôn trên độ cao khoảng 1.300 – 1.500m để chạm vào vành đai xanh của Chiêu Lầu Thi. Chiêu Lầu Thi, nói theo tiếng “lóng” và phiên âm địa phương gọi là chín ngọn núi cao. Vượt qua độ cao trên 1.300m rừng ở đây phủ toàn bộ một thảm cây trúc cần câu. Trên cao độ này, gió rít suốt gần như 24/24 giờ nên cây trúc thon nhỏ kéo dài, rất mềm mại. Giữa tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Cả một không gian bao la nằm dưới triền của 9 ngọn núi là những ruộng lúa xuân chín vàng như đang chạy lan theo nắng. Màu vàng của lúa chín, màu ua úa của đậu tương kết hạt đang kỳ rụng lá sắp cho thu hoạch nằm đan xen những vạt ngô xanh chen lẫn màu xanh của rừng, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Vượt lên đến độ cao trên 1.500m đến khoảng 1.600m, không khí tưởng như loãng hẳn ra. Gió và những đám mù cứ bỗng trùm xuống núi, rồi lại tan đi nhanh như một giấc mơ. Ở cao độ này là thế giới của hàng trăm ha cây Tống Quá Sủ đứng thành các hàng ngang, dọc rất đều nhau, nối tiếp nhau lên cao dần. Kỹ sư chuyên ngành lâm sinh Nguyễn Quang Duẩn, Phó trưởng Phòng NN & PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết: Tống Quá Sủ là loài thực vật bản địa, phân bổ chủ yếu từ độ cao từ 1.300m trở lên đến khoảng 1.650m. Cây ưa nhiệt độ mát, có ẩm độ không khí cao và phát triển rất mạnh tại các vùng đất có tiểu vùng khí hậu ôn hòa. Tống Quá Sủ phát triển rất nhanh và tái sinh mạnh. Bởi vậy, trong vài năm gần đây, tại các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần đã sử dụng loài này để trồng rừng chống sói mòn và bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt hơn, gần như tất cả các rừng Tống Quá Sủ phủ kín người ta rất dễ nhận thấy mực “nước ngầm” trong đất được nâng lên. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận: Tống Quá Sủ là cây bản địa rất thích hợp đưa vào trồng rừng phòng hộ đầu nguồn nước. Rừng Tống Quá Sủ tuyệt đẹp. Và tuy nó tái sinh nhanh, rất dễ trồng, nhưng còn rất nhiều nơi, nhiều vùng miền người ta còn để rất nhiều đất trống, đồi núi trọc, làm cho cuộc sống khô khát...



                                  Cây Xa sâm ở Chiêu Lầu Thi.


Đến nơi rồi, anh An lái xe tắt máy: Đây là khu người ta mới đầu tư trồng cây dược liệu, đó là Công ty Bình Minh 3. Tôi giật mình, cơn say với màu xanh của rừng làm tôi bừng tỉnh. Một khoảng không gian bằng phẳng tựa Cao nguyên, rộng chừng vài chục ha người ta mới dựng lên vài căn nhà lắp ghép: Khung thép, mái tôn, vách cũng bằng tôn nhô lên trên đại ngàn Chiêu Lầu Thi. Ngay dưới đỉnh 2.415m là con đường ô tô được huyện Hoàng Su Phì huy động nhiều nguồn lực mở mới đã vài năm. Bây giờ nó xuống cấp, nền đường toàn đá hộc trơ lại sau các trận mưa rừng. Đợi chúng tôi tại chiếc lán chăn dê là “lão rừng” Vương Văn Thanh, người dân xã Hồ Thầu. Bữa cơm quá trưa vẫn có rượu ủ men lá rừng, canh lá rau rừng và cả thịt dê nuôi ăn lá rừng. Lên làm trang trại chăn nuôi vài năm nay, ông Thanh có trong tay: Dê, bò, lợn, gà và đang đắp ao nuôi cá. Rượu lên men, ông Thanh bảo, chỉ tính riêng bán loại “gà đêm” (gà đen) năm ngoái cũng vài trăm con. Thả dê, nuôi bò, trồng rừng phòng hộ gồm thông, sa mộc vài trăm ha cũng đủ sống, nuôi trẻ ăn học cho tiến bộ. Hỏi chuyện về các loài cây làm thuốc, ông Thanh cho biết rất nhiều loài, nhiều loại, chữa rất nhiều thứ bệnh khác nhau: “Đây này, cây mật gấu mọc nhiều lắm, kia là cây bạc hà hoang dại làm nước uống giải khát, giải độc khi trúng gió và nấu nước tắm, kia nữa cây rau đắng, cây Bông chó làm rau ăn cho nhẹ người khi đi núi...”. Theo tài liệu có trong tay, năm 2005, các nhà khoa học đã tìm thấy tại Chiêu Lầu Thi loài thông đỏ, loài thực vật cực kỳ quý hiếm có thể chiết xuất làm thuốc chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Cùng năm đó, người ta còn phát hiện cây thảo dược quý có tên trong sách đỏ là cây “Thất diệp, nhất chi hoa”. Loài cây này có mức độ phân bổ hẹp, chỉ được tìm thấy tại Chiêu Lầu Thi và trên dãy Hoàng Liên Sơn. Cây Xa sâm cũng được coi là báu vật chữa trị và bồi bổ sức khỏe cho chị em phụ nữ, được khám phá trên 9 ngọn núi Chiêu Lầu Thi. Sự giàu có của cây Hoàng Liên gai (dân gian thường gọi là cây mật gấu). cây Tục đoạn dùng chữa các bệnh về xương khớp mọc đầy, còn cây Bạc hà rừng, Giảo cổ lam... thì vô khối. Hiện tại, các loài cây thảo dược quý trên đã và đang bị khai thác vô chừng, không ai quản lý. Biết thêm rằng, cây Thất diệp nhất chi hoa là loài cây được các thương lái người Hoa tìm mua ráo riết đã làm cho loài cây này gần như tuyệt diệt. Bên cạnh đó, Chiêu Lầu Thi còn chứa trong nó rất nhiều loài hoa lan quý hiếm cần bảo tồn nguồn gen. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Hải Lý từ rất lâu mong muốn khai thác du lịch sinh thái, khám phá tại Chiêu Lầu Thi và bảo tồn, nhân rộng các loài thảo dược quý hiếm trên để cho dân giàu, nước mạnh.


Ghé thăm nơi Công ty Bình Minh 3 trồng cây dược liệu lúc trời chiều. Úp mở, họ cho biết đã trồng khảo nghiệm gần 20 loài thảo dược trên khu đất được giao thuộc địa phận xã Thu Tà (Xín Mần). Thực tế nhìn thấy trong các vườn ươm hiện tại chủ yếu là cây tạo cảnh quan Đào rừng và cây Hoàng Liên gai có nguồn gốc mọc hoang tại Chiêu Lầu Thi (chủ yếu là ươm cành). Quanh chỗ ở tại khu nhà lắp ghép còn thấy xuất hiện loài cây lá đỏ, thuộc họ cây Xau xau... Tuy nhiên, trên mặt chiếc sân bê tông nóng hổi người ta đang phơi các loài cây thảo dược “có sẵn” ở Chiêu Lầu Thi là củ và gốc cây Hoàng Liên gai (cây mật gấu), cây Tục đoạn, Giảo cổ lam, lá, thân, cây Bạc hà rừng...


“Rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió...”. Ai sẽ mãi và mãi duy trì được màu xanh của rừng chiều và sự giàu có cho đồng bào nơi “nóc nhà” thứ 3 Việt Nam ?.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Xăng dầu Hà Giang tập huấn, diễn tập phương án chữa cháy năm 2014
HGĐT- Ngày 30.7, Công ty Xăng dầu Hà Giang (Petrolimex Hà Giang) phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PC 66) Công an tỉnh tổ chức mở lớp tập huấn, thực tập phương án chữa cháy năm 2014 cho 36 học viên là cán bộ, công nhân, người lao động thuộc các cửa hàng, các đại lý xăng dầu thuộc Petrolimex Hà Giang.
31/07/2014
Nơi mái ấm gia đình Anh hùng Sùng Dúng Lù
HGĐT- Tôi sống ở nơi có con đường mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Sùng Dúng Lù ở thành phố Hà Giang. Được nghe kể nhiều về người Anh hùng Sùng Dúng Lù cả chục năm qua và dù biết ông đã về nơi Tiên tổ, nhưng tôi vẫn luôn muốn một lần được lên thăm Vần Chải quê ông để nghe thế hệ hậu sinh nói về người Anh hùng nơi Miền đá.
31/07/2014
Điện lực thành phố Hà Giang chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả Bão số 2
Nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất - kinh doanh, điện sinh hoạt cho nhân dân; đảm bảo an toàn về con người, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với mọi sự cố trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Điện lực thành phố Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục mọi tình huống thiên tai, đặc biệt là với cơn bão số 2 vừa qua. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, làm chủ được tình
31/07/2014
Bản Lý đổi thay sau 10 năm thảm họa lũ quét
Đêm 18, rạng sáng ngày 19.7.2004 là những giờ phút kinh hoàng đối với người dân thôn Bản Lý, xã Du Tiến (Yên Minh). Những tiếng kêu thất thanh, vô vọng trong đêm tối mịt mờ của các nạn nhân giữa dòng nước mênh mông khi cơn lũ quét bất ngờ ập đến.
30/07/2014