Đồng Văn - triển vọng xóa đói, giảm nghèo từ làng nghề truyền thống

06:58, 27/05/2014

HGĐT- Việc phát triển các làng nghề nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Hiện nay, Đồng Văn có 3 làng nghề đã được công nhận và 2 làng nghề đang xây dựng đem đến triển vọng xóa đói giảm nghèo ở nơi đây.



Hộ ông Vần Phỏng Sài thuộc Làng nghề đan lát xã Sính Lủng đang đan mẹt lúc rảnh rỗi.

Tạo việc làm cho nhiều lao động:

Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, diện tích đất nông nghiệp chiếm 34,37%. Do khí hậu khắc nghiệt, rét đậm rét hại thường xuyên, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu kinh nghiệm làm ăn... và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm nên tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm hơn 50%. Trong những năm gần đây, các làng nghề may mặc, đan lát, thuê, dệt thổ cẩm đã làm ra những sản phẩm trở thành hàng hóa buôn bán tại các phiên chợ; giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn. Làng nghề đang rất phát triển là nghề may mặc tại thị trấn Phố Bảng. Mặc dù mới được công nhận năm 2012, song nghề may đã tồn tại hơn 20 năm, trở thành nghề chính đem lại thu nhập cho nhiều gia đình ở đây. Trình độ sản xuất, phương tiện máy móc và cách làm nghề đã phát triển đổi khác, có nhiều hộ đầu tư máy móc, ô tô để đi buôn bán. Chị Trần Thị Làm, ở khu I, cho biết: “Gia đình tôi được truyền nghề lại từ thời ông bà, nhưng cách làm nghề thì đã khác xưa. Từ 6 năm nay nhà tôi đầu tư máy công nghiệp như: máy vắt sổ, may thùa, máy cắt...; loại vải nhập về cũng phong phú hơn trước vì khách hàng yêu cầu nhiều loại vải đẹp, vừa với túi tiền. Giá bán một chiếc quần hoặc áo từ 60 – 80 nghìn đồng/chiếc”. Mặc dù công việc vất vả phải dậy từ 3 giờ sáng hàng ngày để đi bán hàng tại các chợ phiên, nhưng cơ sở may của chị Làm đã mở rộng quy mô, hàng tháng thuê 5 người chuyên cắt vải, vắt sổ và may đồ, được trả tiền công theo sản phẩm. Các mặt hàng quần áo Phố Bảng được bà con ở các chợ trên địa bàn huyện và các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê và tỉnh Cao Bằng rất ưa chuộng. Nhận định về sự phát triển của làng nghề, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Bảng, Lý Văn Lượng, cho biết: “Thị trấn có 77 hộ dân tộc Hoa Hán và Mông làm nghề may, chiếm 30% dân số. Nghề này tạo việc làm thường xuyên cho 200 người, thu nhập trung bình của mỗi hộ là khoảng 30 triệu đồng/năm. Tỉnh và huyện rất quan tâm, đã mở các lớp dạy nghề may cho người dân có nhu cầu học để cải tiến mẫu mã sản phẩm.”


Tương tự, Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao ở xã Sính Lủng được công nhận năm 2013, cũng giúp giải quyết việc làm cho 35 hộ dân ở đây. Trong từng chiếc mẹt, nong, nia, quẩy tấu... làm ra chứa đựng công sức và tinh hoa văn hóa của cả cộng đồng người Cờ Lao. Ông Vần Phỏng Sài, thôn Má Chề, chia sẻ: “Tôi thường chặt tre, nứa sau nhà ngồi đan lúc rảnh rỗi. Một tuần làm được 10 sản phẩm các loại như: mong, nia, mẹt... gom vào đi bán tại chợ Đồng Văn, Lũng Phìn. Người ở đây vẫn thường dùng nó để đựng mèn mén, ngô, cất đồ, giá bán từ 40 – 120 nghìn đồng/chiếc. Có thêm nghề này cho người già làm cũng kiếm thêm được thu nhập”. Nhờ có đường giao thông thuận tiện mà các sản phẩm đan lát còn được bán sang Mèo Vạc, Yên Minh do các lái buôn vận chuyển đi. Cách giữ nghề truyền thống này là người già có tay nghề trong thôn sẽ truyền dạy cho các thế hệ sau. Để phát triển làng nghề, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ mở lớp dạy nghề cho những người có nhu cầu học. Hay như Làng nghề thuê, dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô ở xã Lũng Cú, được công nhận năm 2013 do huyện hỗ trợ xây dựng đã giúp cho trang phục, hoa văn truyền thống của người Lô Lô được phát triển và lưu truyền. Các sản phẩm quần, áo, khăn, váy, túi xách trang trí hoa văn được thuê, dệt từ chỉ màu xanh, đỏ, trắng, đen, vàng... trưng bày và bán cho du khách đến tham quan Cột cờ Lũng Cú. Nghề phụ lúc nông nhàn này đã đem lại thu nhập trung bình khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/năm cho 40 hộ dân ở đây.


Trình độ làng nghề còn yếu:

Mặc dù các làng nghề đã đem lại thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương song trình độ phát triển sản xuất tại các làng nghề vẫn còn yếu là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Sính Lủng, Mua Mí Chính cho biết: “Thu nhập bình quân của hộ làm nghề đan lát ở thôn Má Chề là khoảng 7 – 8 triệu đồng/năm. Nhu cầu dùng các sản phẩm đan lát ở thị trường trong huyện và các huyện lân cận khá cao song làng nghề ở đây chưa đáp ứng được. Nguyên nhân là thiếu nguyên liệu, quy trình sản xuất chậm, chưa phát triển được vùng nguyên liệu tại chỗ. Để phát triển làng nghề cần phải có xưởng làm tập trung cho chất lượng đồng bộ, tạo thêm nhiều mẫu mã đẹp”. Chất lượng không đồng đều cũng là điểm yếu của hầu hết các làng nghề tại đây. Như làng nghề may tại Phố Bảng, quy mô sản xuất là ở gia đình nên khó kiểm soát chất lượng. Mặt dù các loại vải nguyên liệu rất phong phú nhưng mẫu mã ít, làm khách hàng không có nhiều lựa chọn. Hoặc Làng nghề đan lát tại Sính Lủng cũng thiếu sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, chủ yếu vẫn là bán lẻ, chưa có sự liên kết về mặt chất lượng.


Hơn nữa, các sản phẩm làng nghề đều chưa có thương hiệu; cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra các thị trường ngoài tỉnh còn yếu. Trình độ lao động nông thôn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến làng nghề chưa phát triển mạnh. Nhiều hộ thiếu vốn nên chưa dám mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Ví dụ điển hình là các hộ làm nghề may ở Phố Bảng và thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú chưa dám nhận những đơn đặt hàng trang phục đòi hỏi chất lượng cao. Tất cả những lý do trên khiến sản phẩm của các làng nghề thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.


Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Trung Ngọc đưa ra giải pháp: Huyện đã chủ trương rà soát, đánh giá và phát triển thêm các làng nghề địa phương. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm phục vụ sinh hoạt để làm sản phẩm du lịch. Vì tốc độ khách du lịch đến Đồng Văn đang tăng cao trong khi thiếu sản phẩm du lịch. Để phát triển bền vững các làng nghề, huyện tập trung vào 2 vấn đề là liên kết đào tạo nghề và hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ để giúp đỡ các gia đình có mong muốn tham gia làng nghề. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm.


Lê Hải

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung tâm Khuyến nông tỉnh giúp đỡ xã Nậm Ban xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Trong những năm qua, xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc) đang có sự phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là đời sống của bà con chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Chuyển biến đó có sự đóng góp to lớn của các cơ quan đỡ đầu, phụ trách xã của tỉnh và huyện, nổi bật là Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
27/05/2014
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam: Tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học huyện Đồng Văn
HGĐT- Ngày 24.5, tại trung tâm hội trường huyện Đồng Văn, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) Prudential Việt Nam tổ chức hội nghị tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Đồng Văn.
26/05/2014
Đoàn từ thiện Hà Nội - Báo Hà Giang: Trao quà cho 100 hộ nghèo
HGĐT - Ngày 24.5, tại xã Lũng Chinh (Mèo Vạc), Đoàn từ thiện Hà Nội và Báo Hà Giang đã tổ chức trao quà cho các hộ nghèo. Đoàn từ thiện do ông Nguyễn Ngọc Cường làm Trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện cho Công ty Thiên Ân Dược và bà con nhân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Báo Hà Giang có đồng chí Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập; cùng dự còn có đại diện lãnh đạo huyện Mèo
26/05/2014
Mèo Vạc: Phát động “Chung tay xoá đói giảm nghèo” năm 2014
HGĐT- Chiều ngày 23.5, tại xã Sủng Trà, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức lễ phát động chung tay xoá đói giảm nghèo năm 2014. Tới dự có lãnh đạo Báo Hà Giang, lãnh đạo huyện Mèo Vạc; cán bộ, công chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền 18 xã, thị trấn và hơn 300 hộ dân xã Sủng Trà.
26/05/2014