Hà Giang

“Đôi mắt” của Bảo

08:08, 01/10/2013

HGĐT- Thế giới qua đôi mắt của Bế Văn Bảo là một màu đen xám xịt bởi anh đến với cuộc đời này bằng một cơ thể không trọn vẹn: Bảo bị mù bẩm sinh, nhưng tâm hồn và thành quả lao động của anh ngày hôm nay là điều kỳ diệu về nghị lực sống khiến nhiều người ngưỡng mộ.



               Xát lúa thành thạo, công việc hàng ngày của Bế Văn Bảo.

Bế Văn Bảo, sinh năm 1979 trong một gia đình nông dân nghèo; là người con của dân tộc Tày ở thôn Nà Xá, Yên Định (Bắc Mê). Niềm vui có thêm thành viên mới của gia đình Bảo đến cùng lúc với nỗi buồn, lo lắng khi Bảo chào đời bằng đôi mắt... không thể nhìn thấy. Tuổi thơ của Bảo là những ngày dài triền miên, tẻ nhạt: Không được đến trường, không thể chơi đùa với bạn bè đồng trang lứa, không thể làm gì để trở nên có ích cho gia đình... đã có lúc Bảo bị trầm cảm, cô lập với thế giới bên ngoài. Bà Nông Thị Mùi, mẹ của Bảo đến giờ vẫn nghẹn ngào, rưng rưng khóe mắt khi nhắc đến cuộc đời của đứa con không may mắn: “Không gian tuổi thơ của Bảo chỉ là 4 bức vách nhà, nó thèm đi học, thèm ra ngoài chơi với bạn bè lắm; nhưng các anh, chị còn bận đi học, giúp bố mẹ làm nương; bạn bè cũng không muốn chơi với Bảo... nên nó tủi thân lắm. Nhiều lần đưa con đi chữa trị ở các bệnh viện từ tỉnh đến Trung ương, người ta đều khuyên đừng đi nữa, tốn tiền vì Bảo bị mù bẩm sinh, không thể chữa khỏi... Chúng tôi chỉ còn biết dành hết tình yêu thương cho con thôi”. Tôi có thể cảm nhận được người mẹ trẻ ấy đã khóc cạn nước mắt khi bất lực, không thể giúp con mình có được một đôi mắt trọn vẹn để nhìn ngắm thế giới tươi đẹp này.



                                 Bảo chuẩn bị cho bữa trưa của mình.

Bảo đã lớn lên như thế... Rồi một ngày, cậu bé Bảo “vô dụng” trong mắt mọi người đã đứng dậy bằng nghị lực phi thường để chứng minh điều ngược lại. Bảo chia sẻ rằng: Ngày đó, dù không thể nhìn thấy hình hài, khuôn mặt của người đã sinh ra mình, nhưng anh cảm nhận được tiếng thở dài, trằn trọc của bố, mẹ trong đêm; cả cái nhìn ái ngại của anh em, bè bạn và bà con lối xóm... Và chàng trai sắp bước vào tuổi đôi mươi ấy đã trưởng thành trong suy nghĩ, muốn tự nuôi sống bản thân và thoát khỏi gánh nặng cho gia đình. Từ đây, cuộc đời của Bảo bước sang một trang mới... “Khi tôi có ý định chăn nuôi để kiếm tiền làm vốn, mẹ tôi can: Nhà đâu đến nỗi thiếu ăn mà phải bắt con cực khổ; con đã thiệt thòi rồi... nhưng tôi kiên quyết: Chính vì tôi thiệt thòi, tôi càng phải cố gắng, bố mẹ đâu có thể nuôi tôi suốt cả đời, tôi phải tự lo cho mình...”, Bảo nhớ lại những trăn trở đầu tiên về ngã rẽ của cuộc đời mình. Hỏng đôi mắt, anh cảm nhận mọi thứ bằng tai, bằng đôi tay khéo léo, bằng nghị lực phi thường và cả một trái tim luôn đầy nhiệt huyết. Bảo bắt đầu sự nghiệp làm giàu của mình từ việc chăn nuôi con gà, con lợn bằng nguồn vốn ít ỏi do bố, mẹ đầu tư cho. Bảo “mát tay” nên đàn gà, lợn lớn nhanh như thổi; bán đi lại mua thêm, chẳng mấy năm mà anh có cả một tài sản mấy chục con lợn, gà trong chuồng. Năm 2001, có thêm vốn, lại thấy nhu cầu xát lúa của người dân trong thôn ngày càng nhiều, anh nhờ mua một máy xay xát để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thuận lợi cho việc nấu rượu và nuôi lợn. Ý tưởng “điên rồ” này của Bảo bị mọi người phản đối, bởi vận hành máy xát lúa là công việc của những người cẩn thận, khéo léo; liên quan đến máy móc; chỉ một sai sót nhỏ có thể nguy hiểm đến bản thân. Nhưng ý Bảo đã quyết, anh tin tưởng mình sẽ làm được; vậy là chàng trai trẻ có thêm một nghề mới để nâng cao thu nhập: “Ban đầu tôi cũng thấy sợ, đâu đã biết cái hình hài của máy xát lúa như thế nào đâu, mà xát lúa phải qua nhiều công đoạn, phải quay máy nổ... tôi có thể bị tai nạn lao động bất cứ lúc nào vì không nhìn thấy; nhưng “ông trời” cũng thương, tôi mò mẫm rồi quen việc rất nhanh. Khi máy gặp trục trặc ở những vấn đề đơn giản thì tôi tự sửa chữa, không cần phải gọi thợ cho mất thời gian...”. 12 năm gắn bó với máy xát lúa, cũng chừng ấy thời gian người ta khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của Bảo. Câu chuyện anh kể về cuộc đời mình hôm nay khiến người nghe đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác, để rồi nghị lực và số phận một con người dần hiện ra như câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường. Năm 2010, bằng số tiền tiết kiệm được từ chăn nuôi, xát gạo, Bảo đã mua đất và dựng được một ngôi nhà vững chãi ngay gần QL34 với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Chia sẻ về cơ ngơi của mình, anh cười: “Hơn 10 năm tích góp làm ăn, cũng chỉ mong có ngày mình có được một cơ ngơi riêng, để bố, mẹ không phải lo lắng nữa...”.



      Phút nghỉ ngơi chăm sóc chú chim nuôi, người bạn tinh thần của Bảo.

Bên chén trà nóng trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, người hàng xóm Ma Văn Tân góp thêm một câu chuyện vui: “Mới năm kia, Bảo bán con lợn to đến hơn 200kg, điều mà không phải người chăn nuôi nào cũng có được. Trong chuồng lúc nào cũng có gần chục con lợn chực bán. Trong làng có nhiều cái máy xát lúa, nhưng nhà Bảo bao giờ cũng đông khách hơn. Thu nhập từ chăn nuôi, xát gạo, nấu rượu... không chỉ giúp Bảo làm chủ cuộc sống mà đang vươn lên thành... hộ giàu của thôn. Bảo hiền lành, vui tính, lại chịu khó vượt qua hoàn cảnh khó khăn nên được nhiều người thương yêu và khâm phục, là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập”.



                                         Bảo chăm sóc đàn lợn.

Một ngày thăm Bế Văn Bảo, tận mắt nhìn thấy anh xát lúa cho khách, nấu cơm, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và cả phút nghỉ ngơi nghe... ti vi, nghe tiếng chim hót... tôi nhận ra một điều rằng: Phía sau những mất mát, thiệt thòi của Bảo, có một “Đôi mắt” sáng trong dẫn đường; “Đôi mắt” ấy là tình yêu thương, là nghị lực sống và niềm tin mãnh liệt vào tương lai...

Ánh chiều chạng vạng đổ bóng trên cánh đồng Nà Xá, mùi thơm lúa mới phảng phất, gọi mời lẫn trong tiếng lạc bò xuống núi. Bảo vẫn đó, hàng ngày nỗ lực vươn lên, như một loài hoa nhỏ, nhẹ nhàng góp thêm cho đời một hương sắc.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới ở Pố Lồ
HGĐT - Pố Lồ (Hoàng Su Phì) - một xã biên giới, nghèo, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm thấp, nguồn nội lực yếu. Nhưng sau 3 năm, Pố Lồ đạt 5/19 tiêu chí. Điều mọi người cảm nhận rõ nét khi đến xã vùng biên Pố Lồ là đường làng khang trang, sạch sẽ, môi trường sống trong lành, văn minh, khuôn viên gia đình được sắp xếp ngăn nắp.
30/09/2013
Trao tặng quà của Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cho trường Tiểu học xã Tùng Vài (Quản Bạ)
HGĐT- Sáng 30,9, tại xã Tùng Vài (Quản Bạ), Đoàn cán bộ Trung tâm Y tế Quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) do đồng chí Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm dẫn đầu có chuyến thăm, tặng quà cho các em học sinh trường Tiểu học xã Tùng Vài. Cùng dự buổi tặng quà có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh.
30/09/2013
Huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) trao máy tính cho Trường THCS Phương Độ
HGĐT - Sáng 27.9,huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội (đơn vị kết nghĩa với thành phố Hà Giang) do đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện đã trao 19 bộ máy tính cho Trường THCS xã Phương Độ (TPHG). Cùng dự có lãnh đạo thành phố Hà Giang, Phòng GD-ĐT.
27/09/2013
Đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm hưởng bảo hiểm
LTS: Gần đây Báo Hà Giang nhận được một số thông tin từ Bạn đọc hỏi về chế độ chính sách khi đối tượng đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ năm công tác hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội. Để bạn đọc nắm được thông tin, Phòng Bạn đọc- Báo Hà Giang đã trực tiếp trao đổi với Phòng Chế độ BHXH tỉnh. Dưới đây là nội dung câu hỏi và trả lời bạn đọc:
27/09/2013