Hà Giang

“Đầu cơ nghiệp” vững chân trong giá rét

08:09, 08/01/2013

HGĐT- Từng đàn trâu chăn thả trên rừng đã được người dân các xã Bản Rịa, Tân Nam, Tân Trịnh (Quang Bình) lùa về chuồng; người dân các thôn vùng cao xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) tận dụng những vật dụng sẵn có để che chắn chuồng trại, giữ ấm cho “đầu cơ nghiệp”... Với sự chủ động của người dân, chúng ta hy vọng đàn gia súc sẽ vững chân trong những ngày đông giá.


Chính quyền quyết liệt

 

Cha ông ta ngày xưa đã coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cho đến ngày nay, con trâu vẫn giữ vai trò quan trọng đối với mỗi gia đình nông dân Việt. Nhưng, những “đầu cơ nghiệp” này luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, đe doạ trực tiếp đến tính mạng đó là tình trạng dịch bệnh, đói, rét... Đợt rét đậm, rét hại lần này có cường độ mạnh nhất từ đầu mùa Đông đến nay. Nhiệt độ tại nhiều vùng trên địa bàn tỉnh xuống thấp dưới 100c, kéo dài liên tục, khiến cây cỏ đang héo úa. Điều này cũng báo hiệu “đầu cơ nghiệp” đang phải đối mặt với chuỗi ngày khó khăn, khi lượng thức ăn vơi dần theo chiều dài và độ khắc nghiệt của ngày đông. Chống trọi với những bất lợi của thời tiết, quyết tâm bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi, bảo vệ “đầu cơ nghiệp”, ngay khi cơn gió Đông đầu tiên tràn về từ phương Bắc, UBND tỉnh đã liên tục ban hành công văn chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố có phương án chống rét cho đàn gia súc. Không chỉ đôn đốc, UBND tỉnh còn thể hiện sự quyết liệt trong việc gắn vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương, nếu để đàn gia súc chết rét phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

 


Người dân xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) lùa đàn gia súc về chuồng sau một ngày chăn thả.


Mới đây, Sở NN-PTNT đã trưng tập 11 cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi đang làm việc tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y, phòng Chăn nuôi - Thuỷ sản để “tung” về các địa phương. Ngay khi về cơ sở, các cán bộ tăng cường đã xuống địa bàn những năm trước thường xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét để nắm tình hình. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở, các phòng, ban chức năng triển khai biện pháp chống rét theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Qua chuyến khảo sát thực tế của các thành viên tổ công tác cho thấy, chính quyền cơ sở đã chủ động, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện và cơ quan chuyên môn. Nhiều địa phương đã sớm thành lập tổ công tác phòng, chống rét đàn gia súc, tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ “đầu cơ nghiệp”. Các cấp chính quyền đã vận dụng, phát huy tốt vai trò của 11 chốt ở thôn, bản trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và đi đầu thực hiện các biện pháp chống rét; các tổ chức đoàn thể cũng chủ động hỗ trợ gia đình neo đơn, khó khăn dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc.

 

Ông Trịnh Văn Bình, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thuỷ sản (Sở NN-PTNT) được giao nhiệm vụ hỗ trợ huyện Quang Bình chống rét gia súc cho biết: Quang Bình đã chủ động, có phương án cụ thể, phân công từng thành viên phụ trách từng địa bàn, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp chống rét. Vì vậy, nhận thức của người dân đối với “đầu cơ nghiệp” được nâng lên. Nếu như mấy năm trước, vào những ngày rét đậm, người dân một vài địa phương vẫn để đàn gia súc trên rừng, nhiều con chết nhưng chủ nhân vẫn không biết thì hiện nay, tình hình này đã khác: Không chỉ lùa đàn gia súc về nhốt trong chuồng được che kín, đủ ấm, nền khô, người dân còn chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ trong nhiều ngày để “đầu cơ nghiệp” đủ sức chống trọi với cái giá lạnh khắc nghiệt đang ngự trị. Ngoài việc che chắn, ủ ấm chuồng trại, nhiều gia đình còn tận dụng chăn, màn, áo bông cũ, bao tải... khâu thành áo mặc cho gia súc.

 

Người dân chủ động

 

Phát triển đàn gia súc, nhất là gia súc có thế mạnh như trâu, bò, dê đang được tỉnh ta đặc biệt coi trọng. Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích được triển khai nên tổng đàn liên tục tăng qua các năm, mang lại nguồn thu nhập lớn, ổn định cho người dân nông thôn. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, lĩnh vực thế mạnh này liên tục phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, chết đói, chết rét. Còn nhớ, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài hơn 40 ngày từ trước đến sau Tết Nguyên đán, xảy ra cách đây mấy năm đã khiến hàng chục nghìn con gia súc bị chết. Ngày đó, đi các xã của huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì... chúng tôi xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều gia đình sau một đêm đã trắng tay. Đàn trâu hơn chục con thả trên rừng, khi lùa về chỉ còn lại vài con, nhiều hộ dân buổi sáng có mấy con trâu chết không kịp mổ, đến chiều thì cả đàn không còn con nào.

 

Những thiệt hại đó, nguyên nhân chính do yếu tố bất lợi của thời tiết, nhưng sự chủ quan của chính người dân với đàn gia súc đã đẩy “đầu cơ nghiệp” tiêu tan nhanh hơn. Sau những thất bại đó, người dân đã bừng tỉnh, đối xử có trách nhiệm hơn với thành quả của mình. Kết quả là, trong năm vừa qua, đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng, tổng đàn trâu đạt trên 15,8 vạn con, đàn bò gần 10,4 vạn con, đàn dê gần 15 vạn con. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, đồng thời được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, người dân các địa phương đã sớm có kế hoạch, chuẩn bị ủ thức ăn dự trữ trong mùa Đông và các vật dụng che chắn chuồng trại.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Cùng với việc trưng tập cán bộ giúp các huyện, Sở cũng sớm có công văn chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện chống rét bằng cách tận dụng những vật liệu sẵn có như phên nứa, bạt, lá cọ, rơm rạ, đồng thời giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ đề phòng bệnh cước chân trâu, bò; sưởi ấm cho đàn gia súc bằng cách hun chấu, mùn cưa. Ngoài việc cho gia súc ăn no bằng các loại cỏ tươi, lá cây rừng, thân cây chuối, rơm khô... người dân cần bổ sung thức ăn tinh như gạo, ngô, cám, sắn nấu cháo loãng, pha thêm muối.

 

Dự báo của cơ quan chuyên môn cho biết, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, rét đậm còn kéo dài. Vì vậy, ngay từ bây giờ, người dân cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực trong việc chăm sóc đàn gia súc. Có như vậy, “đầu cơ nghiệp” của mỗi gia đình mới đủ sức vượt qua những ngày đông giá khắc nghiệt.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 sự kiện, nhóm sự kiện nổi bật năm 2012 của tỉnh (Do Báo Hà Giang bình chọn)
1. Từ 9 – 10.2, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV tổ chức Hội nghị lần thứ 12, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; mở đầu cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng cũng như mỗi đảng viên.
29/12/2012
Tự tin vững bước vào năm mới 2013
HGĐT- Trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức của lạm phát và hạn chế đầu tư công, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông – lâm nghiệp; Hà Giang vẫn bình tĩnh, chủ động với hướng đi và cách làm của mình để bám sát mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012; các chương trình, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh về 4 đổi mới; 8 đột phá;
29/12/2012
Đồn biên phòng Thanh Thủy tích cực chăm lo đời sống của chiến sĩ
HGĐT- Đồn biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên) có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới của 5 xã và khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy, một cửa khẩu quốc gia có vị trí chiến lược, kinh tế quan trọng của tỉnh. Đây cũng là một trong những đơn vị được Đảng bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá cao trong công tác chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ.
29/12/2012
Đề án Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông
Với Đề án này, sẽ phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông.
27/12/2012