Hương Hồi thơm ngát Nà Nôm

08:15, 29/09/2012

HGĐT- Bắc Mê là huyện vốn nổi tiếng với Căng Bắc Mê và đặc sản “Thứ nhất Dầm xanh, thứ nhì Anh vũ” - những loài cá đặc trưng của dòng Gâm đã đi vào huyền thoại. Còn nay, huyện Bắc Mê đang dần nổi tiếng với một đặc sản mới “nhập khẩu” về: Tinh dầu hồi - Và dù mới “Bén duyên” theo “Con đường” tự phát nhưng cây Hồi đã và đang trở thành một trong những “Con đường mới”, quan trọng trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo đối với người nông dân thôn Nà Nôm, xã ĐườngÂm.


     Sau 4 năm dưới sự chăm sóc tận tình của người gieo trồng, cây hồi ở thôn Nà Nôm đã cho thu hoạch và đang dần hình thành sản phẩm hàng hóa, tạo nguồn thu nhập khá và ổn định cho người nông dân.


Tự thân tìm “Con đường mới” - thoát nghèo...

 

Biết đã từ lâu và đã lỡ hẹn nhiều lần, tới nay chúng tôi quyết tâm gạt bỏ đi tất cả những lời can ngăn của người dân từ trung tâm huyện cho tới cán bộ xã Đường Âm: “Nhà báo không nên vào thôn Nà Nôm ở thời điểm này. Vì mấy ngày qua, trời mưa liên tục, đến người dân bản địa đi lại còn khó khăn huống hồ người thành phố!”. Phải chăng cũng chính vì lời khuyên như có tính thách thức đó mà đoàn chúng tôi mỗi người chọn cho mình một chiếc xe máy của cán bộ xã để bắt đầu cuộc hành trình vào nơi mà người dân nghèo đã, đang tìm đường thoát nghèo cho chính mình bằng chính nguồn tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của vùng.

 

Ngoài sức tưởng tượng, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về con đường mà chúng tôi đã, đang gồng mình vượt qua. Một con đường liên thôn rộng rãi và nếu chỉ đứng từ xa nhìn vào thì không thể thấy hết được những cái khó của mặt đường gây ra. Bùn nhão, dẻo quánh, từng tảng, từng mảng gắn chặt vào lốp xe, vấy chặt lấy những đôi giày da vốn chỉ quen với đường phố. Nặng trịch, ì ạch, chiếc xe máy mà chúng tôi đi luôn để ở số một nhưng cũng chỉ nhích được từng Centimet đường. Mệt đấy, nhưng còn cả quãng đường dài hơn 20km nữa, nên không ai bảo ai, chúng tôi đều lẫm lũi, oằn mình vượt qua “sông bùn” với quyết tâm rút ngắn thời gian di chuyển để có nhiều thời gian gần gũi, tìm hiểu thật kỹ những con người thuần nông nơi đây vì sao lại mạnh mẽ như thế? Họ dám nghĩ, dám làm, đưa những cây trồng mà từ trước tới nay chưa hề tồn tại ở vùng đất này vào thử nghiệm.

 

   Sau hiệu quả bước đầu của cây hồi, người dân thôn Nà Nôm đã mạnh dạn đầu tư tiếp tục ươm giống hồi để phát triển diện tích hồi ra toàn thôn.


Sau gần 2 giờ đồng hồ đổ đèo, leo dốc, chúng tôi ai nấy đều mệt nhoài nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh chóng và thay vào đó là sự kính nể, khâm phục những “anh hùng” tiên phong trong việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm. Dù chưa có cán bộ, chính quyền vào cuộc, chỉ sau những cuộc giao lưu, qua lại giữa anh, em họ hàng đang sinh sống bên xã Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) mà họ dám đưa cây hồi về trồng tại vườn rừng nhà mình. Còn gì tốt hơn sự chuyển biến về nhận thức và tư duy đó. Anh Phùng Văn Hỏn (dân tộc Dao), “cha đẻ” của cây hồi tại xã Đườngm tâm sự: “Ban đầu cũng sợ đấy, còn tới nay, cây hồi sinh trưởng và phát triển ở Nà Nôm đã ngót nghét 4 năm và không hề phụ lòng người, sau 2 vụ thu hoạch, chiết suất tinh dầu hồi, mình và những hộ gia đình nơi đây đã thu về 60 triệu đồng. Mừng lắm, không tính công chăm sóc thì phần nào đã thu về được tiền gốc đầu tư ban đầu và có vốn để trồng thêm...”. 60 triệu đồng một số tiền khá nhỏ so với 4 năm đầu tư, chăm sóc nhưng nó đã mở ra “con đường” tươi sáng cho những năm tiếp theo khi mà cây hồi ngày càng phát triển và diện tích ngày càng được mở rộng...


     Để tạo thuận lợi cho người dân phát triển lao động, sản xuất, phát triển các loại cây trồng thế mạnh của vùng và cây hồi thành hàng hóa, thôn Nà Nôm rất cần một con đường hoàn chỉnh.


...Hướng tới một tương lai tươi sáng.

 

Đứng giữa rừng hồi cao vút đầu người, thẳng hàng, thẳng lối như những vườn chè vùng xuôi của nhà anh Hỏn, anh Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: “Nơi chúng ta đang đứng trước đây chủ yếu có các loại cây: Lu, chít và guột mọc, trồng cây gì vào cũng không được chỉ phát triển được một thời gian lại chết, như các cây: Keo, mỡ, bạch đàn... Bởi khí hậu ở đây về mùa Đông rất lạnh, còn những ngày khác trong năm đều gần như bị sương mù phủ kín. Các cấp lãnh đạo xã cũng đang trăn trở để tìm loại cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Còn giờ đây, khi người dân đã tự tìm được “đường đi” cho mình, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con có đủ điều kiện phát triển và nhân cây hồi ra diện rộng...”.

 

Còn gì thuận lợi hơn, tốt hơn khi sự chủ động của người dân đã có sự chung sức vào cuộc của chính quyền địa phương. Rồi đây, mỗi khi nhắc tới Bắc Mê, mọi người sẽ nghĩ tới một sản phẩm hàng hóa được hình thành từ sự vượt khó vươn lên, tính quả cảm, lòng quyết đoán của người dân Đường Âm. Anh Triệu Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Nà Nôm tâm sự với khi đưa chúng tôi đi tham quan thành quả của các hộ dân trong thôn: “Với cương vị Bí thư Chi bộ thôn nên ngay sau khi anh Hỏn đưa cây hồi về trồng, mình không chỉ theo dõi mà còn thường xuyên tìm hiểu, hỏi hỏi kinh nghiệm ươm, trồng để hướng dẫn và tham gia thực hiện cùng. Hiện nhà Hơn đã trồng được hơn 3ha còn mình và cậu nhóc Hoàng Văn Tủng, Trưởng thôn đều trồng được trên 1ha cũng bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ mới 2 đợt thu hoạch thôi mà đã thấy hiệu quả rõ rệt của cây hồi rồi nên mình đã bàn với nhà Hỏn và Tủng cùn gom góp tiền sang Cao Bằng mua gần 50kg hạt hồi giống về ươm tại vườn nhà. Sau một thời gian chăm sóc, cây hồi giống phát triển rất tốt, đủ điều kiện đưa ra vườn rừng để trồng. Hiện cả thôn mình có 55 hộ, nếu phân bố đồng đều cho các hộ, toàn thôn mình sẽ trồng được trên 30ha hồi. Một diện tích khá lớn đấy các chú nhỉ? Nhưng mừng mà vẫn lo đấy, vì hiện diện tích hồi ít, sản phẩm chưa nhiều bán còn được giá 500 - 700 nghìn đồng/kg tinh dầu hồi. Nhưng khi diện tích hồi lớn, sản phẩm nhiều rồi sợ bị tư thương ép giá, khó bán thì sẽ khó ăn nói với dân lắm. Vì mình là đảng viên gương mẫu làm trước để bà con học tập làm theo, lỡ mà không thành công thì...”.

 

Quả vậy, đây chính là nỗi lo rất lớn không chỉ với người dân mà còn của cả cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương. Hướng đi nào cho sản phẩm tinh dầu hồi của người dân Nà Nôm dù biết rằng trước sự quyết tâm của bà con, UBND huyện Bắc Mê đã hỗ trợ tiền đầu tư phân bón và cây giống cho những hộ đang thực hiện vườn ươm cho thôn. Đây mới chỉ là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài Nà Nôm vẫn chông chờ ở những nhà cầm quyền một quyết sách đúng đắn, sáng suốt về đầu ra cho sản phẩm mà theo như Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Đặng Văn Thủy cho biết: “Về lâu dài, huyện sẽ tổ chức, mời các chuyên gia về thôn Nà Nôm và các vùng lân cận để tiến hành khảo sát, đánh giá lại khí hậu, thổ nhưỡng có thực sự phù hợp với cây hồi về lâu dài không. Khi có kết quả cụ thể mới thực sự tiến hành nhân ra diện rộng...”. Như biết chúng tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời đó, anh Thủy khẳng định thêm: “Hiện nay, các sản phẩm dược liệu, nhất là những loại tinh dầu dược liệu không lo về đầu ra, sản phẩm làm ra tới đâu bán hết tới đó và gần như không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, huyện sẽ liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp, công ty chuyên sản xuất dược phẩm trong nước để bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con...”. Thiết nghĩ, với một giống cây trồng tự phát nhưng nếu đúng như ước vọng của người dân, thu nhập kinh tế từ cây hồi sẽ tăng lên theo từng năm và để cây hồi có thể phát triển mạnh, thực sự trở thành cây trồng xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan cần tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho người dân, để người dân yên tâm đầu tư phát triển mở rộng diện tích, góp phần đưa cây hồi trở thành nguồn lực phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho nông dân địa phương.

 

Chiều muộn, khi những hạt mưa càng lúc càng dày hạt làm cho con đường chúng tôi về xã thêm khó đi hơn, khó đi hơn. Làm cho Nhà báo Đức Dũng dù với hơn 20 năm kinh nghiệm, đã đi gần hết 195 xã, phường của Hà Giang hơn 2 lần ngã nhoài ra khỏi xe vì đường trơn. Ướt nhèm, bùn, đất lấm từ đầu tới chân, mệt mỏi, lầm lũi trong bóng tối nhưng trong chúng tôi ai cũng nhìn thấy một tương lai đầy tươi sáng cho người dân nghèo không chỉ của Nà Nôm, xã Đường Âm và tất cả các xã vùng cao của huyện Bắc Mê đầy gian khó...

 

Ở nước ta cũng như ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đã sử dụng hoa hồi và tinh dầu hồi làm gia vị và làm thuốc từ hàng ngàn năm trước đây. Tinh dầu hồi được sử dụng nhiều trong công nghệ chế biến rượu khai vị, rượu mùi, nước ngọt và bánh kẹo. Hương vị hấp dẫn của hồi vừa có tác dụng kích thích tiêu hóa, vừa gây cảm hứng ngon miệng. Trong y học dân tộc ở nước ta và nhiều nước khác, hồi được dùng làm thuốc gây trung tiện, kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, giảm đau, giảm co bóp trong dạ dày, trong ruột, lợi sữa, trị nôn mửa, đau, thấp khớp, đau lưng, ngộ độc thịt cá và chữa trị khi bị rắn độc cắn... Tây y coi tinh dầu hồi có tính kích thích, tăng cường nhu động đường ruột, dùng chữa đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp, giúp tiêu hóa, giảm đau và khử đờm. Ngoài ra, tinh dầu hồi còn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của vi khuẩn lao và nhiều loại vi khuẩn khác, nên được dùng làm thuốc sát khuẩn, trị nấm ngoài da và ghẻ lở...


TUẤN DŨNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chợ trung tâm thành phố Hà Giang có điểm bán hàng miễn thu phí cho các hộ bán rau an toàn, hàng tự sản tự tiêu, kinh doanh không thường xuyên
HGĐT- UBND thành phố Hà Giang vừa quyết định sắp xếp, bố trí địa điểm bán hàng miễn thu phí tại Chợ trung tâm thành phố Hà Giang cho các hộ bán rau an toàn, hàng tự sản tự tiêu và hộ kinh doanh không thường xuyên kể từ ngày 1.10.2012.
28/09/2012
Mưa to gây sạt lở và lũ quét ở xã Xuân Minh
HGĐT- Vừa qua (từ ngày 23 - 24.9.2012), trên địa bàn xã Xuân Minh, huyện Quang Bình xảy ra mưa rất to và kéo dài dẫn đến sạt lở và lũ quét tại nhiều thôn.
27/09/2012
Bắc Quang phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo năm 2012 trong tháng 10
HGĐT- Thực hiện Chương trình xóa nhà tạm (XNT), tạo điều kiện cho các hộ gia đình thuộc diệnnghèo ổn định nơi ở, yên tâm sản xuất, thoát nghèo bền vững; năm 2012, huyện Bắc Quang phấn đấu xoá 147 nhà tạm, nhà dột nát, tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
27/09/2012
“Bức tranh quê” hội nhập với những “chiếc cần câu” thoát nghèo bền vững
HGĐT- Đến nay, toàn tỉnh có 13.732 cơ sở/hộ hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề nông thôn với tổng giá trị sản xuất 661,55 tỷ đồng; đóng góp khoảng 6%/năm tổng GDP của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn với mức thu nhập 1.940.000 đồng/người/năm...; trong đó, đã có 12 làng nghề được tỉnh công nhận...
27/09/2012