Xóm hạ sơn, thôn Hòa Sơn – chưa thoát đói nghèo sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới

18:15, 20/04/2012

HGĐT - Năm 2002, xóm hạ sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) được hình thành với 39 hộ người dân tộc Mông chuyển đến từ các xã Đông Hà, Cán Tỷ (Quản Bạ). Nơi ở cũ khó khăn do thiếu đất, thiếu nước nên khi đến vùng đất mới ở một xã vùng thấp, hộ nào cũng mong ước có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, đến nay sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới, bà con hạ sơn vẫn luẩn quẩn với nghèo, đói quanh năm mà nguyên nhân chính lại giống như nơi họ chuyển đi “thiếu đất sản xuất và thiếu nước”.


Tôi có dịp vào thăm xóm mới hạ sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa khi người dân vừa mới di chuyển đến. Gần 40 hộ người dân tộc Mông ở các xã Cán Tỷ, Đông Hà (Quản Bạ) bao đời sống trên các sườn núi cao, đường đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước nên nghèo, đói quanh năm. Do đó, khi chính quyền vận động bà con hạ sơn về nơi ở mới tại một xã vùng thấp, hộ nào cũng vui vẻ và háo hức với niềm tin nơi đó có nhiều đất sản xuất hơn, nhiều nước hơn để trồng cây ngô, cây trồng lúa cho cuộc sống đỡ cơ cực. Từ suy nghĩ đó, các hộ đã tích cực thực hiện chương trình hạ sơn, về xóm mới để xây dựng cuộc sống mới. Tại đây, bà con được nhà nước đầu tư làm nhà ở; được giao đất để khai hoang ruộng bậc thang trồng ngô, lúa; được đầu tư điện thắp sáng và hệ thống nước sinh hoạt; đường đi lại thuận tiện... Tôi có mặt trong những ngày xóm hạ sơn mới hình thành, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, nhiều việc đang chờ đón bàn tay lao động của bà con. Thế nhưng ai cũng tin, với điều kiện tốt hơn nơi ở cũ cộng với đức tính cần cù, chịu khó của, bà con sẽ xây dựng xóm mới với cuộc sống no đủ, khấm khá, tốt đẹp hơn.



 Nương ngô xóm hạ sơn Hòa Sơn còi cọc do đất bạc màu, thiếu nước tưới tiêu.

Sau 10 năm tôi mới có dịp quay trở lại xóm hạ sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xóm mới ngày nào giờ đã khác, không còn cảnh ngổn ngang vật liệu làm nhà, đất đai đang khai hoang như trước nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà đã cũ, nương bậc thang đã hình thành, điện đã thắp sáng trong mỗi nhà... Thế những có một điều không thay đổi đó là đời sống kinh tế của bà con vẫn nghèo, trong đó có nhiều hộ thiếu đói gần như quanh năm. Trưởng thôn Hòa Sơn Dương Thanh Đức dẫn tôi vào xóm, đi đến nhiều hộ, anh cho biết: “Xóm hạ sơn giờ có 39 hộ với trên 200 nhân khẩu. Sau bao nhiều năm về nơi ở mới, đường đã dễ đi hơn, nhà nào cũng có điện nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn cơ cực lắm. Sau 10 năm mà chưa có hộ nào thoát khỏi cảnh nghèo, thậm chí còn rất nhiều hộ thiếu đói lương thực cần phải trợ cấp”. Sao lại nghèo, vê đây bà con được giao đất lại có nước để sinh hoạt và sản xuất cơ mà? Trưởng thôn Hòa Sơn giải thích: “Bà con về đây cũng được giao đất để khai hoang làm nương, ruộng bậc thang, hộ nào cũng chịu khó nên chẳng mấy chốc đã hoàn thành việc khai hoang, tạo nên những nương, thửa ruộng bậc thang quanh thôn để trồng ngô, lúa. Thế nhưng diện tích phân cho bà con được ít qua, đến nay 39 hộ dân với gần trên 200 nhân khẩu chỉ có tổng cộng trên 22 ha đất sản xuất. Bà con muốn khai hoang nữa cũng không còn đất bởi đất đồi rừng quanh thôn đều đã giao hết cho dân bản địa quản lý từ trước rồi. Không những thế, 22 ha đất sản xuất đều là đất bạc màu ven đồi, trước kia là những bãi cỏ may. Thế nên trồng cây gì cũng còi cọc, trồng cây gì cũng cần nhiều phân bón mới phát triển tốt được, nhưng điều kiện kinh tế của bà con có hạn nên cây ngô, cây lúa ở đây năm nào năng suất cũng đạt thấp nhất xã”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết nơi đây lại rất khó khăn về nước, cả nước sinh hoạt lẫn nước sản xuất. Đất sản xuất ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, không có hệ thống kênh mương để phục vụ tưới tiêu nên bà con chỉ trồng được 2 vụ ngô, có vài ha là có thể trồng lúa vụ mùa nhưng nếu năm nào chậm mưa bà con cũng chuyển trồng ngô hết. Để minh trứng cho những điều mình nói, ông trưởng thôn dẫn tôi xuống một nương ngô ven đường, chỉ và đó anh bảo: “Ngô chính vụ của bà con trồng đã gần 3 tháng rồi đấy, nhưng cây nào cũng còi cọc, vàng úa do đất cằn và nhất là thiếu nước, điều kiện sinh trưởng khó khăn thế rất khó cho năng suất cao”. Được biết, trước kia bà con cũng đã được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt từ đầu nguồn, đến năm 2006, do thiên tại nên hệ thống nước bị vùi lấp nhiều đoạn, không sử dụng được nữa. Bà con không có điều kiện tu sửa nên từ đó đến nay vấn đề nước sinh hoạt của bà con rất khó khăn. Cùng với đó, hệ thống kênh mương dẫn nước về tưới tiêu cho đất sản xuất ở xóm hạ sơn cũng đã được đầu tư từ năm 2006, những đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Chúng tôi gặp Vừ Mí Tỏa khi anh đang chăn trâu ven đường, Tỏa sinh năm 1986, đã xây dựng gia đình và có 6 người con. Tỏa cho biết: “Diện tích đất sản xuất nhà mình không biết bao nhiêu mét vuông, chỉ biết mỗi vụ trồng chưa đến 1 kg giống, đó là ngô chính vụ, nếu năm nào thời tiết thuận lợi, vụ mùa cũng trồng được lúa. Nhưng chỉ 2 tháng sau ngày thu hoạch ngô, lúa là nhà mình đã hết lương thực ăn rồi”. Trưởng thôn Dương Thanh Đức cho biết thêm, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở xóm là do bà con sinh đẻ quá nhiều. Nhà nào cũng sinh vượt kế hoạch, bình quân mỗi hộ hạ sơn cũng có đến 5 khẩu. Đất sản xuất thì không sinh ra, người lại nhiều thêm nên cuộc sống khó khăn, càng khó khăn hơn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng không phát triển, bà con nơi đây vẫn chỉ chăn nuôi gà, lợn để phục vụ nhu cầu của gia đình nên nguồn thu từ chăn nuôi không có. Thiếu đất, thiếu nước sản xuất, dân số tăng lên khiến xóm hạ sơn thôn Hòa Sơn không thoát khỏi cảnh nghèo, đói. 100% chưa thoát khỏi hộ nghèo, đa phần các hộ đều thiếu lương thực trong nhiều tháng. Để có lương thực ăn, bà con phải lên rừng lấy cây chít, cây guột về bán lấy tiền mua lương thực ăn mà lấy của rừng mãi rồi cũng sẽ hết...

 

Nghèo, đói nhưng có một điểm làm chúng tôi thấy vui đó là bà con rất quan tâm vận động con em mình đi học mầm non, học cấp 1. Chị Lương Thị Lịch, giáo viên điểm trường mầm non trong xóm cho biết: “Cả xóm có khoảng 20 cháu từ 2 đến 5 tuổi, các em đến trường rất đầu đủ, ít khi bỏ học. Kể cả khi học lên cấp 1 các em cũng đi học đúng độ tuổi và học đều. Em nào trong thôn cũng đều biết chữ, nói sõi tiếng phổ thông”. Có lẽ, đó là điểm sáng duy nhất của xóm hạ sơn thuộc thôn Hòa Sơn trong thời điểm hiện tại.

 

Sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới, người dân hạ sơn thôn Hòa Sơn vẫn nghèo đói và gặp rất nhiều khó khăn. Làm gì để giúp bà con vươn lên thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống ấm no hơn, đó là câu hỏi lớn cần được chính quyền địa phương quan tâm, giải đáp?.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ quà cho các hộ đặc biệt khó khăn
HGĐT - *Thông qua Báo Hà Giang giới thiệu địa chỉ hộ nghèo đặc biệt (Mèo Vạc) cần được giúp đỡ, ngày 18.4.2012 tại xã Sủng Trà (Mèo Vạc), Nhà sư Thích Diệu Tâm, cùng với gia đình và một số phật tử thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã lên trao 100 suất quà cho 100 hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Sủng Trà (Mèo Vạc), trị giá 30 triệu đồng.
20/04/2012
Đại hội điểm huyện Đoàn Bắc Quang thành công tốt đẹp
HGĐT - Trong 2 ngày từ 18 – 19.4, tại huyện Bắc Quang, Tỉnh Đoàn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện tại Huyện Đoàn Bắc Quang. Đến dự có lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, lãnh đạo Tỉnh đoàn, lãnh đạo huyện Bắc Quang và lãnh đạo Đoàn các huyện, thành phố, Đảng ủy trực thuộc tỉnh...
20/04/2012
Bắc Quang triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2012
HGĐT - Ngày 19.4, huyện Bắc Quang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012.
20/04/2012
Tình nguyện viên: Ngồi ở Việt Nam, hành động toàn cầu
Đi tới những mảnh đất còn nhiều khó khăn của Tổ quốc để giúp đỡ đồng bào thoát nghèo là công việc mà nhiều bạn trẻ thuộc các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đang thực hiện.
20/04/2012