Chương trình xây dựng nông thôn mới cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân

17:41, 01/11/2010

HGĐT- Ngày 4.6.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTG “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”, với mục tiêu đến năm 2015, có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và năm 2020 đạt 50% theo bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.


 
 Đường vào xã Trung Thành (Vị Xuyên), xã được chọn làm điểm theo chương trình XDNTM của tỉnh.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển KT-XH, chính trị và an ninh quốc phòng, với mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đến năm 2015, 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và sẽ tăng lên 50% vào năm 2020 theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.


Chương trình xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; nhóm hạ tầng KT-XH; nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất; nhóm văn hóa-xã hội-môi trường và nhóm hệ thống chính trị. Bộ tiêu chí cũng đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.


Theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm: Vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai khoảng 23%; vốn trực tiếp cho chương trình khoảng 17% (trong đó hỗ trợ 100% từ ngân sách T.Ư cho công tác quy hoạch, đường giao thông đến trung tâm xã, xây dựng trụ sở xã, xây dựng trường học đạt chuẩn, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã, công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản và cán bộ Hợp tác xã); vốn tín dụng chiếm khoảng 30%; vốn từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó sẽ có 28 lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt ưu đãi về đầu tư khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Đối với Hà Giang, nằm trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, ngay sau khi có Quyết định số 491 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Hà Giang, đồng thời khẩn trương cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư và thành lập các tổ chức, bộ máy liên quan để triển khai thực hiện. Sau hơn một năm thực hiện, Chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trên quan điểm nhận thức Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM là chương trình lớn, mang tính tổng thể, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đại đa số người dân trong tỉnh. Đặc biệt, mặc dù là một tỉnh miền núi xa xôi, thuộc địa bàn theo tiêu chí của các tỉnh miền núi Trung du phía Bắc, song tỉnh ta đã chủ động, khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện sớm các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư; các bước tổ chức thực hiện được đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh tới huyện, xã và đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân...


Đồng chí Nguyễn Chí Hướng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh cho biết:Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chương trình còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do: Chương trình XDNTM là chương trình lớn, còn mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực; các văn bản hướng dẫn của T.Ư còn chậm; Chương trình đang trong giai đoạn đầu tìm tòi, thử nghiệm nên còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh, thay đổi thường xuyên; hoạt động của Ban chỉ đạo hiệu quả đạt chưa cao do các thành viên làm kiêm nhiệm; các thành viên tổ giúp việc là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của các sở, ban, ngành hoạt động kiêm nhiệm và thường xuyên đi công tác, nên việc tham mưu cho Ban chỉ đạo chưa kịp thời; kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ giúp việc còn hạn chế...


Trước một chương trình lớn của Chính phủ, vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố nhằm đảm bảo triển khai Chương trình có hiệu quả. Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Chính phủ. Đối với BTV Tỉnh ủy đã thống nhất coi xây dựng phát triển nông thôn mới là một trong những chương trình đổi mới của tỉnh nằm trong “4 đổi mới, 8 đột phá, 7 nhóm giải pháp chủ yếu” và là cú hích để xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn tới, xây dựng nông thôn mới sẽ được ưu tiên hàng đầu cùng với các chương trình khác đã được xác định. Xây dựng nông thôn mới phải được gắn với xây dựng làng văn hóa và du lịch cộng đồng; việc lồng ghép các nguồn lực phải được coi trọng và xã hội hóa các nguồn lực; trong công tác quy hoạch nên cải cách thủ tục hành chính, sao cho dễ tập trung, dễ thực hiện, đồng thời tôn trọng hiện trạng hiện nay; quy hoạch mới phải gắn di dân ra khỏi vùng xung yếu, di dân ra biên giới; trong phương pháp thực hiện cần coi trọng vai trò của MTTQ trong tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện... Tuy nhiên, với những điều kiện thực tế của Hà Giang, Chương trình XDNTM sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là hiện nay, Ban chỉ đạo Chương trình triển khai còn chậm và chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, chưa tìm ra được kinh nghiệm và cách làm hay từ các địa phương; Ban chỉ đạo các cấp chưa chỉ ra được thứ tự ưu tiên theo Bộ tiêu chí ở các huyện; việc nắm nguồn lực ở cấp xã còn yếu, chưa rõ... Do đó BCĐ các cấp cần sớm đề xuất, xây dựng cơ chế, đẩy mạnh quy hoạch để trình BTV Tỉnh ủy...


Đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng: Trong thời gian tới, việc triển khai, thực hiện chương trình cần phải được thống nhất, bàn bạc từ thôn, xã; lập được quy hoạch và nhất định quy hoạch phải đi trước một bước; có phương án đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực. Đặc biệt là cần kiện toàn công tác tổ chức; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản theo đúng quy định của T.Ư; chú trọng ban hành các quy chế để khai thác các nguồn lực, đồng thời xây dựng tiêu chí, cần linh hoạt trên cơ sở 19 tiêu chí đã được quy định; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động tới tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, sự ủng hộ từ nhân dân...


Có thể khẳng định: Chương trình Quốc gia về XDNTM là chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đã cụ thể hóa một trong những nội dung cơ bản trong nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó đã và đang được Đảng bộ, chính quyền các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm, hưởng ứng. Đặc biệt, Chương trình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV. Hy vọng với những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới sẽ được thực hiện tốt, tạo ra một diện mạo mới, toàn diện cho nông thôn Hà Giang trong những năm tới.


HỮU THỤY

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trao giải cuộc thi “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng”
HGĐT- Sáng 29.10, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng”. Đến dự có lãnh đạo Tỉnh đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTT và DL, Đài PT - TH, cùng đông đảo đoàn viên các chi đoàn và đại diện các tập thể, cá nhân đoạt giải.
29/10/2010
Quản Bạ tổ chức Hội thi “Tìm hiểu chính sách bảo trợ trẻ em” lần I
HGĐT- Tối 23.10, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá huyện Quản Bạ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quản Bạ tổ chức Hội thi “Tìm hiểu chính sách bảo trợ trẻ em”.
27/10/2010
Nhiều tấm lòng nhân ái, sẻ chia đến đồng bào lũ lụt miền Trung
HGĐT- Sẻ chia với những mất mát, khó khăn của đồng bào miền Trung, đến nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực vận động cán bộ, công nhân viên quyên góp ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt.
27/10/2010
Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư ở Mèo Vạc
HGĐT- Thực trạng về tình hình dân cư: Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá nằm ở phía Bắc của tỉnh, nằm trong quần thể Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
27/10/2010