Khó khăn của người dân hạ sơn thôn Minh Lập (Quang Minh - Bắc Quang)

07:40, 05/05/2010

HGĐT- Một Dự án (DA) di dân tái định cư với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 6 tỷ đồng để di chuyển 25 hộ đồng bào dân tộc ở vùng cao huyện Mèo Vạc về thôn Minh Lập, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang định canh định cư ổn định cuộc sống. Sau hơn 5 năm cư trú tại xóm Hạ Sơn, 16 hộ với 95 khẩu thường xuyên lâm vào tình trạng hàng năm thiếu đói 8 đến 9 tháng, thiếu nước sinh hoạt và thiếu đất sản xuất như ở vùng cao khi xưa.


 
 Lên rừng kiếm củi là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trong xóm hạ sơn. Ảnh: Đức Cường

Nhằm đẩy mạnh việc định canh, định cư, chống di dịch cư tự do, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và XĐGN cho người dân, ngày 7.8.2002, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2108 về việc phê duyệt DA di dân, định canh, định cư xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển KT – XH thôn Minh Lập, xã Quang Minh (Bắc Quang) với tổng số vốn đầu tư gần 6,3 tỷ đồng. DA di dân cho 25 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất tại 3 xã của huyện Mèo Vạc xuống thôn Minh Lập và thực hiện định canh, định cư bền vững cho 5 hộ dân sở tại, nhằm ổn định vững chắc cho tổng số 30 hộ dân trong vùng dự án. Theo đó, DA sẽ lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt để xây dựng làng thanh niên phát triển toàn diện về các mặt KT – XH. Mục tiêu phấn đấu đến năm định hình của DA, số hộ đạt khá là 70%, hộ giàu là 20% và 10% số hộ đạt trung bình. Đồng thời, xây dựng tổ chức đoàn hoạt động hiệu quả, trong thôn không có tệ nạn xã hội…

 

Ban đầu, DA được giao cho Tỉnh Đoàn Hà Giang làm chủ đầu tư, nhưng quá trình triển khai thực hiện, tiến độ chậm, vì vậy, ngày 16.8.2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2371, chuyển chủ đầu tư và thành lập Ban quản lý (BQL) DA Hạ Sơn thôn Minh Lập, giao cho UBND huyện Bắc Quang làm chủ đầu tư. Qua đó, đến nay kinh phí đã thực hiện DA 4.110.730.700đ, di dân cho 25 hộ dân từ huyện Mèo Vạc về thôn Minh Lập để xây dựng vùng kinh tế mới mang tên xóm Hạ Sơn. Nếu theo mục tiêu đề ra, đến giờ các hộ dân định cư ở xóm Hạ Sơn đã phải có cuộc sống ổn định, không có hộ đói, nghèo. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Phùng Trung Tuyến, Trưởng thôn Minh Lập, xã Quang Minh, toàn thôn có 170 hộ thì chỉ còn 13 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. 13 hộ nghèo trên lại chính là những hộ thuộc DA định canh, định cư xóm Hạ Sơn. Từ chỗ có 25 hộ chuyển về, nhưng cho đến giờ chỉ còn lại 16 hộ bám trụ lại xóm Hạ Sơn.

 

 
 Ngôi nhà của anh Sùng Trá Phứ, dân tộc Mông gồm 11 khẩu tại xóm hạ sơn. Ảnh: Lan Hương

Sau hơn 5 năm hạ sơn, một xóm nghèo đang hiện hữu, đến với nhiều hộ dân nơi đây, điều mà chúng tôi được chứng kiến không phải là sự no đủ mà là những bao gạo cứu đói xã đã phát cho các hộ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Tiếp xúc các anh Sùng Mí Vư, dân tộc Mông; Phan Văn Phúc, dân tộc Dao; Thèn Sào Văn, dân tộc Nùng…là những người dân trong xóm, mọi người trình bày: Với mong muốn có một cuộc sống ổn định hơn, các hộ đã ủng hộ DA Hạ Sơn định canh, định cư. Nhưng kể từ khi chuyển về đây, khó khăn trong cuộc sống cứ ngày một nhiều hơn. Để duy trì cuộc sống, đại đa số bà con trong thôn hàng ngày phải lên đồi lấy củi nứa đem ra thị trấn bán, người khoẻ thì rủ nhau ra thị trấn làm thuê cho các công ty hoặc các nhóm thợ xây với những công việc nặng nhọc như đào đất, làm thợ phụ nề, công việc không ổn định, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Cuộc sống mải lo cái ăn, cái mặc, chẳng trách khi có những hộ như anh Sùng Mí Dính, mới 32 tuổi đã có đến 5 đứa con, hay chàng trai trẻ Sùng Mí Lừ, con trai ông Sùng Chá Phứ, sinh năm 1990, học hết lớp 6 đã phải nghỉ học ở nhà, lấy vợ và đã có 2 đứa con. Bố, mẹ phải bận kiếm sống qua ngày, nên chuyện các em học sinh trong thôn nghỉ học là chuyện thường ngày, cán bộ giáo viên trong xã muốn thu hút học sinh đến lớp, phải chủ động quyên góp và hỗ trợ học sinh trong thôn sách, bút, quần, áo… thì các em mới không bỏ học.

 

Trước những khó khăn của các hộ dân hạ sơn thôn Minh Lập, vừa qua UBND xã Quang Minh đã phối hợp cùng Phòng NN& PTNT huyện, BQL thôn Minh Lập đi kiểm tra thực thế điều kiện cuộc sống, lao động sản xuất của các hộ hạ sơn, đã có báo cáo cụ thể như sau: Qua kiểm tra thực tế, đời sống của 16 hộ hạ sơn với 95 khẩu hiện nay hết sức khó khăn, hàng năm luôn thiếu đói từ 8 đến 9 tháng. Các công trình của dự án được đầu tư tại khu Hạ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, như công trình cấp nước sinh hoạt đã không thể sử dụng nhiều năm nay, được đề nghị nhiều lần nhưng không được quan tâm sửa chữa, diện tích ruộng DA mua cho các hộ, đất ở, đất vườn rừng lúc BQL huyện giao cho dân không có BQL thôn, không mời các hộ liền kề chứng nhận, nên giữa một số hộ chưa xác định được ranh giới, dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa các hộ liền kề; xã gặp khó khăn trong quá trình giải quyết vì BQL huyện chưa bàn giao đất cho xã quản lý, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, một số hộ đã cấp thì cấp chưa đủ diện tích theo định mức giao đất DA… Đồng chí Đàm Xuân Lan, tân Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, sau khi trực tiếp vào thôn thị sát và tiếp xúc với bà con Hạ Sơn đã thực sự ngỡ ngàng trước đời sống của người dân nơi đây. Nghe các đồng chí Nguyễn Đức Nghi, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã; Đỗ Thị Minh Lơ, Phó Chủ tịch UBND xã báo cáo, trong xã còn một thôn khó khăn là Minh Lập với 13 hộ nghèo, đây chính là những hộ nghèo còn lại của xã. Tính từ khi người dân hạ sơn từ vùng cao chuyển về xã, hàng năm cứ vào những dịp lễ tết và thời điểm giáp hạt, xã và huyện lại phải tổ chức cấp gạo hỗ trợ người dân trong thôn. Cụ thể năm nay, thời điểm trước Tết Nguyên đán, mỗi người dân trong thôn đã được xã và huyện hỗ trợ 10kg gạo, ngoài ra ngay trong dịp Tết, nhiều cán bộ và bà con trong xã đã chủ động quyên góp hàng trăm chiếc bánh trưng, mang lên thôn phát cho đồng bào ăn Tết… Bí thư Huyện ủy Đàm Xuân Lan đã khẳng địnhkhông thể để tình trạng này xảy ra mà không có biện pháp gì giúp đỡ bà con người dân xóm Hạ Sơn thoát đói nghèo theo hướng bền vững, cũng không thể để tình trạng cán bộ vi phạm mà không có biện pháp xử lý gì!”.

 

Đâu là nguyên nhân chính sự khó khăn của người dân hạ sơn.

Có thể nói, với tinh thần tương thân, tương ái, cấp uỷ, chính quyền và người dân xã Quang Minh cũng như huyện Bắc Quang đã có nhiều sự giúp đỡ đối với các hộ dân ở xóm Hạ Sơn trong những năm qua như giúp đỡ làm nhà, hỗ trợ giống sản xuất, giúp bà con khắc phục khó khăn, hoà nhập cuộc sống mới. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến đời sống của những hộ dân xóm Hạ Sơn vẫn còn nhiều khó khăn!? Đi tìm lời giải, chúng tôi nhận thấy không ít những điều bất cập từ việc triển khai DA ở xóm Hạ Sơn, đặc biệt là những dấu hiệu sai phạm từ khi DA được chuyển chủ đầu tư về BQLDA huyện Bắc Quang.

 

Theo DA, những hộ hạ sơn sẽ được đầu tư cơ bản về nhà ở, đặc biệt là ruộng đất sản xuất. Để thực hiện điều này, BQLDA huyện Bắc Quang đã bàn và thoả thuận với những hộ sở tại thôn Minh Lập để nhượng bán lại một phần diện tích đất ruộng, rừng cho các hộ hạ sơn. Đây cũng chính là chỗ nảy sinh ra những dấu hiệu sai phạm của một số người tham gia triển khai thực hiện DA, nổi lên trong đó là sự nhập nhèm, thiếu minh bạch trong việc mua, bán đất của cá nhân ông Mai Đức Thắng, nguyên Phó Ban Quản lý dự án (Trưởng BQLDA do Chủ tịch UBND huỵện kiêm nhiệm)…

 

Tiếp xúc với một số hộ bán ruộng, đất cho các hộ hạ sơn, được biết đất bán lại đa phần là đất xấu, không làm được 2 vụ. Điều này được chứng minh trong 5 năm qua, khi các hộ hạ sơn về đây nhận đất và triển khai sản xuất, đa phần các hộ đều cho biết là khó có thể canh tác được 2 vụ do chỗ thì thiếu nước, chỗ thì gặp khi mùa nước sông giâng ngập không làm được, năng xuất thấp, có những hộ được giao ruộng cách nhà đến gần 5km. Không chỉ có vậy, về con số diện tích đất canh tác giao cho các hộ hạ sơn cũng là điều mà đến khi kết thúc DA từ những người dân được cấp đất cho đến thôn và xã đều không biết chính xác là bao nhiêu. Từ chỗ thiếu đất sản xuất và đất xấu dẫn đến việc có hộ đã phải bán trả lại cho chủ cũ thửa ruộng đã mua hoặc phải mua thêm những thửa ruộng mới tốt hơn để sản xuất. Cuộc sống nơi ở mới không ổn định, thiếu ăn nên đến nay đã có 9 hộ rời xóm Hạ Sơn để về quê hoặc chuyển đi nơi khác. Những hộ ở lại thì hiện đang là những hộ nghèo nhất của xã Quang Minh. Anh Nguyễn Văn Yêu, Phó phòng Kinh tế huyện kể lại quá trình hơn 2 năm làm việc dưới quyền ông Mai Đức Thắng với chức danh Thủ quỹ của DA. Là thủ quỹ, cơ quan cũng có két sắt, nhưng không mấy khi anh được giữ tiền và trong két sắt có tiền. Vì làm lãnh đạo và là chủ tài khoản, ông Thắng biết hôm nào thủ quỹ với kế toán ra kho bạc lĩnh tiền, nên cứ lĩnh tiền về đến cửa cơ quan là ông đòi mang về phòng ông giữ, việc ông làm công khai, là nhân viên anh chỉ còn biết mỗi một cách làm cực đoan là lập biên bản bàn giao toàn bộ số tiền lĩnh về theo lệnh của chủ tài khoản, hai bên ký nhận đủ và khi ông Thắng giao phiếu thu chi đầy đủ thì anh mới giao trả biên bản cho ông Thắng. Việc lập biên bản giữa thủ quỹ và chủ tài khoản không biết bao nhiêu lần, chỉ biết trong 2 năm làm việc anh và kế toán bị ông Thắng không cho xuống khu hạ sơn một lần nào, chứ không nói xuống giao tiền cho dân trong quá trình mua trâu, bò hỗ trợ các hộ hạ sơn hoặc chi trả tiền đền bù đất…

 

Để làm rõ việc DA di dân định canh, định cư xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển KT – XH thôn Minh Lập, xã Quang Minh chưa đạt được mục tiêu đề ra, cũng như dư luận về sự thiếu minh bạch của một số cá nhân thực hiện DA, Thanh tra tỉnh đã vào cuộc điều tra những dấu hiệu sai phạm trong DA và đã có kết luận vụ việc. Từ khi được giao làm chủ đầu tư đến khi hoàn thành DA, BQLDA đã được cấp và thực hiện một nguồn kinh phí 3.133.865.000đ. Qua kiểm tra 3/15 chỉ tiêu của DA gồm công trình cấp nước sinh hoạt, công trình đường giao thông thôn Minh Lập và việc mua ruộng cho các hộ hạ sơn đều có những sai phạm. Đối với việc mua ruộng cho các hộ hạ sơn, việc thanh toán tiền mua bán đất ruộng giữa BQLDA và các hộ dân không có danh sách ký nhận tiền của các hộ đã bán đất, trong khi các hộ bán đất khẳng định khi nhận tiền của BQLDA thì đều có ký nhận. Về điều này, ông Phùng Đức Hoà, một người bán đất ruộng cho biết, gia đình ông có bán cho BQLDA một thửa ruộng với giá thoả thuận là 22 triệu đồng, ông đã ký vào danh sách nhận 22 triệu đồng nhưng chỉ được giao 18 triệu mà không có biên lai nhận tiền. Số còn lại 4 triệu đồng được người quản lý DA lúc đó là ông Mai Đức Thắng cho biết là tiền “quay đầu hỗ trợ xăng xe cho anh em đi lại”. Việc mua bán đất giữa BQLDA với các hộ bán đất, nhận đất sản xuất không được tính theo đơn giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, sau khi mua và giao đất cho các hộ trong dự án, BQLDA đã có hợp đồng với phòng Tài nguyên và môi trường về việc đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với giá trị 7.500.000đ, mặc dù hợp đồng này đã được thanh lý, nhưng đến nay các hộ bán đất và các hộ được giao đất vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Qua xác minh rõ, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị cơ quan chức năng thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền chi sai phạm của BQLDA và các đơn vị thi công Dự án là 125.393.465đ. Trong đó, đối với BQLDA, cụ thể là cá nhân ông Mai Đức Thắng, nguyên Phó BQLDA phải có trách nhiệm nộp lại 68.638.731đ vì chi thừa tiền đền bù thu hồi đất là 44.638.731đ và chi mua ruộng không có chứng từ là 23.993.000đ. Đối với các đơn vị thi công công trình đường giao thông và công trình cấp nước sinh hoạt gồm 2 công ty là TNHH Trung Kiên và công ty TNHH Kiên Cường, phải nộp ngân sách số tiền 56.761.134đ vì lý do quyết toán khống khối lượng thi công các công trình trên.


Những con số sai phạm trên là không nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn, 25 hộ dân được vận động từ Mèo Vạc về để xây dựng vùng kinh tế mới với mục đích có cuộc sống ổn định hơn, tốt đẹp hơn thì đến khi DA hoàn thành vẫn chưa thực hiện được. Vụ Đông – Xuân năm nay, 16 hộ dân còn lại ở xóm Hạ Sơn vẫn tiếp tục gieo trồng trên những thửa ruộng được BQLDA giao. Đất ruộng của bà con trong thôn chủ yếu là đất xấu, tưới tiêu không đảm bảo, ruộng đất lại phân tán nhỏ lẻ nên, trong cảnh hạn hiện tại, nhiều nhà phải bất lực nhìn lúa chết vì thiếu nước. Khó khăn chồng chất khó khăn, những thanh niên lại tiếp tục rời xóm Hạ Sơn đi tìm việc làm, trẻ em, phụ nữ và những người yếu lại tiếp tục lên núi kiếm củi, nứa bán để duy trì cuộc sống…


Nhóm phóng viên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang thực hiện tốt công tác an toàn-vệ sinh lao động và quyền lợi của người lao động
HGĐT- Là công ty Cổ phần hoạt đông trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng có quy mô lớn, với những sản phẩm chủ yếu như: Xi măng, tấm lợp Fibrô xi măng, đá xây dựng các loại... vì vậy trong nhà máy và trên công trường luôn có hàng trăm công nhân trực tiếp lao động, sản xuất, do đó công tác An toàn-vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong những năm
30/04/2010
Gió lốc gây thiệt hại tại Hoàng Su Phì
HGĐT- Trong mấy ngày vừa qua, tại huyện Hoàng Su Phì đã xảy ra nhiều cơn lốc mạnh kèm theo mưa to để lại hậu quả khá nặng đối với đời sống của nhân dân.
30/04/2010
Cảm xúc tháng Tư - niềm vui Đại thắng
HGĐT- Tháng Tư của năm 2010 đã ùa về trọn vẹn cùng chúng ta, sự hiện diện của thời gian và không gian đặc biệt này đem lại cho mọi người dân Việt Nam một cảm xúc tuyệt vời - đó là niềm vui đại thắng trong ngày chiến thắng của đất nước, dân tộc trước kẻ thù xâm lược.
29/04/2010
Lũ đá ở Seo Lử Thận
HGĐT- … Trong cơn lũ đêm rạng sáng ngày 27.4 ở đây chỉ có nước và đá. Lũ “đá” mới thật chính xác. Vâng! Lũ “đá” núi, mới thật sự được coi là những gì đã xảy ra ở thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) cướp đi 5 mạng sống, làm bị thương 3 người của 2 gia đình cha con ông Vàng Seo Phứ, 67 tuổi và người con trai bạc mệnh Vàng Seo Pao, 29 tuổi mất vợ, mất con.
29/04/2010