Đồng Văn phát huy “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng

16:51, 05/03/2010

HGĐT- Theo thống kê của huyện Đồng Văn, từ ngày 10.2 đến 3.3, trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ cháy rừng, ước tính diện tích thiệt hại gần 60 ha. Tại các khu vực cháy rừng, lực lượng tại chỗ, lực lượng ứng cứu, các lực lượng khác đã phối hợp khá chặt chẽ theo phương châm “4 tại chỗ”, từ đó hạn chế được thiệt hại đáng kể.


 

 Dập lửa tại thôn Nhìa Lũng Phìn lúc 16h ngày 26.2


Chữa cháy khu vực trọng điểm:

Lúc 13 giờ, ngày 25.2, nhận được tin báo cháy rừng, Trưởng thôn Nhèo Lủng, xã Thài Phìn Tủng (cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 6 km) đã huy động nhân dân trong thôn đến dập lửa, đồng thời báo cáo UBND xã. Hạt Kiểm lâm, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ huy các lực lượng cơ động khẩn trương đến khu vực cháy. Các lực lượng: BCH Quân sự, Công an huyện, Đồn Biên phòng Đồng Văn; cán bộ, giáo viên, học sinh trường PTTH, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; cán bộ các cơ quan, ban, ngành của huyện; nhân dân thị trấn Đồng văn...phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ. Theo sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy, các lực lượng đã phân chia khu vực cháy thành từng khu vực nhỏ để tiếp cận dập lửa. Khu vực cháy tại thôn Nhèo Lủng là rừng Guột trong mùa hanh khô, khi bắt lửa cháy rất hung hãn, bốc cao đến trên 20 m. Các lực lượng dập lửa vừa dập lửa, vừa phát đường băng cản lửa, vừa đốt lửa ngược lại ở những nơi có thể. Với tinh thần khẩn trương, tích cực của tất cả mọi người tham gia chữa cháy (khoảng 250 người), đến 14 giờ 15 phút, ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn. Thiệt hại do ngọn lửa gây ra làm cháy 5,5 ha, trong đó có 0,5 ha rừng thông, có chức năng phòng hộ . Trong khi đang dập lửa ở Nhèo Lủng, Bí thư Huyện ủy thông báo với chúng tôi: Căng quá! Tại thời điểm này toàn huyện có 5 vụ cháy rừng ở Dì Thàng, xã Ma Lé; Há Chua Lả, xã Tả Lủng; Chúng Pả B, xã PhốCáo; Nhìa Lũng Phìn, xã Tả Phìn và điểm cao 1911 (khu vực Dì Thàng, xã Ma Lé). Tại điểm cao 1911, lửa tiếp tục bùng phát, cần tăng cường lực lượng vào trong đó vì đây có khu vực rừng già đầu nguồn, cần được bảo vệ kịp thời, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. (Trước đó, lúc 18 giờ, ngày 24.2, tại khu vực này xảy ra cháy rừng do cháy lan từ phía Trung Quốc sang, đã được lực lượng tại chỗ và lực lượng ứng cứu khác khống chế dập tắt).


Rời Nhèo Lủng, chúng tôi tiếp tục cơ động khẩn trương vào điểm cao 1911. Từ Nhèo Lủng vào đến chân điểm cao khoảng 30 km, trong đó có 11 km đường khó khăn, hiểm trở, mà hầu hết lực lượng ứng cứu cơ động vào bằng xe máy, nên khoảng 16 giờ mới vào đến nơi. Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Lê Văn Trân xác định tình thế và diễn biến hướng gió, ngọn lửa rồi chỉ đạo: Theo đường chim bay cắt thẳng lên trên 300 m, theo đường mòn là 1.500 m. Lực lượng ứng cứu cần chia theo cả 2 đường, phối hợp với lực lượng đến trước và lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp dập lửa. Chúng tôi theo lực lượng cắt thẳng lên đỉnh. Đạp lên những tàn lửa đỏ, khói bụi mù mịt với độ dốc liên tục 70 – 80 độ. Thấp thoáng trong khói, lửa, tàn than chúng tôi nhìn thấy màu áo của các đồng chí bộ đội, công an, dân quân, dáng áo của các dân tộc địa phương đang nỗ lực dập lửa. Tôi cũng kịp nhận ra mấy gương mặt người quen nhọ nhem tro bụi, nhễ nhại mồ hôi như đồng chí Nguyễn Xuân Hợp, Phó ban Quản lý Dự án 661; đồng chí Mai Anh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp – PTNT, kiêm Trưởng trạm Khuyến nông; anh Sắc ở Văn phòng Huyện ủy…đang hết sức chiến đấu với giặc lửa.


Lên được khoảng 150m, gặp đường mòn dẫn lên đỉnh 1911, chúng tôi gặp mì tôm, lương khô, nước uống do lực lượng hậu cần vận chuyển lên trước, mỗi người cầm lấy một phần cho mình, lúc đó là 16 giờ 45 phút. Nhìn lên đỉnh, đã không nhìn thấy ngọn lửa, chỉ còn lại những đám khói nhỏ. Tôi điện thoại cho đồng chí Hoàng Ngọc Linh, Chánh Văn phòng UBND huyện, đang dập lửa trên điểm cao, vì sóng điện thoại không ổn định, gọi nhiều lần, 15 phút sau mới liên lạc được, đồng chí Linh thông báo: Lực lượng đã khống chế được ngọn lửa nhưng rừng phía nước bạn vẫn đang cháy dữ dội, có nguy cơ tiếp tục lan sang. Theo đường mòn, chúng tôi lên đỉnh, ở đây, lửa đã được dập tắt, đường băng cản lửa đã được hình thành, lực lượng chữa cháy đang triển khai dập nốt những bãi than đỏ còn lại. Đến 15 giờ 30 phút, vụ cháy được dập tắt hoàn toàn. Khu vực rừng già đầu nguồn được giữ đảm bảo an toàn. Trên đường rút về ngang dốc, gặp lực lượng chữa cháy phía khác đến, dẫn đầu là đồng chí Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện, được biết: Toàn tuyến sau khi dập tắt lửa đã cử lực lượng kiểm lâm, cán bộ Ban quản lý Dự án 661, Trung đội dân quân xã Ma Lé, Lũng Táo rải dọc đường biên và những nơi xung yếu trực chữa cháy, đảm bảo trực chỉ huy, phương tiện cũng như hậu cần đầy đủ. Theo ước tính, rừng bị cháy ở đây khoảng 7,5 ha, chủ yếu là rừng tái sinh, đang được khoanh nuôi bảo vệ.


Ngày 26.2, tại thôn Mã Tìa, thị trấn Đồng Văn, lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện lại tiếp tục gồng mình trong khói lửa để ứng cứu rừng thông mới trồng trước ngọn lửa hung hãn. Với những nỗ lực, khả năng sẵn có của cán bộ, nhân dân xóm Mã Tìa, toàn thể cán bộ, dân quân, công an thị trấn Đồng Văn, lực lượng tăng cường của huyện vẫn không cứu được 14 ha rừng thông 1 năm tuổi đang vươn ngọn non tơ sau tết Canh Dần.


Ngày 27.2, mọi người rũ hết mệt mỏi, quần áo tươm tất đến chia vui với cán bộ Y tế trong huyện nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tưởng rằng có một ngày bình yên, vậy mà bát cơm chưa ăn, chén rượu chưa mời, tất cả đã lại lao vào chữa cháy ở thôn Nhìa Lũng Phìn, xã Tả Phìn.(Vô cùng xin lỗi các anh, các chị trong ngành Y tế huyện Đồng Văn vì không kịp đưa tin, chung vui với các anh, các chị trong buổi tọa đàm kỷ niệm 55 Ngày thầy thuốc Việt Nam).Trên chiếc xe lăng-cui-dơ được trưng tập chở 13 sỹ quan, chiến sỹ của BCH Quân sự huyện, sau 20 phút, chúng tôi có mặt tại UBND xã Tả Phìn, từ đó vận động bộ khoảng 3 km nữa mới đến được khu vực cháy phối hợp với lực lượng tại chỗ khẩn trương dập lửa. Khoảng 18 giờ ngày 27.2, ánh trăng mười bốn soi tỏ khuôn mặt nhem nhuốc của Phạm Phi Hùng và Vừ Mí Và, 2 cán bộ của Ban quản lý Dự án 661cùng với mờ tỏ dáng người, khuôn mặt của 16 giáo viên trường Tả Phìn trong giờ giải lao. Mọi người vừa ăn mì tôm sống, vừa trao đổi các phương án dập lửa, tôi nghe loáng thoáng một câu tự hỏi “Tối mai mình ăn rằm ở đâu nếu cứ cháy như thế này?”. Chưa hết mệt, đoàn người lại tiếp tục leo đá tìm đến những nơi đang cháy. Tại Nhìa Lũng Phìn, địa hình hiểm trở vì đây là rừng núi đá vôi, lá khô, rễ mục thường rơi bám vào các hang hốc, khe đá nên gây khó khăn rất nhiều trong công tác dập lửa. Thêm nữa nhiệt độ cao, đá nổ lăn trên cao xuống gây nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy. Với tất cả mọi nỗ lực vụ cháy đã được khống chế vào lúc 20 giờ 15 phút.


Ngoài các khu vực trọng điểm trên, Đồng Văn còn có các khu vực khác thuộc địa bàn xã Phố Cáo, Tả Lủng, Phó Bảng, Lũng Cú, Lũng Thầu…tất cả các điểm cháy đều huy động tổng lực lực lượng chữa cháy kịp thời, giảm được thiệt hại ở mức thấp nhất.


Triển khai phương châm “4 tại chỗ”.

Đã hơn 7 tháng nay, toàn huyện Đồng Văn trong tình trạng hanh khô, hạn hán, thiếu nước trầm trọng. Nguy cơ cháy rừng ở mức báo động đỏ. Trước tình hình đó, huyện đã tổ chức nhiều đợt diễn tập PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” ở các xã, các khu vực trọng điểm. Trong đợt cháy rừng cao điểm từ 10.2 đến 3.3, việc triển khai phương châm “4 tại chỗ” khá nhịp nhàng (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Khi phát hiện cháy rừng, trưởng thôn chỉ đạo lực lượng trong thôn sử dụng phương tiện tại chỗ để dập lửa, đồng thời báo cáo ngay cho UBND xã về diễn biến cháy và tình hình nhân lực, phương tiện tại chỗ. Xã tiếp tục huy động lực lượng đến chi viện cả về con người, phương tiện và hậu cần. Cùng lúc đó báo cáo với huyện về mọi tình hình tại khu vực xảy ra cháy. Chính vì vậy, các vụ cháy ở huyện Đồng Văn luôn có mặt kịp thời của các lực lượng từ thôn đến huyện. Theo thống kê, lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại Đồng Văn từ 10.2 đến 3.3 có trên 1.000 người.


Tại các điểm chúng tôi có mặt chữa cháy như ở Nhèo Lủng, Điểm cao 1911, Nhìa Lũng Phìn…, được chứng kiến những người dân địa phương huy động những giọt nước hiếm hoi quý báu trong nhà, ngoài hố lên đỉnh núi dập lửa. Có người đựng nước trong can, có người đựng trong chai la-vi, người ít, người nhiều đều tự nguyện chia sẻ để cứu rừng. Huyện ủy, UBND huyện đã huy động phương tiện cơ giới: Từ xe chở rác của công ty Dịch vụ môi trường, xe y tế của Bệnh viện, xe ô tô tư nhân và hàng trăm chiếc xe máy vừa chuyển người, phương tiện, hậu cần kịp thời ứng cứu cho khu vực rừng cháy. Bộ phận hậu cần đã vác mì tôm, lương khô, nước uống lên từng điểm tập kết, ai đi qua cũng có thể sử dụng. Nhiều người đã ghìm cơn khát lại, chỉ uống 1/3 chai la-vi, còn lại để tưới dập những ngọn lửa đang leo lét, rình rập bùng lên.


Đến thời điểm bài báo được phát hành, tại Đồng Văn chưa có thêm vụ cháy rừng nào, tuy nhiên nguy cơ cháy rừng rất lớn. UBND huyện đã có Công điện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành; các xã, thị trấn; các thôn, bản tiếp tục cảnh giác, tuần tra, phát hiện và ứng cứu kịp thời.


An Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVC,LĐ
HGĐT- Hưởng ứng chương trình phát động thi đua của UBND tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong năm 2009, trong năm qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức phát động thi đua đến các cấp Công đoàn và CNVCLĐ trong toàn tỉnh về thực hiện các phong trào “Thi đua lao động giỏi”; “Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
26/02/2010
Những kết quả bước đầu trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn
HGĐT- Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã thực sự có ý nghĩa quan trọng và trở thành một hoạt động xuyên suốt trong toàn bộ các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách lâu dài nhằm đạt được những mục tiêu đã định.
24/02/2010
Cháy lớn gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng
HGĐT - Lúc 17h30 phút, ngày 17/2 ( tức mùng 4 Tết), tại địa phận thôn Pác Mìa, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê đã xảy ra vụ hoả hoạn đặc biệt nghiêm trọng, thiêu rụi và làm cháy 55 nhà dân (trên tổng số 131 nhà), trong đó có 44 nhà bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, 11 nhà người dân tự dập, làm hàng rào ngăn lửa, may mắn không có thiệt hại về người.
24/02/2010
Đồng Văn nỗ lực trong công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm
HGĐT- Để giải quyết những vấn đề trong công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm (GN&GQVL) trên địa bàn huyện, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích lồng ghép với nghị quyết của tỉnh và Nghị quyết 30a/CP.
24/02/2010