Hà Giang

Sức trẻ trên Tây Côn Lĩnh

10:25, 11/01/2010

HGĐT - Đi theo hòa khí của sức trẻ vượt lên hai huyện miền Tây của tỉnh để được nghe, được xem và thực sự “mục sở thị” việc làm của thanh niên các dân tộc trên vùng đất dốc. Một vùng đất đã bao nhiêu năm trăn trở, tìm hướng đi cho một nền kinh tế mới, thoát ra khỏi cái “tự sản- tự tiêu”, có sản phẩm “thương mại” đa dạng hoá thu nhập mà hoà vào thị trường chung.


Mùa xuân này đã là mùa xuân thứ 24, cả đất nước bước vào nền kinh tế mới, đó cũng là 24 mùa xuân khát khao vươn tới để thành công. Nếu cứ tính theo “công thức” đời người, thì những người ở cái tuổi “đôi mươi” trong ngày đầu thực hiện đổi mới nền kinh tế đất nước ấy, đến nay họ đã suýt soát 50 tuổi và con họ, cháu họ đang thành công một cách vững chắc ở những mùa xuân đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.


Anh Triệu Phụ Chiêm, Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì kéo tôi xuống thôn Tân Phong, một thôn mà có 100% đoàn viên, thanh niên là dân tộc Dao. Nhưng cũng thật kỳ lạ, hiện tại cả thôn chỉ còn có 6% gia đình đoàn viên, thanh niên ở diện nghèo và đặc biệt những gia đình đoàn viên, thanh niên đã tách hộ thì không còn hộ nghèo đói. Gia đình nào cũng có mô hình kinh tế kết hợp, đa thu nhập, gia đình nào cũng gắn việc sản xuất, canh tác nông nghiệp trên nương ruộng với kinh tế rừng lâu dài. Thế mạnh của Hồ Thầu ở cây chè San tuyết và cây thảo quả đã được đoàn viên, thanh niên ở đây phát huy một cách triệt để. Làm việc với chị Lan, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoàng Su Phì, chị cho biết: “Gần như một trăm phần trăm thanh niên đều dựa vào nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng mô hình kinh tế. Đặc biệt thanh niên ở Hồ Thầu nói riêng và toàn huyện nói chung đã làm tốt công tác “tín chấp”, vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả cao. Như mô hình mua trâu, bò, trồng rừng, trồng chè, trồng thảo quả, đào ao thả cá...”.


Leo hơn 10 cây số đường rừng, quần áo ướt hết để tôi lên tới đỉnh trời thôn Chiến Thắng, nhìn sang bên kia chân núi Chiêu Lầu Thi là huyện Xín Mần mênh mông để được nghe anh chị Hương - Thảo nói về cái cách “bỏ phố- lên núi” trồng thảo quả, thành lập mô hình kinh tế rừng tại nơi mù sương, mù mây này. Nơi mà giơ tay với vào mây, vào trăng sao dễ hơn là xuống chợ mua muối, mua dầu đèn. Cái cơ ngơi “rừng” gần bốn năm qua anh chị đã có trên 30ha thảo quả và đã có gần 10ha bắt đầu cho thu nhập. Câu các cụ đúc rút thật không sai “giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến”, chẳng phải riêng tôi trèo rừng, lội suối đâu, mà có hàng chục người, hàng trăm thanh niên lên đây để học anh chị làm kinh tế rừng, xây dựng mô hình kinh tế trang trại đa thu nhập...


Khi làm việc với Huyện đoàn, anh Triệu Tiến Quang, Phó bí thư bảo tôi: “Nhà báo cứ xuống các xã, xuống các thôn, vào các hộ gia đình thanh niên để biết rõ về sự vươn lên của họ và cũng hiểu thêm những khó khăn của vùng đất, vùng người nơi đây. Khi lên thăm mô hình kinh tế của anh Lý Văn Hoà, người dân tộc Dao ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tôi thật sự ngỡ ngàng trước một vùng quê đầy khó khăn vất vả, vậy mà anh chị đã có mức thu từ 100 đến 120 triệu đồng/ năm từ trồng chè, mở xưởng chế biến chè đặc sản San tuyết, tạo việc làm cho từ 15- 20 lao động. Đấy là chưa nói đến rừng cây Sa mộc mênh mông, một nguồn thu nhập lâu dài đã có độ tuổi từ 5-7 năm. Hay anh Phùng Thanh Quận, trồng gần 30ha thảo quả đang cho thu gần 150 triệu mỗi năm...


Chia tay một vùng quê, chuẩn bị đón một mùa xuân mới, tôi cứ khấm khởi vui, khấm khởi mừng, chỉ tính “mùa hè xanh” năm nay, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh này có hàng nghìn công trình do thanh niên tình nguyện, bàn tay tuổi trẻ chăm lo. Như hàng trăm nhà neo đơn được sửa chữa, trên 13.000 ngày công dành cho hộ nghèo, hơn hai chục nhà nội trú cho học sinh được làm mới, như ngôi nhà 5 gian ở xã Bản Phùng, Bản Máy, Pờ Ly Ngài, Tân Tiến... đã giúp hàng nghìn em học sinh vùng khó tới trường. Nhiều vườn rau, vườn cây thanh niên được các anh, các chị dành cho các em và theo đó là hàng trăm km đường bê tông, đường liên thôn và đường tuần tra biên giới.


Bắt tay tôi, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Việt Tuân, bảo: “Toàn huyện có gần 13.000 đoàn viên, sinh hoạt ở 43 cơ sở đoàn, môĩ năm tổ chức đoàn thu hút kết nạp khoảng gần 500 thanh niên vào đoàn và giới thiệu cho Đảng trên 200 đoàn viên ưu tú và số đó được đứng vào hàng ngũ của Đảng trên 98%...”. Một con số thật vui thay cho lời mùa xuân của tuổi trẻ trên đỉnh cao Tây Côn Lĩnh.

 


Nguyễn Quang

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sự an sinh xã hội
HGĐT- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là mộttrong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, đồng thời nó cũng có một vai trò to lớn góp phần an sinh xã hội. Chính vì vậy, bước sang năm 2009, BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động để bắt kịp với yêu cầu chung của cả nước và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, đa sắc tộc.
31/12/2009
Thôn Bản Đả (Na Khê) hết nghèo nhờ trồng dưa hấu
HGĐT- Đến thôn Bản Đả, xã Na Khê (Yên Minh) thời điểm này, ai cũng ngạc nhiên bởi trong tiết Đông giá rét, khô hạn mà ruộng nương nơi đây không còn một thửa đất bỏ trống. Ni lông phủ trắng ruộng, dưới đó là dưa hấu, dưa chuột, bí xanh đang lên mầm xanh tốt. Nhờ biết trồng cây vụ Đông - xuân nên người dân nơi đây đã hết cảnh đói nghèo, nhiều hộ khá giả.
31/12/2009
Gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam
HGĐT- Hội CCB tỉnh vừa có buổi gặp mặt 12 CCB bị nhiễm chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Tới dự có lãnh đạo Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện Làng Hữu nghị Việt Nam.
28/12/2009
Động lực cho nông dân thoát nghèo
HGĐT- Ông Phạm Quang Trung, Trưởng thôn Thái Hà , phường Ngọc Hà (TXHG) dẫn chúng tôi đến một số hộ gia đình trong thôn, như gia đình bà Đào Thị Vui, gia đình anh Nguyễn Bá Thảo, hay gia đình anh Nguyễn Duy Ninh… Đến đâu cũng thấy vườn rau xanh, vườn mía đang chờ thu hoạch; những chuồng lợn thịt, lợn nái với tiếng kêu ủn ỉn và tiếng gà nhảy ổ cục tác báo hiệu cho sự ấm no.
28/12/2009