Hà Giang

Dâng hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ

17:05, 24/07/2009

HGĐT- Những nén hương thơm được cắm lên trước Đài tưởng niệm ghi công những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì dân, vì nước. Tôi, những người Quản trang Nghĩa trang Vị Xuyên lặng đi trong giây lát. Nén hương thơm ngát lên cầu mong cho hương hồn các anh siêu thoát trong thế giới vĩnh hằng. Tổ quốc hôm nay, dân tộc hôm nay ngày một trường tồn, phát triển ghi mãi công doanh đóng góp của các anh, những anh hùng liệt sỹ đã vì dân, vì nước quên mình.


 

 Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện Bắc Mê.


Đội trưởng Quản trang, anh Hoàng Văn Hoạt, quê ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nhập ngũ năm 1986, sau gần 8 năm gắn quân ngũ ra quân với quân hàm cấp úy, lên Hà Giang làm ăn và trở thành người Quản trang ở Nghĩa trang Vị Xuyên năm 2001. Ngoài 38 tuổi, trông anh tôi tưởng đã sắp ngũ tuần. Tâm sự, anh bảo số anh nó vất vả, gieo neo nữa. Vợ anh làm ở dịch vụ môi trường huyện Vị Xuyên, lương 1,3 triệu đồng/tháng. Lương của anh gần 1 triệu, hai vợ chồng, 2 đứa con, đứa lớn 10 tuổi đang ăn học nhẩm tính cả gia đình 4 người sống giữa thị trấn nhỏ tổng thu 2,3 triệu đồng chia cho 4 người trong lúc giá cả mọi thứ leo thang, quả thật rất đang để chia sẻ. Nói về công việc của 3 anh em trong tổ cùng vào làm từ năm 2001 đến nay: Trực 24/24 giờ mỗi ngày để chăm lo cho 1.696 phần mộ của các liệt sỹ. Nghĩa trang tọa lạc trên lưng đồi nhìn ra Quốc lộ 2 có diện tích trên 2 ha. Mỗi ngày, 3 người vừa quét dọn, làm cỏ, tưới cây, kiểm tra bia mộ chỗ nào mờ, chỗ nào khuyết để có cách làm lại, hoặc tô lại cho rõ nét, mong cho tên tuổi các anh sáng tỏ theo thời gian, tỏ rõ giữa người ở, người đến, người đi, người còn lại... Trong không gian yên tĩnh của chiều tháng 7, nắng sế chiều, xiên bóng soi rõ các phần mộ sạch sẽ, nghiêm trang. Trong lao xao bóng chiều, những người mẹ, người vợ, hay anh, em, ông bà, cha mẹ có nhớ họ, các anh còn chưa về? Tôi chết lặng, hiện còn 274 phần mộ vẫn chưa có tên. Tự hỏi: Tên các anh là gì? Quê quán, gia cảnh ở đâu hiện có ai, có ai biết, ai nhớ không? Hỏi là thế, anh, em, tên gì ư, nhưng có điều cả đất nước, con người Việt Nam này đều từng ngày, từng giờ, nhớ tới và ghi công các anh. Chiến công vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chiến công của các anh đã trở thành bất tử, vĩnh hằng, và trường tồn mãi mãi với dân tộc. Và kia nữa, những liệt sỹ ghi danh trên bảng vàng lại chỉ “có tên” nhưng “thiếu” phần quê quán, xã xóm nơi đã sinh ra các anh? Liệt sỹ Mai Văn Hịch, Vũ Văn Thiết; những chiến sỹ Đặc công II; Đặc công III v.v... Chao ôi! Một chút ớn lạnh thoảng qua khi hình dung về chiến tranh khốc liệt là máu, nước mắt, là sự chia ly, ly biệt. Biết là “thoáng qua trong suy nghĩ...” và ai đó, cả thế giới loài người trên trái đất này đều biết... “Chiến tranh - đâu phải... trò đùa”? Các anh, những liệt sỹ vô danh, hoặc có tên, chưa có địa chỉ để gửi gắm, nhắn tìm, thì hãy tin rằng, mọi người không chỉ trong gia đình, gia tộc, mà cả làng xóm, họ hàng thân thích vẫn ngày ngày nhớ về các anh, những người đã ra đi vì nghĩa cả. Tất cả họ đều rất tự hào về những người lính, người con, những đồng đội vẫn tự hào về đồng đội họ đã trọn vẹn nghĩa tình để cho đất nước Vạn Xuân xanh.

Trở lại với những người Quản trang, anh Bế Văn Sơn, quê ở đất tiền khởi nghĩa Kim Ngọc (Bắc Quang) vào làm quản trang từ 2001. Vợ anh là cô giáo vùng cao dạy học ở xã Thèn Phàng (Xín Mần). Biết vợ chồng, con anh “một nồi, chia 2” nơi đã đành. Nhưng tuổi xuân xanh hạnh phúc cận kề cũng phải san sẻ. Thu nhập của Sơn và bạn cùng làm Nguyễn Sĩ Nguyện chỉ vẻn vẹn 950.000đ/tháng, nhưng sống tằn tiện coi cũng qua ngày. ấy vậy mà 24/24 giờ cả 3 anh em “sống cùng” những đồng đội, những anh hùng đã “vì dân - vì nước”. Một vòng đi quanh nghĩa trang để thấy không gian ở đây tĩnh lặng, trang nghiêm. Anh Hoạt cho biết thêm: Bạn anh còn ở lại nghĩa trang này 8 người nữa, tất cả đều mới vào tuổi biết yêu sau ngày nhập ngũ năm 1985. Tôi hiểu, với anh ở đây còn là đồng đội, cùng quê hương. Chiều tà, bóng đổ về Tây chỉ có gió reo, tiếng lá khô rơi sào sạc phía bên đồi, tiếng mõ trâu theo trẻ về chuồng lốc cốc. Trên cành cao chim tìm về chốn ngủ... Biết là dưới nghĩa trang này, những dòng máu đỏ của những người chiến sỹ nằm nghỉ trong lòng đất mẹ đã làm bừng lên cuộc sống ngày một đổi mới hôm nay. Đứng trước anh linh những người lính xin lấy nét bút này để tỏ lòng tri ân của cuộc sống hôm nay, dâng hương thơm tới các anh những người đã góp cả đời mình làm nên cuộc sống này.


Nguyễn Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cậu út vươn dậy từ tận cùng nỗi đau
Chưa đầy nửa năm, Nguyễn Quang Điền An, Lớp 12A Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) hai lần chứng kiến cảnh ba mẹ lần lượt ra đi. Không gục ngã trước mất mát quá lớn trong đời, Điền An gắng đến trường nuôi ước mơ làm thầy giáo.
21/07/2009
Giải quyết tồn đọng về đầu tư XDCB chậm là do Công ty Sông Lô thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật (Tiếp theo kỳ trước)
HGĐT- Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: Đa số các dự án do Công ty Sông Lô thi công đều thực hiện trước năm 2005, không thực hiện theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các bước Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, ký kết hợp đồng, nghiệm thu khối lượng…
20/07/2009
Nhà Thiếu nhi tỉnh - nơi sinh hoạt, học tập bổ ích cho các em trong dịp hè
HGĐT- Mỗi khi hè về, việc tìm một chỗ để gửi gắm con em mình trong thời gian các em được nghỉ học, để chúng có thể vừa được chơi, vừa được học và phát triển năng khiếu của mình là điều mà bậc phụ huynh nào cũng quan tâm.
17/07/2009
Giải quyết tồn đọng về đầu tư XDCB chậm là do Công ty Sông Lô thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật
HGĐT- Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: Đa số các dự án do Công ty Sông Lô thi công đều thực hiện trước năm 2005, không thực hiện theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các bước Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, ký kết hợp đồng, nghiệm thu khối lượng…
16/07/2009