Nước về bản Mông

15:43, 13/03/2009

HGĐT- Tự bao đời, người dân các huyệntrên cao nguyên đá phía Bắc hằng năm đều phải chịu cảnh “Mùa khát nước”. Từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 4 năm sau, người dân phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng và đi hàng cây số để gùi nước.


 
 Nguồn nước hồ treo về với người dân xóm Há Pống Cáy (Sủng Trà). Ảnh: Phùng Nguyên

Để giải quyết nạn “khát nước” cho người dân, các cấp, các ngành ở Trung ương, các nhà khoa học đã dày công “truy tìm” nguồn nước. Chương trình hỗ trợ của tỉnh giúp xây bể nước cũng đã tích cực giúp cho người dân vơi đi vất vả, nhưng cũng chỉ giúp được phần nào nước dùng trong mùa khô. Vì thế, cao nguyên đá vẫn “khát” như một sự thách đố với các cấp, các ngành và các nhà khoa học…


Trong khó khăn, ý tưởng xây hồ treo trên cao nguyên đá với sự kiện hồ treo Xà Phìn (Đồng Văn), Tả Lủng (Mèo Vạc) được xây dựng thử nghiệm và đưa vào sử dụng hiệu quả như một lời giải cho bài toán khó về nước. Các hồ treo đã giúp cho người dân ở xung quanh khu vực hồ vượt qua được những “mùa khát”. Trên cơ sở đó, trong chuyến thăm Hà Giang vào dịp đầu xuân năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát thực tế, đồng thời ghi nhận những thành công và hiệu quả mà các hồ treo thử nghiệm ở 2 xã Xà Phìn, Tả Lủng. Từ đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xây dựng 30 hồ treo chứa nước trên cao nguyên đá với tổng kinh phí đầu tư là 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.


Với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng đã tích cực triển khai xây dựng các công trình hồ treo trên nhiều địa bàn. Qua đó, đến nay đã có 6 hồ treo được khánh thành và đưa vào sử dụng là: hồ Há Pống Cáy,Sủng Nhỉ, Khâu Vai (Mèo Vạc); hồ Lùng Phủa, Ha Bua Đa, Cờ Lắng (Đồng Văn). Theo Ban quản lí Dự án hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc cho biết, dự kiến trước mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành xây dựng 4 hồ nữa và khi có mưa xuống sẽ kiểm tra được khả năng chứa nước của các hồ. Với ý nghĩa “giải khát” cho cao nguyên đá, các hồ treo được đầu tư, thiết kế và phân bổ khá đồng đều ở những địa bàn thiếu nước nên sẽ góp phần giúp cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nước.


Tại huyện Mèo Vạc, nơi có thể coi là địa bàn gặp khó khăn nhất trong số các huyện của cao nguyên đá về nước sinh hoạt trong mùa khô. Vì thế nên sự quan tâm, đầu tư hồ treo trên địa bàn đã được thể hiện rõ. Đến nay, đã có 4 hồ treo trên địa bàn huyện được hoàn thành, 3 công trình hồ treo khác cũng đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2009. Anh Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Mèo Vạc cho biết: Các hồ treo đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả cao trong mùa khô này. Vì thế, tình trạng thiếu nước trầm trọng trên địa bàn huyện đã không còn xảy ra như các năm trước.


Từ thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi về xã Sủng Trà, một xã với đa phần là đồng bào Mông. Xã được đầu tư xây dựng một hồ treo ở xóm Há Pống Cáy. Hồ treo này được khởi công từ tháng 3 và hoàn thành vào tháng 9.2008. Với dung tích 7.797m3, đến nay, hồ đã được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả. Để hiểu hơn về niềm vui cũng như thấy được những tiện lợi của hồ treo này, chúng tôi đã lưu lại ở đây một đêm để nghe những tâm sự của cả người già và người trẻ về nguồn nước mới này. Anh Sùng Mí Phứ, Trưởng xóm và ông Vàng Chá Hơu, Bí thư Chi bộ xóm tâm sự với chúng tôi: Trước đây vào mỗi mùa khô, người dân Há Pống Cáy cũng như xã Sủng Trà rất thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống vất vả lắm. Được Nhà nước đầu tư xây bể chứa nước nhưng cũng chỉ đủ dùng phần nào, khi hết nước, người dân lại phải đi rất xa để tìm nước. Đến khi có hồ treo Tả Lủng cách xã khoảng 4km thì người dân cũng đỡ vất hơn, nhưng người già, người trẻ vẫn phải địu can đi bộ cả mấy tiếng đồng hồ để lấy nước. Nhờ có hồ treo Há Pống Cáy nên năm nay là năm đầu tiên trong “mùa khát”, người dân của 4 xóm của xã Sủng Trà là: Xóm Sủng Trà, Há Pống Cáy, Há Chế, Sủng Pờ A gồm có 322 hộ với 1.623 khẩu không chỉ có đủ nước ăn mà còn có cả nước để tắm và giặt, một điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có. Tiếp chúng tôi, cô Phan Thị Sinh, Hiệu phó trường cấp II Sủng Trà vui vẻ tâm sự, mọi năm khi thiếu nước, số tiền bỏ ra để mua nước sinh hoạt cho các em học sinh nội trú dân nuôi cũng phải mất từ 1,5 – 1,7 triệu đồng. Nhưng năm nay, với 160 học sinh nội trú ở đây, nhà trường không còn phải lo đến chuyện nước sinh hoạt cho các em nữa. Nước được bơm từ hồ về đủ để phục vụ cho nhu cầu của cả thầy và trò, vì thế mà cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Cụ ông Và Thả Và, 85 tuổi, một trong những người Mông già nhất ở xã Sủng Trà tâm sự: Ngày xưa vào lúc hạn hán, phải vất vả đi rất xa để hứng từng giọt nước ở các khe chảy ra. Nhưng nay được Nhà nước đầu tư xây cho hồ treo, dân trong xã không phải đi xa nên vui lắm. Anh Hầu Mí Sinh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết, để quản lý, sử dụng có hiệu quả hồ treo, tới đây xã sẽ phân công người quản lí hồ, đảm bảo giữ gìn vệ sinh công trình quý giá này.


Trên đường rời Há Pống Cáy trở về Hà Giang, chúng tôi gặp 3 bố con nhà Ly Chúa Lềnh địu can đi lấy nước ở hồ treo trở về trong nét mặt tươi vui. Ly Chúa Lềnh nói: “Những năm trước, vào dịp này, gia đình mình cũng như mấy chục hộ khác còn phải đi bộ hơn 4km sang Tả Lủng để lấy nước, giờ cái nước đã về Há Pống Cáy, cuộc sống của người Mông nơi đây giờ sướng hơn rồi”.


Cái khát bao đời đang dần dần được hóa giải, người dân ở quanh hồ treo Há Pống Cáy cũng như nhiều nơi trên cao nguyên đá đã bớt đi vất vả. Trên các vạt nương đá trong mùa gieo hạt năm nay như trở nên rộn ràng hơn bởi tiếng cười nói của bà con dân tộc Mông, Dao, Lô Lô... Những hạt mưa phùn nhỏ của đợt gió mùa cuối cùng trong mùa khô năm nay như tiếp thêm sức sống cho cao nguyên đá. Một vài năm tới, khi các hồ treo đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tiếp thêm sức sống cho người dân ở huyện Mèo Vạc cũng như người dân trên cao nguyên đá có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết giai đoạn I chương trình “Mái ấm nơi biên giới, hải đảo”
HGĐT- Sáng 27.2, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng ( BĐBP) tỉnh, tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I, Chương trình “ Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.
27/02/2009
Tháng thanh niên: “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội”
HGĐT- Đó là chủ đề “Tháng thanh niên” năm 2009 của BTV Tỉnh đoàn Hà Giang.
13/03/2009
Vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đem lại hiệu quả thiết thực trong CNVC, LĐ
HGĐT- Thực hiện đề án ‘’Công đoàn vận động XĐGN nâng cao mức sống trong CNVC, LĐ giai đoạn 2006 – 2008”, Công đoàn tỉnh Hà Giang LĐLĐ đã phân bổ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm cho các cấp công đoàn. Bằng nguồn vốn này nhiều hộ CNVC-LĐ được vay vốn đã có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo thêm được việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình.
13/03/2009
Bàn giao nhà “Đại đoàn kết”
HGĐT- Ngày 10.3, Bộ CHBP tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho ông Lý Seo De, thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải (Vị Xuyên).
13/03/2009