Hà Giang

Đán Khao - thôn mới Tân Tiến

16:33, 11/03/2009

HGĐT- Gặp lại tôi, Trưởng bản Đán Khao hồ hởi: Bây giờ một phần của Đán Khao trước ngày di chuyển khỏi vùng nguy cơ sạt lở hồi tháng 8 năm ngoái, nay đã là “thôn mới” rồi. Làng, xã đặt tên cho cái “thôn mới” hôm nay thật hay và ý nghĩa nữa “thôn Tân Tiến”. ấy thế, nhưng cái tên mới lại luôn đi cùng tên cũ là làng Đán Khao mới.


 

Một góc làng Đán Khao mới (làng Tân Tiến) xã Bản Ngò (Xín Mần) mới di dân khỏi vùng nguy hiểm hồi tháng 8.2008 đến nay.


Nói như dốc cả tấm lòng của ông Trưởng thôn Ly Chỉn Chỉ, thì thôn Đán Khao nay mới cả về làng, cả về tên và cả về cách làm ăn sinh sống nữa là “mới từ tấm lòng - mới ra”. Đán Khao hay thôn Tân Tiến hôm nay là kết quả của hàng vạn tấm lòng chia sẻ đưa 31 hộ, trên 150 con người đang dở mếu, dở khóc bởi nguy cơ sạt lở mùa mưa năm trước.


Cả xã Bản Ngò (Xín Mần) có 8 thôn, thì Đán Khao là thôn nằm cạnh vách đá trắng (Đán Khao theo tiếng nói và nghĩa dịch ra). Qua hàng triệu năm hình thành, vách đá cứ nứt dần, mặt đất sát đó cứ lún dần sau mỗi mùa mưa. Cả thôn Đán Khao cũ có 63 hộ, 317 con người, thì 31 hộ, 150 người phải di chuyển gấp. Thôn còn yếu, đồng bào thì nghèo, muốn chuyển từ những năm trước đó rồi, nhưng lấy đâu ra tiền, của, công sức, mặt bằng... Nguy cơ đó, được Đảng thấy, cán bộ thấy, nhiều người thấy, thế là Đảng lo, chính quyền lo, đồng bào, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, cán bộ, học sinh nữa, tất cả đều lo, đều dốc lòng giúp đỡ người Đán Khao di chuyển.

Đón chúng tôi trước cửa ngôi nhà sàn 4 gian, mái lợp ngói xi măng, nền láng bóng, già lão Lý Chỉn May, 60 tuổi, đầu bạc, đôi mắt và đôi tay còn nhanh như con sóc rừng. Nhìn đã biết lão nông đang vui. Đưa chén rượu ngô, ủ men lá rừng, tự làm lấy lão May nói: ... Uống với bác chén rượu tết. Theo lệ thường vào ngày 1/2 (âm lịch) hàng năm, dân tộc Nùng chúng tôi làm lễ cúng rừng. Hôm nay là ngày Tết cúng rừng cả làng mới này đều ăn tết rừng. Tết rừng là lệ ngàn xưa để lại. Sau cúng rừng, người trong làng kiêng không chặt cây, lấy củi, đào đất 3 ngày liền. Tương truyền cúng rừng có mổ lợn, mổ gà, làm bánh dầy và có rượu. Già làng làm lễ trước cửa rừng già, hay còn gọi là rừng nguyên sinh (cấm) để báo cho thần linh, cho trời đất tấm lòng thành của con người rằng: Chính con người đã tôn trọng thần linh giữ rừng, không chặt cây, cuốc đất xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và cầu cho mưa thuận, gió hòa, con người đoàn kết chung sống làm ăn. Hôm nay, cả làng mới Đán Khao đều đi cúng rừng về nhà. Và 3 ngày liền, cả làng nghỉ ăn tết, cầu mùa. Thật vui, khi chén rượu nồng, lão Trưởng thôn Ly Chỉn Chỉ cho biết: Bây giờ làng Đán Khao hay làng Tân Tiến cũng là một cách gọi. Làng có 31 hộ đều được Nhà nước đầu tư hỗ trợ san ủi mặt bằng. Được hỗ trợ xi măng để láng nền dựng nhà chắc chắn, không sợ mối ăn cột. Nhà nhà mái ngói, hoặc tấm lợp Phi brô xi-măng. Khi di chuyển thì các lực lượng, đoàn thể giúp. Tới đây làng mới còn được xây dựng trụ sở thôn, nhà lớp học cho trẻ. Sang làng mới có nước sinh hoạt, có đường, có điện và cả mặt bằng rộng quy hoạch làm sân chơi thể thao. ở đây nhà nhà quây quần bên nhau, có đường đi dọc, ngang, các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi được làm theo quy hoạch để trở thành một làng “Tân tiến” thực sự, làm điểm “gương soi” cho các thôn khác, làng khác noi theo. Theo con số của Dự án 193 thuộc UBND huyện Xín Mần cho biết: Dự án di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở thôn Đán Khao sang thành thôn Tân Tiến được đầu tư 6 tỷ 983 triệu 947 ngàn đồng. Trong đó hỗ trợ trực tiếp cho các hộ di chuyển là 567 triệu đồng. Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng bao gồm: San ủi mặt bằng, cấp nước, kéo điện, làm đường bê tông, xây lớp học, làm trụ sở thôn... Quan sát không khí tươi vui nề nếp trong cách bố trí dân cư, nét ăn ở tại đây tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ về nơi ở cũ của mùa mưa trước đó. Ngày tôi vào Đán Khao không có đường đi xe. Ngồi trên xe máy đoạn đi, đoạn dắt. Cả dải đất rìa núi lún sụt sâu tới 1,5m, rộng có nơi gần 2m. Ngày đó 31 hộ phải chuyển, thì 13 hộ phải chuyển gấp. Nỗi lo bao trùm cả làng Đán Khao vào hồi tháng 7, tháng 8.2008. Nhắc chuyện cũ, Trưởng bản Chỉ xua tay, bây giờ làng mới tốt nhiều lắm rồi. Ăn tết xong, lúa xuân đã cấy, ngô đã trồng, đậu tương cũng gieo xong. Tết vừa qua, cả Đán Khao cũ, Đán Khao mới ăn tết vui, yên lành. Có 5 hộ nghèo được nhận tiền hỗ trợ, cả làng đều có tết. Phương thức của Đán Khao mới hôm nay là “làng mới - làm ăn ở làng cũ”, tức là “li hương - không li nông”. Cậu thanh niên Li Xuân Thành, năm nay 28 tuổi, có vợ, 2 con nói với tôi: Ra làng mới ở, sướng nhất là có đường, có trường, có nhà văn hóa thôn, mọi việc cả làng chung tay, góp sức cùng làm. Trẻ nhỏ có trường, tiện lợi học tập. Người già, phụ nữ sinh nở có trạm, tiện đường xe, dễ bề xoay sở. Còn Trưởng bản Ly Chỉn Chỉ thì tâm đắc điều mà xưa nay làm trưởng thôn vận động mỏi mồm, nhưng “sức chuyển” còn chậm đó là nét ăn ở mới hợp vệ sinh, làm cho làng bản sạch, đẹp. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Hà Xuân Bình cho biết: Chuyển một phần của làng Đán Khao cũ sang thành Tân Tiến hôm nay huyện xác định xây dựng thôn Đán Khao mới thành thôn “chuẩn”. Trong đó, chuẩn về quy hoạch phù hợp với địa thế đất dốc theo hình thức san lấp nền dựa trên đất dốc. Chuẩn về đời sống kinh tế, văn hóa. Lấy kinh tế để thúc đẩy văn hóa, gìn giữ bản sắc dân tộc, bản sắc cộng đồng và bảo vệ môi trường. Nhà nhà đều phải tuân thủ quy hoạch “xanh - sạch - đẹp”. Quan trọng nhất là làm chuyển biến nhận thức đồng bào dựa trên phương pháp hướng dẫn cách ăn, ở, làm ăn có khoa học, kỹ thuật để tạo ra kinh tế phát triển, lối sống lành mạnh. Huyện sẽ chỉ đạo chặt chẽ và bám sát các bước đi, nhằm tạo ra một “Đán Khao - làng mới, làng Tân Tiến” thực sự tân tiến và đổi mới toàn diện.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết giai đoạn I chương trình “Mái ấm nơi biên giới, hải đảo”
HGĐT- Sáng 27.2, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng ( BĐBP) tỉnh, tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I, Chương trình “ Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.
27/02/2009
Phạt nặng hành vi không mang giấy bảo hiểm ô tô, xe máy
Liên Bộ Tài chính - Công an vừa ban hành thông tư quy định mức phạt tiền 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phạt 500.000 đồng với người điều khiển xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
27/02/2009
Tháng thanh niên 2009: Giải ngân 350 tỉ đồng cho thanh niên vay vốn học nghề
Sáng 25.2 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức họp báo giới thiệu Tháng thanh niên 2009.
26/02/2009
Thêm 1 hồ chứa nước được đưa vào sử dụng
HGĐT- Hồ Khau Vai, xã Khau Vai (Mèo Vạc) là 1 trong 30 hồ chứa nước được đầu tư, xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Hồ Khau Vai có dung tích chứa trên 4 nghìn m3 nước, tổng vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng.
25/02/2009