Chuyện ở Đồn Biên phòng Lũng Cú

16:31, 11/03/2009

HGĐT- Chúng tôi đặt chân đến đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn) vào lúc hoàng hôn giăng đầy trên những đỉnh núi mờ xa. Đầu tháng 3, khuôn viên của đồn ngập tràn trong sắc hồng của hoa đào phai, giống đào gắn bó thuỷ chung với đất trời biên giới.



Trung tá quân y Trần Minh Tuấn khám bệnh, phát thuốc cho người dân thôn Séo Lủng. Ảnh: T.Thanh

Bữa cơm chiều được mang ra trong cái gió se lạnh, cơm nhà binh tuy đơn giản nhưng luôn ấm bởi những nụ cười và câu chuyện về đời lính. ở miền biên ải cực Bắc, chúng tôi gặp rất nhiều người đến từ các tỉnh miền xuôi, những nơi phố thị sầm uất nhưng họ lại gắn bó với mảnh đất, con người Hà Giang. Mỗi người lính, trước khi tụ về “mái nhà” Biên phòng Lũng Cú, họ có một miền quê riêng, một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng khoảng cách ấy nhanh chóng bị xoá nhoà. Điều đọng lại duy nhất là tình cảm thiêng liêng của người lính nơi đỉnh trời Tổ quốc với từng đường biên, mốc giới, cây cỏ và con người biên cương.

Tôi gặp Trung uý Nguyễn Hoàng Hà, Đội trưởng Đội vận động quần chúng khi anh xuống xóm Thèn Pả (Lũng Cú) tuyên truyền, vận động nhân dân. Nguyễn Hoàng Hà quê ở Ba Vì (Hà Nội), tốt nghiệp Học viện Biên phòng tháng 8.2008 anh được điều về công tác tại đồn Biên phòng Lũng Cú. Hà có dáng người dong dỏng cao, nước da trắng, nụ cười tươi và giọng nói rất truyền cảm. Sau khi đến từng nhà dân nắm tình hình, vận động mọi người triển khai kế hoạch sản xuất, cách ăn ở vệ sinh, chăm sóc con cái, tranh thủ giờ nghỉ trưa tại trạm Biên phòng Lũng Cú, Hà kể cho tôi nghe những ngày đầu đặt chân lên Đồng Văn. Cảm nhận đầu tiên của anh là sự choáng ngợp trước đá núi trập trùng. Hà nói: Ngày đầu xuống bản vận động nhân dân, có đôi chút bỡ ngỡ do chưa hiểu nhiều về phong tục, tập quán, ngôn ngữ. Xuống thôn, xóm, người dân thấy cán bộ Biên phòng đến nhà, ai cũng vui, gặp bữa chủ nhà mang mèn mén, rượu ra mời. Thức ăn của đồng bào ngon nhưng mình không biết cách ăn nên cứ nghẹn ở cổ, rượu mới uống đã đỏ mặt, tía tai, mắt hoa thế là cả ngày hôm đó cứ gật gù, không tuyên truyền, vận động được điều gì. Những ngày sau đó, mình dần làm quen với phong tục, học ngôn ngữ, tập quán canh tác của người dân. Có ai đó nói, người dân vùng cao nghèo do thụ động, trông đợi vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Điều đó chỉ đúng một phần, nhận thức của người dân giờ thay đổi nhiều, họ đã chủ động trong sản xuất, chăn nuôi. Nhưng do điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt, đá núi nhiều hơn đất sản xuất, thiếu nước triền miên thì sự chuyển biến không thể nhanh được. Công tác ở đồn được 8 tháng, đôi chân của Hà đã đến các thôn, bản của 2 xã biên giới thuộc địa bàn Đồn quản lý là Lũng Cú, Ma Lé. Với kiến thức được trang bị khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cùng kinh nghiệm của những cán bộ, chiến sỹ truyền lại, Hà nhanh chóng hoà đồng, được dân yêu, dân mến. Sự hoạt động tích cực của Đội vận động quần chúng đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương của Đảng, Nhà nước, cách làm hay đến người dân. Từ đó, người dân tích cực học tập, làm theo và cuộc sống đang từng bước chuyển mình. Người dân ở những xóm, bản giáp biên đã mua được ti vi, xe máy, con em được đến trường học cái chữ.

Trong chuyến thực tế xuống các thôn, bản của xã biên giới Lũng Cú, tôi được nghe người dân kể nhiều về Trung tá Trần Minh Tuấn, người phụ trách trạm Quân y Lũng Cú. Sinh ra ở miền Trung du, đến nay đã tròn 28 năm anh xa mảnh đất Phú Thọ. 9 năm đóng quân ở đồn Lũng Cú, anh không thể cộng được chiều dài quãng đường xuống bản, bao nhiêu lần đến nhà dân. Với nước da xạm đen vì nắng, gió, bụi đường, chiếc túi đựng thuốc đã bật mất khoá, hàng ngày anh luôn có mặt ở những thôn xa, bản gần khám, chữa bệnh, phát thuốc cho nhân dân. Anh nói: Do phong tục, tập quán và điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên người dân chưa có ý thức cao trong việc phòng, tránh bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Trước đây, ở những thôn, bản giáp biên, xa trung tâm xã, dịch bệnh thường xảy ra. Nguyên nhân chính do người dân chưa biết cách ăn, ở hợp vệ sinh, chưa chú ý đến công tác phòng bệnh. Khi được điều chuyển công tác về đồn Biên phòng Lũng Cú, anh lặn lội xuống từng thôn bản, vừa khám, chữa bệnh, phát thuốc, vừa tuyên truyền người dân cách phòng, tránh bệnh tật. Những ngày xuống từng thôn bản, từng gia đình rất gian nan, vất vả nhưng cũng rất vui. Bởi lẽ, công sức anh bỏ ra đã góp phần khống chế, không để xảy ra dịch bệnh lớn, khi ốm, đau người dân đã biết đến trạm báo cáo.

Cùng anh đến khám, phát thuốc tại xóm Séo Lủng (Lũng Cú), chúng tôi đã đọc được trong ánh mắt người dân sự biết ơn đối với thầy thuốc Quân y Trần Minh Tuấn. Bí thư Chi bộ xóm Séo Lủng Sùng Mí Mỉ cho biết: Séo Lủng là mảnh đất cuối cùng trên bản đồ Tổ quốc, đời sống người dân rất khó khăn, nhiều hủ tục vẫn còn. Cán bộ Tuấn thường xuyên đến khám, chữa bệnh, phát thuốc nên đã ngăn chặn được dịch bệnh, các chiến sỹ khác cũng xuống bản tuyên truyền, giúp nhân dân, phát động sản xuất, tuần tra bảo vệ mốc giới. Các chiến sỹ Biên phòng thực sự trở thành người nhà, là con em của nhân dân nơi đây. Mấy ngày ở đồn Biên phòng Lũng Cú, cùng những người lính xuống thôn, bản, chúng tôi đã cảm nhận được sự chân thành, giản dị của người chiến sỹ nơi biên cương cực Bắc. Các anh đã hy sinh cả thời trai trẻ, chấp nhận thiếu thốn trong cuộc sống, hạnh phúc gia đình để gắn bó với mảnh đất biên cương Hà Giang. Người lính Biên phòng, do điều kiện, tính chất công việc nên mỗi năm chỉ về gia đình được một, hai lần. Mọi việc nhà, từ nhỏ đến lớn đều phó mặc cho vợ, con. Trung tá Trần Minh Tuấn, đã 28 năm xa gia đình, vợ anh sau mỗi lần tan ca, lại tất tả trở về lo việc nhà cửa, thay chồng chăm con. Anh Tuấn tâm sự: Ngần ấy năm công tác ở vùng cao, sắp đến lúc về hưu, anh mong được đón vợ con lên thăm mảnh đất mình gắn bó cả thời thanh xuân, để được ngắm nhìn Cột cờ Lũng Cú, biểu tượng thiêng liêng nơi cực Bắc. Nhưng điều đơn giản đó cũng rất khó thực hiện, bởi vợ anh không đi được xe ô tô. Cũng như anh Tuấn, Đại uý Đỗ Xuân Hùng, Chính trị viên phó đồn Lũng Cú đã 20 năm xa vợ con, sống đời lính, làm bạn với biên cương, với gió ngàn. Vợ anh và 2 con đang sống ở Tam Dương (Vĩnh Phúc), hàng ngày chị tần tảo với 3 sào ruộng, thay chồng nuôi con ăn học. Thương vợ nhưng không biết làm gì hơn, chỉ biết động viên để vợ thông cảm, anh yên tâm hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Rời “ngôi nhà” của những người lính biên phòng nơi đỉnh đầu Tổ quốc, tôi cứ thao thức mãi: Mỗi người sinh ra đều đảm nhiệm một công việc khác nhau nhưng không việc nào vất vả, thiêng liêng như việc làm của những người lính Biên phòng. Sau một ngày tuần tra, đời lính lại vui tươi khi cất cao lời ca “…Em ơi có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mù toả ngát hương bay…”. Vâng, đời lính thật đơn giản, mộc mạc nhưng những việc làm của người chiến sỹ Biên phòng lại là cách học tập tấm gương của Bác rất sinh động, thiết thực, hiệu quả.
Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết giai đoạn I chương trình “Mái ấm nơi biên giới, hải đảo”
HGĐT- Sáng 27.2, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng ( BĐBP) tỉnh, tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I, Chương trình “ Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.
27/02/2009
Phạt nặng hành vi không mang giấy bảo hiểm ô tô, xe máy
Liên Bộ Tài chính - Công an vừa ban hành thông tư quy định mức phạt tiền 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phạt 500.000 đồng với người điều khiển xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
27/02/2009
Tháng thanh niên 2009: Giải ngân 350 tỉ đồng cho thanh niên vay vốn học nghề
Sáng 25.2 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức họp báo giới thiệu Tháng thanh niên 2009.
26/02/2009
6 huyện được hỗ trợ giảm nghèo
HGĐT- 6 huyện của tỉnh gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần có trên 50% hộ dân thuộc diện nghèo.
25/02/2009