Bắc Mê sung sức tuổi 25

16:22, 31/12/2008

HGĐT- 25 năm trước, vào ngày 1.1.1984 tại km 64, nơi gần Căng Bắc Mê lịch sử, diễn ra một sự kiện trọng đại đó là công bố Quyết định thành lập huyện Bắc Mê, được tách ra từ huyện Vị Xuyên. Hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê đã từng bước vượt qua những khó khăn thủa ban đầu, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.


Ngày mới thành lập, huyện gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1984 tổng sản lượng lương thực quy thóc mới chỉ đạt 7.525 tấn, bình quân lương thực 298 kg/người. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước khắc phục tình trạng thiếu lương thực, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp như đưa giống mới, năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ KHKT để thâm canh tăng vụ, xây dựng và củng cố hệ thống thuỷ lợi... đã từng bước nâng mức lương thực của huyện lên. Qua 25 năm, sản lượng lương thực của huyện đã tăng cao, đến năm 2008 đạt con số 21.980 tấn, nâng mức bình quân lương thực lên 500,7 kg/người. Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi cũng phát triển mạnh, đàn gia súc, gia cầm ngày một nhiều thêm, bước đầu giải quyết cơ bản được nhu cầu thực phẩm, sức cày, kéo phục vụ sản xuất và từng bước trở thành hàng hoá. Tổng đàn trâu, bò toàn huyện hiện nay lên tới 23.965 con; đàn lợn 25.320 con; đàn dê 19.193 con. Đặc biệt, Bắc Mê đang nổi lên là địa phương thực hiện khá tốt phát triển kinh tế rừng. Việc trồng rừng kinh tế được cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều phương thức như dân tự trồng rừng, doanh nghiệp và nhân dân liên kết trồng rừng rồi chia theo thoả thuận được áp dụng linh hoạt. Chỉ tính riêng năm 2008 trên địa bàn huyện đã trồng mới được 2.341 ha rừng, nâng độ che phủ từ 43% (năm 2003) lên 61,9 % (năm 2008).


Ngày trước nói đến Bắc Mê, nhiều người nghĩ tới vùng đất giao thông đi lại rất khó khăn, vậy mà sau 25 năm với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm, phát huy nội lực cao độ của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, mạng lưới giao thông đã được mở rộng, nhiều xã đường nhựa đã chạy qua, 13/13 xã và 100% thôn, bản có đường ô-tô hoặc đường giao thông nông thôn. Điện lưới Quốc gia đã về tới cả 13 xã, thúc đẩy KT-XH từng địa phương phát triển. Sau một thời gian dài “ngủ quên”, nguồn tài nguyên ở Bắc Mê đang được “đánh thức” với sự có mặt của những nhà máy trong lĩnh vực sản xuất giấy, khai thác quặng...đã giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động địa phương.


Kinh tế Bắc Mê đang dần khởi sắc, thương mại-dịch vụ phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, 100% số xã hiện nay đã có chợ, tạo điều kiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá, đặc biệt là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Tốc độ bình quân thu ngân sách trên địa bàn trong những năm qua liên tục đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, thu ngân sách đều vượt so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2003 thu ngân sách trên địa bàn đạt 3,1 tỷ đồng thì đến năm 2008 đạt 10,2 tỷ đồng. Công tác XĐGN giải quyết việc làm được Đảng bộ huyện quan tâm triển khai nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngày mới thành lập huyện, có tới 70% số hộ nghèo đói nhưng sau một thời gian dài nỗ lực XĐGN, đến nay không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 29,5% (theo tiêu chí mới); “xóa” xong 1.212 nhà tạm.


Lĩnh vực GD-ĐT thu được nhiều kết quả tích cực, thành quả nổi bật nhất là năm 1998 huyện đạt chuẩn Quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học; đến năm 2004 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về PCGDTHCS và hiện nay đang thực hiện phổ cập bậc Trung học.


Văn hoá-thể thao luôn được củng cố, đã ra mắt và công nhận 121 Làng văn hoá, công nhận 5.650 Gia đình văn hoá. Các phong trào VHVN-TDTT phát triển rộng khắp. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, đã ra mắt Làng Văn hoá du lịch thôn Bản Lạn, xã Yên Phú và thôn Bản Nghè xã Yên Cường. Bây giờ Bắc Mê đang là điểm đến lý tưởng của du khách đến khám phá, tìm hiểu văn hoá lịch sử, đi du thuyền khám phá lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang hoặc đến tìm hiểu văn hoá cộng đồng.


25 năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, Đảng bộ huyện ngày một lớn mạnh, đến nay toàn Đảng bộ có 58 tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó: Đảng bộ cơ sở 15, Chi bộ trực thuộc 43, Chi bộ cơ sở dưới Đảng uỷ 175. Trong nửa nhiệm kỳ qua đã thành lập mới 2 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ, 22 Chi bộ dưới cơ sở. Tổng số đảng viên 2.332 đồng chí.


Năm 1998 huyện lỵ Bắc Mê được chuyển từ km 64 xuống km 56. Đến địa điểm mới, phố huyện Bắc Mê bây giờ đã “thay da đổi thịt”, một Bắc Mê mới hiện đại với những ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang đã mọc lên; đường phố được trải nhựa phẳng rộng, một Bắc Mê mới đầy sức sống của tuổi thanh xuân- tuổi 25 đang trỗi dậy bên dòng Gâm xanh biếc, hứa hẹn những thành công mới trong tương lai.


Hoàng Phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn Dân chính tỉnh: Học tập Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) và Tổng kết công tác Đoàn, phong trào TTN năm 2008
HGĐT- Ngày 26.12.2008, Đoàn Dân chính tỉnh tổ chức học tập Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) của Đảng và tổng kết công tác Đoàn, phong trào TTN năm 2008.
29/12/2008
Diễn đàn “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”
HGĐT- Tối 25.12, tại Hội trường Thị ủy, Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo: Tỉnh đoàn, Sở VHTT&DL; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Khuyến học tỉnh cùng đông đảo học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn thị xã…
29/12/2008
Tổng kết chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Lao động - Báo Hà Giang và Đài PT- TH tỉnh
HGĐT- Chiều 25.12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp tuyên truyền năm 2008 giữa LĐLĐ tỉnh- Báo Hà Giang- Đài PT- TH tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của 3 cơ quan.
26/12/2008
Thanh Đức - mảnh đất vùng biên đang vươn lên thoát nghèo
HGĐT- Chúng tôi trở lại Thanh Đức, một xã biên giới của huyện Vị Xuyên, trong bộn bề công việc những ngày cuối năm. Trụ sở làm việc của xã, trạm Y tế…đã chuyển đến vị trí mới, khang trang hơn. Cũng quãng thời gian này của năm 2007, tôi đã vượt hơn chục km đường lởm chởm đá từ Thanh Thủy đến Thanh Đức.
24/12/2008