Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc miền núi phía Bắc:

Đến từng nơi, nghe từng lời

08:37, 15/10/2008

Khu vực miền núi phía Bắc với diện tích chiếm 1/3 cả nước nhưng thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất so với các vùng, mới chỉ đạt 6 triệu đồng, chưa bằng ½ mức bình quân cả nước.


Nền kinh tế và mọi mặt đời sống còn muôn vàn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tập hợp, thu hút thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc.

Khắc phục khó khăn ấy ra sao, thu hút tập hợp thanh niên thế nào… là những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị “Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc” do T.Ư Đoàn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức hôm 14/10 tại Sơn La.

Khó khăn bộn bề ai thấu?

Anh Võ Văn Thưởng tặng bằng khen cho 39 thanh niên dân tộc sống đẹp, làm kinh tế giỏi

Hội nghị dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng; Phó trưởng ban Thường trực Ban dân vận T.Ư Đinh Hữu Cường; Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Bùi Thanh Thu với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, 14 tỉnh miền núi phía Bắc và hàng trăm cán bộ Đoàn khu vực.

Nông Văn Luận tiếp nhận công việc của Bí thư Đoàn xã Dân Chủ (Hòa An, Cao Bằng) khi có nhiều thôn, bản “trắng” hoạt động Đoàn, nhiều chi đoàn thành lập ra nhưng không có ĐVTN tham gia, không có bất kỳ hoạt động nào được triển khai… khiến anh trăn trở rất nhiều.

Không khó để anh Luận tìm ra đáp án của câu hỏi: “Vì sao thanh niên không đến với Đoàn?”. Điều đó thôi thúc anh đến từng thôn bản gặp gỡ, trò chuyện với từng thanh niên.

Với phương châm: “Đến từng nơi, nghe từng lời”, anh đã nắm rõ hoàn cảnh, cuộc sống của thanh niên từng thôn: Không phải thanh niên không yêu Đoàn mà cuộc sống quá khó khăn trong khi tổ chức Đoàn chưa thực sự mang lại quyền lợi, giúp họ trong cuộc sống. Đó là tình cảnh chung của hầu hết Đoàn cơ sở miền núi.

Chính vì thế, anh Luận cũng như nhiều Bí thư Đoàn xã không quản đường xa, thậm chí có những nơi phải đi bộ mất 1 - 2 ngày đường để mang thông tin, hướng dẫn thanh niên trong công việc, trong sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các chi đoàn để họ học hỏi lẫn nhau, tổ chức các buổi tình nguyện ý nghĩa… dần dần lôi cuốn thanh niên dân tộc đến với Đoàn.

Tuy nhiên, điều mà hầu hết cơ sở Đoàn mong muốn được trang bị các công cụ và phương tiện giúp những nơi còn khó khăn có thể tổ chức sinh hoạt cho thanh niên như loa, đài, sách, báo… để nắm bắt thông tin cũng như hỗ trợ đắc lực trong phát triển kinh tế.

Lò Văn Duy - Bí thư Đoàn xã Mường Đăng (Mường Ẳng, Điện Biên) - có 7 năm là Phó bí thư Đoàn xã rồi trở thành Bí thư nên thấu hiểu những khó khăn của thanh niên xã: Trình độ văn hóa thấp, cách xa trung tâm văn hóa huyện, tỉnh; ít có điều kiện ra khỏi bản giao lưu, học hỏi nên việc tập hợp thanh niên vô cùng khó khăn.

Trước đây, xã có một bản “trắng” Đoàn, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Duy phân một giáo viên dạy ở bản vận động thanh niên tham gia và đã thành công khi lập được chi đoàn và sinh hoạt đều dặn.

Để dẫn dắt được thanh niên, anh thường xuyên dự các buổi tập huấn của huyện, Tỉnh Đoàn, nắm vững chủ trương mới để về phô biến cho đoàn viên, hướng dẫn họ thực hiện. Đồng thời xây dựng lực lượng nòng cốt là các chi đoàn có trình độ cao như chi đoàn nhà trường, trạm xá... dẫn dắt thanh niên.

Chung sức giúp thanh niên miền núi

Với kinh nghiệm 19 năm công tác Đoàn, ông Hứa Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - thẳng thắn: “Tổ chức Đoàn nói chung và Đoàn các tỉnh miền núi thường trong tình trạng “cái gì cũng thiếu, phương tiện hỗ trợ hoạt động không có cho nên cán bộ Đoàn có nhiệt tình đến đâu cũng khó tránh khỏi sự thiếu hụt khi tổ chức thu hút, tập hợp thanh niên.

Cũng như nhiều lãnh đạo cấp tỉnh, chúng tôi mong muốn việc ký kết hợp tác với các ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp… với Đoàn phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thực sự cho thanh niên”.

Ông Đinh Hữu Cường - Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư - đề nghị: “Phải nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh niên để đặt thanh niên vào vị trí trung tâm sự phát triển đất nước. Trong tập hợp thanh niên cần quan tâm đến lợi ích trước mắt và lâu dài của thanh niên cũng như của đất nước. Chính vì thế, vấn đề thanh niên không còn là chuyện riêng của tổ chức Đoàn mà là mối quan tâm của toàn xã hội”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng khẳng định, mặc dù số vốn đầu tư của T.Ư Đoàn chưa nhiều do nguồn lực có hạn nhưng khu vực Tây Bắc luôn là mối quan tâm hàng đầu và được sự trợ giúp nhiều nhất so với các khu vực khác trong cả nước.

T.Ư Đoàn cũng triển khai nhiều chương trình, dự án như làng thanh niên lập nghiệp, đề án thanh niên tham gia trồng cây cao su, phát hành sách báo của Đoàn… cho các tỉnh miền núi. Anh Võ Văn Thưởng đề nghị: “Các cấp bộ Đoàn khu vực muốn thu hút và tập hợp thanh niên phải có ý chí, quyết tâm cao với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với thanh niên ở từng thôn, bản.

Đồng thời phải kiên trì đeo bám công tác, tham mưu với các cấp ủy Đảng để công tác thanh niên không bị lãng quên, không bị các công việc hàng ngày chi phối, có như vậy công tác thu hút, tập hợp thanh niên mới liên tục và phát triển tốt”.

Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Võ Văn Thưởng thiết tha đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giao việc cho thanh niên nhằm phát huy cũng như qua đó đào tạo và bồi dưỡng thanh niên trưởng thành; kêu gọi thanh niên các dân tộc luôn đoàn kết bên nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, giúp nhau lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

Rực rỡ sắc màu đêm hội - sắc màu đoàn kết

Tối qua 14/10, chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu đêm hội - Sắc màu đoàn kết” đã diễn ra ấm áp, đầy sắc màu do T.Ư Đoàn, Đài THVN phối hợp tổ chức (SHB tài trợ). 5 thanh niên sống đẹp tiêu biểu được T.Ư Đoàn lựa chọn từ 39 thanh niên sống đẹp, làm kinh tế giỏi lên làm khách mời giao lưu trực tiếp.

39 gương thanh niên dân tộc sống đẹp, làm kinh tế giỏi đã được tặng hoa và quà lưu niệm, 27 cơ sở Đoàn có thành tích xuất sắc được Ban chỉ đạo Tây Bắc khen tặng bằng khen. Đặc biệt, 22 thanh niên tiêu biểu tham gia xây dựng công trình thủy điện Sơn La cũng được khen thưởng. 


Tiền phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Hành trình xanh"... lên sóng
Dự kiến, 19h50, 30/9/2008, chương trình truyền hình "Go Green - Hành trình xanh", tuyên truyền bảo vệ môi trường cho giới trẻ sẽ được phát trên kênh VTV1.
30/09/2008
Trao giải thưởng "Lãnh đạo trẻ tương lai"
Sáng 28-8, tại trụ sở Trung ương Đoàn, 67 cán bộ Đội ưu tú nhất trong toàn quốc đã được Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng tuyên dương và trao giải thưởng "Lãnh đạo trẻ tương lai" năm 2008.
29/08/2008
Thu hút những người giỏi đến với Đoàn
Sáng qua (20/8) tại Hà Nội, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với BCH Đoàn khối Doanh nghiệp (DN) T.Ư nhằm tháo gỡ những vướng mắc đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện Nghị quyết ĐH Đoàn và Điều lệ Đoàn.
27/08/2008
Ghi nhận ở đài Viễn thông Vị Xuyên
(HGĐT)- Đài Viễn thông Vị Xuyên có nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng và khai thác các dịch vụ viễn thông trên địa bàn là: Mạng di động Vinaphone; điện thoại cố định có dây; điện thoại cố định không dây Gphone; mạng Internet; viễn thông nông thôn. Hoạt động trong sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đơn vị có mặt trên địa bàn, Đài viễn thông huyện luôn cố gắng để hoàn thành
27/08/2008