Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm của Đoàn:

Cách nào để hiện đại và chuyên nghiệp hơn?

07:29, 15/08/2008

Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015 với mục tiêu là nâng tỷ lệ thanh niên được tiếp cận thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 50% vào năm 2010.


 
 Đại diện các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm qua mạng.
Những yêu cầu đó đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên do Đoàn Thanh niên quản lý.

Trong những năm qua, hàng vạn bạn trẻ đã được đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua hoạt động của 33 trung tâm (TT) dạy nghề và giới thiệu việc làm của Đoàn Thanh niên (TN).

Hàng ngàn bạn trẻ thuộc diện chính sách, khó khăn, vùng nông thôn, miền núi đã được đào tạo nghề miễn phí, được giúp đỡ để có việc làm ổn định mỗi năm.

Nhiều mô hình hoạt động mới, hoạt động xã hội, từ thiện giàu ý nghĩa khác được các TT triển khai tại nhiều địa phương. Tiêu biểu như TT giới thiệu việc làm TN Hà Nội, TT dạy nghề và dịch vụ việc làm TN T.Ư Đoàn, TT dạy nghề và dịch vụ việc làm TN khu vực sông Hồng...

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới, nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nhiều chuyên gia cho rằng, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm do Đoàn quản lý cần nỗ lực vượt lên khó khăn thử thách.

Anh Dương Văn Tịnh-Giám đốc TT giới thiệu việc làm TN Hà Nội, cho biết: TT đang ngày càng nỗ lực để nâng cao tính chuyên nghiệp đối với tất cả các bộ phận của TT. Tuy nhiên, từ góc độ thực tế, hoạt động của nhiều TT cho thấy đội ngũ nhân viên làm tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản.

Mặt khác, cơ chế quản lý các TT hiện nay theo anh Dương Văn Tịnh là đang rơi vào tình trạng “đầu Ngô mình Sở”, khập khiễng và đầy mâu thuẫn. Ví dụ như: Thông tư liên bộ Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH quy định không được thu phí tìm việc làm của người lao động, mọi khoản thu từ tìm việc do chủ sử dụng lao động chi trả.

Tuy nhiên, khoản phí nhận từ chủ sử dụng lao động lại giới hạn không quá 200.000 đồng/lao động là cứng nhắc và không phù hợp với việc cung cấp nhiều loại lao động khác nhau và khi chi phí đầu vào của các TT ngày một tăng cao. Thực tế khi cung cấp nhân sự, khoản thu này có thể được thỏa thuận tăng lên hoặc giảm đi.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2012, các TT đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng về cơ sở Đoàn như thôn bản, chi đoàn, địa bàn dân cư; phát động phong trào TN học nghề và chọn nghề nghiệp, phấn đấu trong 5 năm tư vấn, hướng nghiệp cho 1.250.000 lượt người; Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động địa phương và vùng phụ cận làm cơ sở lựa chọn để đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo; Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, liên kết với doanh nghiệp và nhà sử dụng lao động chặt chẽ, chú trọng TN vừa rời ghế nhà trường, TN xuất ngũ, TN nông thôn.

Chỉ tiêu phấn đấu 5 năm tới dạy nghề cho 270.000 TN; Giới thiệu và cung ứng 600.000 lao động trẻ...

Cũng theo anh Dương Văn Tịnh, đa số các TT của Đoàn hiện nay quy mô hoạt động còn quá nhỏ bé, từ 5-10 cán bộ/1 TT; năng lực quản lý, nghiệp vụ hạn chế chưa theo kịp với đòi hỏi của thị trường lao động. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh giữa các TT trong và ngoài hệ thống Đoàn ngày càng gay gắt hơn. Anh Bùi Phương Đông-Giám đốc TT dạy nghề và dịch vụ việc làm TN, phản ánh: Do triển khai nhiều hoạt động xã hội như dạy nghề, hỗ trợ thanh niên tìm việc làm miễn phí nên các khoản thu để dành cho đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa nhiều, phải sử dụng nhiều thiết bị, máy móc lạc hậu. Bản thân TT đã nhiều lần đề nghị thành lập trường đào tạo nghề nhưng không được chấp thuận.

Trong khi đó, yêu cầu đang đặt ra là phải tập trung đào tạo các nghề có trình độ công nghệ cao, thu hút nhiều giáo viên giỏi. Liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất, anh Tạ Ngọc Lượng-Giám đốc TT dạy nghề và dịch vụ việc làm TN sông Hồng, cho rằng việc đầu tư cho các TT của Đoàn hiện là quá ít và manh mún, với mức đầu tư từ 300-500 triệu đồng/năm/1 TT thì khó có thể mua được các thiết bị hiện đại...

Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế nêu trên, T.Ư Đoàn cho rằng, các TT cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp ở trong và ngoài địa phương xây dựng thị trường lao động; Cần quan tâm làm tốt công tác hướng dẫn TN lập dự án vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho chính mình và cộng đồng.


Tiền phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Nguyễn Tuấn Anh
(HGĐT)- Chiều 28.7, tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền đã trao Bằng khen của UBND tỉnh cho Nguyễn Tuấn Anh, trú tại thôn Vạt, xã Việt Lâm - người nuôi cá lồng trên sông Lô, có hành động nghĩa hiệp cứu 8 người thoát chết. Dự buổi trao Bằng khen có các đồng chí lãnh đạo huyện Vị Xuyên và xã Việt Lâm.
31/07/2008
Quang Bình ra mắt Trung tâm Dạy nghề
(HGĐT)- Sáng 28.7, UBND huyện Quang Bình tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Dạy nghề huyện.
30/07/2008
Chiến dịch tình nguyện hè năm 2008
(HGĐT)- * Phát huy tinh thần tình nguyện của TN, HS, SV, ngay từ những ngày đầu tháng 6, Thị đoàn Hà Giang đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thị xã thành lập ban chỉ đạo chiến dịch “Tình nguyện hè năm 2008”.
30/07/2008
Hiến máu nhân đạo
(HGĐT)- Sáng 28.7, Hội CTĐ tỉnh tổ chức buổi hiến máu nhân đạo lưu động tại huyện Quang Bình.
30/07/2008