“Cuộc chiến giữa thời bình” của những người lính B06

16:40, 25/08/2008

(HGĐT)- Những ngày cuối tháng 7, nắng vẫn chói chang, theo sự dẫn đường của Bí thư Đảng ủy xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên Đặng Viết Duật, vượt qua những khu rừng già đầy muỗi, vắt, những vùng đất vắng bóng người, chúng tôi đến đỉnh Nậm Lầu, nơi những người lính Đội vật cản đơn vị B06, Quân khu II, đang làm nhiệm vụ rà phá vật cản, giải phóng đất đai khu vực biên giới thôn Nậm Lầu, xã Xín Chải.


 

 Cán bộ, chiến sỹ đơn vị BO6 bảo dưỡng thiết bị rà mìn.


Lúc mặt trời đứng bóng, chúng tôi có mặt tại doanh trại dã chiến của đơn vị, chỉ có duy nhất một chiến sỹ anh nuôi đã hoàn tất cơm canh ngồi đợi các đồng đội từ “chiến trường” về. Chợt nghe lộc cộc tiếng dụng cụ lao động từ xa, chiến sỹ anh nuôi nói với chúng tôi, họ đang về rồi!. Trong cái nắng gắt của điểm cao, xuất hiện các chiến sỹ theo hàng ngũ chỉnh tề. Hai người lính khoác 2 ba lô rau rừng to phồng nói: Hôm nay qua suối bắt được 2 con “cá Chuối” to lắm, tôi ngạc nhiên vì trên điểm cao này làm gì có cá Chuối thì anh Duật nói, 2 nõn chuối rừng đấy, về làm rau mà. Thiếu tá Nguyễn Hồng Nam, phụ trách đơn vị nhễ nhại mồ hôi, mặt sạm nắng đến bắt tay tôi và nói thật bất ngờ, nhà báo đến được tận đây!.


Những câu chuyện về B06 bắt đầu được biết đến qua tâm sự của thiếu tá Nam và các chiến sĩ. Đơn vị nhận nhiệm vụ lên địa bàn biên giới xã Xín Chải để rà phá 22ha vật cản còn sót lại sau chiến tranh, tạo điều kiện phát triển KT-XH. Địa bàn rà phá rộng, rừng rậm, địa hình khó khăn…, để có thể tiếp cận, đưa người và dụng cụ vào khu vực rà phá, đơn vị phải bỏ nhiều ngày công để mở hàng trăm mét đường xương cá. Bí thư Đặng Viết Duật cho biết, khi đơn vị giải phóng xong các diện tích, sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư, mở rộng diện tích trồng thảo quả, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh biên giới.


Nhiệm vụ của các anh rất vất vả, thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường. Theo kế hoạch, hết tháng 12.2008, đơn vị phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, sau đó sẽ tiếp tục chuyển sang địa bàn khác. Thiếu tá Nguyễn Hồng Nam, cho biết: Toàn đơn vị quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo các diện tích an toàn cho người dân canh tác. Tuy nhiên, khu vực đơn vị thực hiện nhiệm vụ còn rất nhiều vật liệu nổ, trước đây đơn vị bạn đã từng có chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ. Vì thế, thời gian hoàn thành nhiệm vụ củađơn vịở đây cũng không thể nói trước được, có những nơi đơn vị xác định một vài tháng hoàn thành nhưng sau đó phải mất thêm nhiều tháng nữa mới xong, vì có những khó khăn phát sinh khó lường trước như thời tiết, địa hình, phải đảm bảo an toàn cho chiến sĩ…


Cuộc sống của những người lính nơi đây cũng vô cùng vất vả. Mặc dù được Bộ CHQS tỉnh, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, song vẫn không tránh khỏi những khó khăn. Giữa biên giới cao, dân cư thưa thớt, những người lính chỉ biết thực hiện nhiệm vụ, sau giờ lao động gian lao chỉ lấy chiếc đài nhỏ làm bạn. Đại úy Phạm Văn Son, Bí thư Chi bộ đơn vị tâm sự: Hầu hết anh em đã có vợ, con, có những người mới lập gia đình đã phải xa vợ để lên đây. Rồi anh đùa vui: Chấp nhận lấy chồng là lính như chúng tôi thì tính bình quân 12 năm chỉ được ở bên chồng chưa đầy 12 tháng là những ngày nghỉ phép... ở đơn vị có hai tân binh trẻ là Trần Văn Dũng và Trịnh Hữu Ngọc, quê tận Thanh Hóa, nhiều khi họ buồn muốn liên lạc với người yêu, thì ở giữa điểm cao này lại không có sóng di động, may còn có sóng…Đài tiếng nói Việt Nam. Mặc dù đơn vị được trang bị những thiết bị rò mìn hiện đại nhất, có chiếc trị giá hơn 200 triệu, nhưng các thiết bị ấy chỉ biết “nói chuyện” trên bãi mìn, vì thế, anh em vẫn mong muốn có một chiếc máy tính xách tay “rẻ rẻ”, để cơ động đem đi nhiều nơi, vừa để hỗ trợ công việc, vừa để giải trí, vì nơi đây không có ti vi, đầu đĩa, từ đó động viên anh em quên đi vất vả và nỗi nhớ nhà.


Tinh thần đã vậy, về vật chất, đôi khi có tiền ở nơi heo hút như thế này, cũng không thể mua được những thứ cần thiết. Bởi thế, thực phẩm quen thuộc của anh em là cá mắm, rau rừng và cả món “cá Chuối” rừng nữa. Nhiều khi anh em tranh thủ buổi tối men theo các bờ suối bắt ếch, cá suối để cải thiện. Đơn vị luôn giữ mối quan hệ gần gũi với dân, thường xuyên giúp dân làm đường, cầu cống, khám, chữa bệnh cho dân… nên dân cũng thương và thường xuyên giúp đỡ đơn vị về nơi ở, giúp những gùi rau rừng quý giá… Đội trưởng Hồng Nam cho biết: Vất vả với người lính là chuyện bình thường, anh em vẫn lạc quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Những nguy hiểm còn ở phía trước, sau hàng chục năm nằm trong đất, những quả mìn còn nguyên khả năng sát thương. Nguy hiểm hơn là nhiều nơi đất đá sạt lở, mìn bị đảo lộn khó phát hiện, vì thế, trong quá trình làm nhiệm vụ ở nhiều nơi, đã có những điều đáng tiếc xảy ra, 3 chiến sĩ bị “dính mìn”, không ai hy sinh, nhưng mất mát với các anh và đơn vị là vô cùng lớn. Đại úy Son tâm sự, bản thân mình là lính, đối mặt với nguy hiểm là chuyện bình thường, nhưng cái lo là vợ con ở nhà lúc nào cũng nơm nớp, chỉ mong chồng sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về lành lặn.


Vượt qua bao khó khăn, từ năm 2000 đến nay, Đội vật cản B06 chuyên thực hiện nhiệm vụ rà phá mìn, vật liệu nổ ở tất cả các huyện biên giới từ Mèo Vạcđến Hoàng Su Phì, giải phóng hàng ngàn ha đất an toàn, phục vụ phát triển KT-VH-XH, AN-QP và đặc biệt là phục vụ phân giới cắm mốc biên giới. Riêng ở Vị Xuyên, đơn vị đã giải phóng được khoảng 200ha. Ghi nhận những kết quả đạt được, Đơn vị B06 và nhiều chiến sĩ đã được tỉnh Hà Giang, Bộ Tư lệnh Quân khu II tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2005, 2006, đơn vị được công nhận là Đơn vị Quyết thắng… Một “Cuộc chiến giữa thời bình” - đó là điều tôi cảm nhận khi được chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của những người lính Đơn vị B06 trên đỉnh cao biên giới Xín Chải.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Nguyễn Tuấn Anh
(HGĐT)- Chiều 28.7, tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền đã trao Bằng khen của UBND tỉnh cho Nguyễn Tuấn Anh, trú tại thôn Vạt, xã Việt Lâm - người nuôi cá lồng trên sông Lô, có hành động nghĩa hiệp cứu 8 người thoát chết. Dự buổi trao Bằng khen có các đồng chí lãnh đạo huyện Vị Xuyên và xã Việt Lâm.
31/07/2008
Chiến dịch tình nguyện hè năm 2008
(HGĐT)- * Phát huy tinh thần tình nguyện của TN, HS, SV, ngay từ những ngày đầu tháng 6, Thị đoàn Hà Giang đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thị xã thành lập ban chỉ đạo chiến dịch “Tình nguyện hè năm 2008”.
30/07/2008
Hiến máu nhân đạo
(HGĐT)- Sáng 28.7, Hội CTĐ tỉnh tổ chức buổi hiến máu nhân đạo lưu động tại huyện Quang Bình.
30/07/2008
Quang Bình ra mắt Trung tâm Dạy nghề
(HGĐT)- Sáng 28.7, UBND huyện Quang Bình tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Dạy nghề huyện.
30/07/2008