Hà Giang

Tự hào sự nghiệp nâng cao dân trí ở Yên Minh

21:09, 13/12/2022

BHG - Xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, huyện Yên Minh tập trung nguồn lực củng cố, xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Vượt qua gian khó, huyện đạt nhiều thành quả to lớn trong công cuộc xóa mù chữ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Thài – cái nôi của mô hình trường bán trú dân nuôi.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Thài – cái nôi của mô hình trường bán trú dân nuôi.

Sau khi thành lập huyện năm 1962, Yên Minh đối mặt rất nhiều khó khăn về KT – XH, với xuất phát điểm kinh tế chậm phát triển, dân cư thưa thớt, phong tục lạc hậu ăn sâu trong đời sống của đồng bào các dân tộc; trình độ dân trí nhiều hạn chế, có đến 77,8% người từ 12 – 40 tuổi mù chữ, một bộ phận không nhỏ người dân chưa biết nói tiếng phổ thông… Thực trạng đó, đòi hỏi ngành GD&ĐT huyện nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ xóa mù chữ, bổ túc văn hóa; lực lượng giáo viên vừa làm nhiệm vụ dạy văn hóa, chữ viết, vừa tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”. Năm 1963, tại Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ I xác định: “Công tác giáo dục cần tập trung vào xóa mù chữ, phong trào học bổ túc văn hóa; tổ chức thi đua “dạy tốt, học tốt”, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên”. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, tỷ lệ người dân đi học ngày càng cao; củng cố hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên các cấp. Kết quả, đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, huyện được công nhận hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, sau đó là hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mậu Duệ tiếp cận kiến thức tại thư viện trường.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mậu Duệ tiếp cận kiến thức tại thư viện trường.

Trong điều kiện đời sống còn thiếu thốn, nhiều giải pháp huy động học sinh tới trường được triển khai sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt là mô hình nội trú dân nuôi thực hiện tại Trường tiểu học xã Sủng Thài năm 1986. Mô hình này sau đó được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng trên cả nước, đưa Yên Minh trở thành lá cờ đầu trong phong trào dạy và học ở vùng cao biên giới khó khăn. Cùng với đó, thực hiện chiến lược phát triển GD&ĐT bền vững, các phong trào thi đua được triển khai sôi nổi như: Trường học thân thiện, học sinh tích cực; dạy tốt học tốt, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo; nâng cao kỹ năng, văn hóa truyền thống vào trường học được đẩy mạnh.

Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, huy động nguồn lực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT được triển khai đồng bộ, như: Đưa học sinh từ điểm trường về học tại trường chính; tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, nhân rộng các mô hình giáo dục sáng tạo, hiệu quả; tích cực triển khai các chương trình giáo dục mới, đảm bảo nhân lực, biên chế giáo viên gắn với bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lí Nhà nước và chuyên môn; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đối số trong quản lý, điều hành và dạy học; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên, huy động hỗ trợ duy trì bếp ăn bán trú dân nuôi, hỗ trợ chăm lo đời sống cho học sinh…

Thiết bị phục vụ dạy học được đầu tư đồng bộ.
Thiết bị phục vụ dạy học được đầu tư đồng bộ.

Vượt qua gian khó, từ phong trào “diệt giặc dốt” tới xây dựng “xã hội học tập”; công tác GD&ĐT ở Yên Minh đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, toàn huyện có 54 đơn vị trường học, trong đó có 18 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 17 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS, với trên 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chất lượng giáo dục nâng cao qua từng năm, với 23/54 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 42%. Nhiều giáo viên, học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi các cấp, khu vực. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường duy trì tốt như: Trẻ 3-5 tuổi đạt 98,4%; trẻ 5 tuổi đạt 99,03%; 6-14 tuổi đạt 100%; tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt 97,64%…

Có thể khẳng định, công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của huyện Yên Minh suốt 60 năm qua đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”, kết tinh từ sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự chủ động tham mưu của ngành GD&ĐT huyện và tâm huyết, trách nhiệm của thế hệ các nhà giáo.

Bài, ảnh: LINH CẦM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh tặng quà tại xã Niêm Tòng
BHG - Ngày 13.12, đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã đến tặng quà tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc.
13/12/2022
Bắc Bộ tiếp tục rét, vùng núi có nơi dưới 9 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (13/12), khu vực Bắc Bộ ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại dưới 9 độ C.
13/12/2022
Hình ảnh đẹp giữa đời thường của các cựu chiến binh
BHG - Trước tình trạng học sinh đông và lượng xe cộ qua lại rất nhiều vào giờ tan học tại cổng Trường Tiểu học Lê Lợi, từ năm 2017 đến nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang đã cử một số CCB luôn phiên nhau tham gia điều tiết, hỗ trợ đảm bảo trật tự an toàn giao thông giờ tan học tại đây. Hình ảnh các bác CCB thân thiện...
12/12/2022
Cấp cứu 1 trường hợp ngộ độc củ ấu tẩu
BHG- Vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh (TP. Hà Giang) đã tiếp nhận một bệnh nhân 51 tuổi ở TP Hà Giang nhập viện do tình trạng ngộ độc củ ấu tẩu.
12/12/2022