Hà Giang

"Khi đất nước cần, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường chống dịch!"

09:15, 05/10/2021

Giữa thời điểm cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn khó khăn, và mặc dù vừa mới trở về từ tâm dịch sau 2 tháng hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh, chưa được về gặp gia đình vì phải cách ly tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, nhưng bác sỹ Ban Văn Thiêm, Trưởng đoàn công tác số 1 của Hà Giang vẫn đầy quyết tâm khẳng định: “Khi đất nước cần, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường chống dịch”. Câu nói ấy khiến chúng tôi không khỏi xúc động về tinh thần hy sinh, trách nhiệm cao cả của các y, bác sỹ Hà Giang.

Đoàn cán bộ y tế tình nguyện số 1 thể hiện quyết tâm chống dịch trước khi chữa trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Đoàn cán bộ y tế tình nguyện số 1 cùng nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) thể hiện quyết tâm chống dịch trước khi làm nhiệm vụ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Sức khoẻ nhân dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước - “Dân cường thì quốc thịnh”. Muốn thúc đẩy sức khoẻ cho xã hội nói chung thì phải bắt đầu từ việc chăm sóc sức khoẻ cho từng người dân. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới, lời dạy của Bác lại càng trở nên ý nghĩa với toàn dân, nhất là đối với các cán bộ y tế đang xông pha trên tuyến đầu chống dịch.

Cuối tháng 7.2021, đoàn cán bộ y tế tình nguyện đầu tiên của tỉnh Hà Giang bao gồm 42 y, bác sĩ đã lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tâm dịch “nóng” nhất cả nước. 1 tháng sau đó, đoàn tình nguyện thứ 2 gồm 30 y, bác sĩ tiếp tục lên đường tới tâm dịch Bình Dương. Tiếp theo là đoàn số 3 gồm 40 y, bác sĩ vào thành phố Hồ Chí Minh thay thế cho đoàn số 1. Họ đều là những bác sĩ, điều dưỡng trẻ, mang trong mình lòng nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, xung phong lên tuyến đầu để được cống hiến sức mình, giúp đồng bào miền Nam sớm vượt qua đại dịch.

Dấn thân vào tâm dịch, các y, bác sĩ tình nguyện đều xác định rằng đây sẽ là một “cuộc chiến” lâu dài và khắc nghiệt, thậm chí chưa biết thời điểm trở về. Chính vì vậy, mỗi người đều tự chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách, chông gai, dù là khó khăn nhất. Sẵn sàng là vậy, nhưng trước khi lên đường, hình ảnh gia đình vẫn luôn đau đáu trong lòng mỗi cán bộ. Ai sẽ là người chăm sóc cha mẹ già, ai sẽ chia sẻ bộn bề lo toan với người vợ/người chồng, ai sẽ đưa đón đứa con thơ đi học mỗi ngày… Đó là những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí các y, bác sĩ.

Thực tế, có những người đã phải hy sinh những thời khắc quý giá cho gia đình, như y sĩ Hạng Mí Mua, cán bộ y tế thuộc đoàn tình nguyện số 1. Trước khi lên đường vào Nam, sức khỏe của mẹ anh Mua đã rất yếu, tuy nhiên bà vẫn động viên con trai tình nguyện vì miền Nam ruột thịt. Thật buồn là khi chỉ mới thực hiện nhiệm vụ được vài ngày tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh), anh Mua nhận tin mẹ mất tại quê nhà. Với điều kiện cách ly nghiêm ngặt, anh không thể trở về tiễn biệt mẹ lần cuối, và đành bái vọng mẹ từ một ban thờ nhỏ được đồng nghiệp hỗ trợ lập ngay tại bệnh viện. Hay như bác sĩ Tống Xuân Khang – đoàn tình nguyện số 1 – không thể ở bên vợ vào lúc vợ anh chuyển dạ, thời điểm chị cần anh nhất.

Có thể nói, tuy là trong thời bình, nhưng cuộc chiến với Covid-19 cũng khắc nghiệt và đòi hỏi sự hy sinh không kém thời chiến, và mỗi y, bác sĩ lúc này cũng chính là một “người lính cụ Hồ”, gác lại hết cuộc sống đời thường để sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong lá thư chia buồn đầy xúc động gửi y sĩ Hạng Mí Mua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ: “Những ngày khó khăn nhất trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 của thành phố vẫn chưa kết thúc, đòi hỏi sự đồng lòng, chia sẻ rất lớn của cán bộ ngành y tế cũng như đồng bào trên cả nước, tôi rất mong em chóng bình tâm, mạnh mẽ và tiếp tục đồng hành cùng đội ngũ y bác sĩ bước tiếp, nhanh chóng tìm lại sự bình yên cho thành phố…!”

Ngoài nỗi lo toan cho gia đình nơi hậu phương, các y, bác sĩ còn phải đối mặt với những nỗi vất vả thường trực về dịch bệnh. Chúng tôi đã được các đồng chí kể về thực tế nhân lực ở tâm dịch khó khăn, việc 1 bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm người mỗi ngày đã trở thành điều bình thường. Họ cũng phải làm quen với bộ đồ bảo hộ kín đến mức bí bách, nóng nực, mà mỗi khi cởi ra là mồ hôi ướt đẫm như tắm. Đồng thời phải làm quen cả với những bữa cơm ăn vội lúc giải lao, những hành lang đá mà đôi lúc mệt quá lại trở thành chiếc giường nằm tạm chợp mắt. Ban ngày tất bật với bệnh nhân, tối đến mới có chút thời gian để gọi điện hoặc nhắn tin về cho gia đình. Công việc đã vất vả, nguy cơ phơi nhiễm lại luôn thường trực. Thiệt thòi nhân đôi khi trước khối lượng công việc lớn và nguy cơ cao của tâm dịch, đã có một vài y, bác sĩ không may dương tính với Covid-19, từ vị trí chữa bệnh cho người khác lại phải cách ly, điều trị cho chính bản thân mình.

Trong nhiều lần kết nối trực tuyến từ Hà Giang vào tâm dịch với các y, bác sỹ thông qua Zalo và Facebook, chúng tôi được biết, đối với các “chiến sĩ áo trắng” của Hà Giang nói riêng và y, bác sỹ các tỉnh, thành chi viện nói chung, lúc này, sức khỏe bản thân chỉ là thứ họ sẵn sàng hy sinh để đem lại tương lai tươi sáng hơn cho các bệnh nhân, cho miền Nam và cho cả đất nước. Cũng bởi họ luôn khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27.2.1955: “...Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.

Hiểu được sự hy sinh của các “chiến sĩ áo trắng”, chính quyền địa phương, các đơn vị tại Hà Giang đã có rất nhiều động thái quan tâm tới gia đình – hậu phương vững chắc của các y, bác sĩ, để các đồng chí yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Từ những hành động nhỏ như tặng quà cho con em các y, bác sĩ nhân dịp Tết Trung thu; thăm hỏi, động viên các thành viên trong gia đình;… cho đến những “việc lớn” như ma chay cũng đều được chính quyền, cộng đồng chăm lo, chia sẻ.

Chỉ tính riêng trong đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và miền Trung đã cử hơn 14 nghìn cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 tại miền Nam. Trong đó, tỉnh Hà Giang cử tổng cộng 112 y, bác sĩ hỗ trợ cho Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Ngoài mục đích lớn nhất là chung tay cùng miền Nam chống dịch, những chuyến tình nguyện này cũng là một cơ hội để các y, bác sĩ được cọ xát thực tế, trau dồi kiến thức chuyên môn, tiến tới trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác chống dịch tại tỉnh nhà. Đó cũng chính là tinh thần học hỏi để tiến bộ theo lời dạy của Bác.

Sau khi kết thúc 2 tháng tình nguyện tại tâm dịch, Bác sĩ Ban Văn Thiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh, Trưởng đoàn cán bộ y tế tình nguyện số 1 của Hà Giang tại Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: “Sau chuyến công tác tại Tp. Hồ Chí Minh, mỗi thành viên trong đoàn đã học tập được tương đối nhiều kinh nghiệm để áp dụng với địa phương mình. Tuy mỗi nơi lại có một cách tiếp cận công việc khác nhau, nhưng chúng tôi đều học hỏi được từ các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi về cách tiếp cận người bệnh, quá trình thăm khám, phương pháp điều trị, công tác chăm sóc sức khỏe thể chất cho người bệnh hàng ngày… Đặc biệt, chúng tôi biết được công tác động viên tinh thần đối với người bệnh rất quan trọng, bởi đa số họ không có người thân đi kèm. Cho dù chúng tôi vừa mới hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Giang, nhưng khi đất nước cần, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường chống dịch, có thể không chỉ miền Nam mà bất cứ nơi nào khác cần, chúng tôi sẽ có mặt, đúng với lời dạy “Lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ đã chỉ bảo.”

Có thể nói rằng, qua những ngày tháng chống dịch đầy hy sinh, vất vả vừa qua, mỗi cán bộ y tế của ngành Y tế Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung đã luôn thấm nhuần và thực hành tốt tư tưởng của Bác Hồ về y đức. Hơn lúc nào hết, trong lúc khó khăn, hoạn nạn, hình ảnh hy sinh của những người “chiến sỹ áo trắng” đã nói lên được sự cao cả, thiêng liêng của ngành y tế, của người thầy thuốc như những lời dạy của Người. Dịch đang lắng xuống, sự lạc quan đang trở lại ở nhiều vùng tâm dịch, mỗi sự bình yên ấy là biết bao mồ hôi, sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc nhân dân, tất cả nhằm đem lại một cuộc sống yên bình cho nhân dân, sự phát triển phồn vinh, bền vững cho đất nước. Câu nói “Khi đất nước cần, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường chống dịch” của bác sỹ Ban Văn Thiêm như tiếp thêm động lực cho mỗi chúng ta sống tốt hơn, trách nhiệm hơn với bản thân, với cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch được dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách.

Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thêm 311 hộ dân xã Thanh Vân (Quản Bạ) được sử dụng nước sạch

BHG - Sáng 30.9, Trung tâm Nước sinh hoạt và và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt thôn Làng Tấn, Mỏ Sài, khu trung tâm xã Thanh Vân (Quản Bạ). 

30/09/2021
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định vị thế sau 19 năm thành lập

BHG - Được thành lập ngày 4.10.2003, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh có 19 năm vượt qua những khó khăn, thử thách để từng bước trưởng thành, góp phần đắc lực vào phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.

30/09/2021
Cựu chiến binh cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội

BHG - "Chúng tôi may mắn trở về sau khói lửa chiến tranh, được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc nhưng biết bao đồng đội mãi mãi không trở về. Các anh vẫn nằm lại nơi núi cao, thung sâu chờ ngày quy tập về "mái nhà chung"… Với trách nhiệm, tình cảm của người đồng chí, đồng đội, chúng tôi đang dốc sức, đồng lòng vận động cung cấp thông tin để cùng lực lượng chức năng đi tìm đồng đội"...

29/09/2021
Đảm bảo phòng, chống dịch trong đào tạo, sát hạch lái xe

BHG - Xác định chất lượng đào tạo, sát hạch (ĐTSH) cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nói chung và lái xe ô tô nói riêng là yếu tố then chốt quyết định tới vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời là nhu cầu thiết yếu đáp ứng sự phát triển trong hệ thống giao thống giao thông hiện đại, vì vậy, Sở GTVT thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng ĐTSH lái xe cơ giới và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. 

29/09/2021