Tăng cường phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

19:20, 07/01/2021

BHG - Trước diễn biến của dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò ở tỉnh ta, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhằm kịp thời khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng. Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp phòng, chống, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Văn Bình – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Đồng chí Trịnh Văn Bình -  Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang trả lời phỏng vấn với PV Báo Hà Giang
Đồng chí Trịnh Văn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang trả lời phỏng vấn với PV Báo Hà Giang

PV: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại tỉnh ta hiện đang diễn biến thế nào?

Đồng chí Trịnh Văn Bình: Ngày 29.11.2020, bệnh viêm da nổi cục lần đầu xuất hiện tại xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Tính đến ngày 4.1.2021, toàn tỉnh có tổng cộng 37 con trâu, bò mắc bệnh, tại các huyện Xín Mần, Mèo Vạc và Yên Minh. Tình hình diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh ta đang rất phức tạp. Với 3 huyện xuất hiện dịch bệnh này, thuộc 17 hộ gia đình, tại 5 thôn, 4 xã. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, cùng con đường truyền lây của dịch bệnh, việc dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn rộng là khó tránh khỏi. Thứ nhất, vắc-xin phòng bệnh của chúng ta chưa có. Thứ hai, có rất nhiều con đường truyền lây. Chính vì vậy, diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới là rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát ra diện rộng.

PV: Nguyên nhân của bệnh viêm da nổi cục là từ đâu? Liệu đây có phải là một căn bệnh “ngoại lai”?

Đồng chí Trịnh Văn Bình: Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm da nổi cục. Thứ nhất là do vector truyền bệnh, chẳng hạn như ruồi, muỗi, mòng… đốt từ con trâu, bò này sang con trâu, bò khác, tạo nên con đường truyền lây bệnh. Thứ hai là do con đường vận chuyển. Trâu, bò được chuyển từ vùng này sang vùng khác, có thể là từ vùng dịch sang vùng chưa bị dịch. Thứ ba là do tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như cùng một bãi chăn thả, cùng nuôi nhốt một chuồng. Thứ tư là do ăn chung cùng máng, tiếp xúc chung với vật dụng chăn nuôi, làm lây bệnh từ con này sang con khác.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện từ năm 1929 tại Zambia, châu Phi. Đến nay, bệnh đã lan rộng ra khắp các châu lục trên thế giới. Tháng 10.2020, dịch bệnh bắt đầu lây lan vào Việt Nam. Dịch lây lan rất nhanh và rộng, dễ dàng lây từ vùng này sang vùng khác.

Tiêm thí điểm vắc-xin cho trâu tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc
Tiêm thí điểm vắc-xin cho trâu tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc

PV: Hiện tại, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang được triển khai như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Văn Bình: Đối với công tác phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Hà Giang, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung vào một số nội dung, chẳng hạn như: Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, làm sao để tạo ra môi trường chăn nuôi sạch sẽ nhất; Hướng dẫn người dân diệt côn trùng, không để ruồi, muỗi đốt trâu, bò, lây bệnh từ con này sang con khác; Nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò từ vùng có dịch sang các địa phương khác, nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ con đường vận chuyển; Tổ chức tuyên truyền cho người dân nhận thức được về bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh Hà Giang để người dân biết được tầm quan trọng của việc phòng bệnh; Tổ chức tiêm thí điểm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, từ đó đánh giá, tham mưu cho tỉnh tổ chức tiêm phòng trong thời gian tới; Cử cán bộ của Chi cục xuống nằm vùng tại những địa phương có dịch để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PV: Đồng chí có lời khuyên gì cho bà con nông dân để chủ động phòng, tránh bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò?

Đồng chí Trịnh Văn Bình: Trên cơ sở dịch tễ của bệnh, chúng tôi có 4 lời khuyên dành cho bà con nông dân. Thứ nhất, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo môi trường chăn nuôi. Thứ hai, diệt toàn bộ côn trùng đốt trên trâu, bò để hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Thứ ba, chăm sóc trâu, bò thật tốt để làm sao cho trâu, bò có sức đề kháng tốt nhất chống chịu với bệnh tật. Thứ tư, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh, người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để chúng tôi có thể nắm bắt và có hướng dẫn kịp thời cho người dân trong công tác phòng, chống. Hơn nữa, nếu bà con mua gia súc từ vùng này sang vùng khác, cần xem xét kỹ dịch tễ. Đặc biệt không mua trâu, bò từ vùng dịch về nuôi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thực hiện: Minh Châu - Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vaccine Covid-19 Trung Quốc đầu tiên được phê duyệt

Giới chức Trung Quốc hôm nay phê duyệt vaccine Covid-19 do Sinopharm và Viện Sinh phẩm Quốc gia phát triển. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên của nước này được chính thức phê duyệt. Vaccine dự kiến cung cấp miễn phí cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Trước đó, vaccine đã được chấp thuận sử dụng khẩn cấp cho nhóm có rủi ro nhiễm nCoV cao.

31/12/2020
Tiếp thêm động lực cho phụ nữ biên cương

BHG - Sau 3 năm triển khai, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018 - 2020, do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động đã đạt những kết quả nổi bật, tạo sức lan tỏa rộng lớn và nhận được sự chung tay của cộng đồng. 

31/12/2020
Agribank Hà Giang tặng quà các cựu chiến binh nghèo thành phố Hà Giang

BHG - Nhân dịp Tết Nguyên đán 2021, ngày 30.12, Agribank Hà Giang đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình cựu chiến binh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà Tết cho 7 gia đình, mỗi suất quà trị giá 500.000đ.

 

31/12/2020
Mở rộng "cánh cửa" hoàn lương

BHG - Công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với những người chấp hành xong án phạt tù là một chủ trương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, toàn tỉnh đã chú trọng và cụ thể hóa chủ trương này bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Qua đó, đã tiếp thêm niềm tin cho những người từng lầm lỡ phấn đấu, vươn lên ổn định cuộc sống và vững tin làm lại cuộc đời.

 

31/12/2020