"Cây đại thụ" vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Kỳ 2: Điểm tựa của bản làng

10:10, 21/12/2020

BHG - Người có uy tín (NCUT) có vai trò rất quan trọng trong đời sống, hoạt động lao động sản xuất, phát triển KT-XH tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là những “cây đại thụ” chở che, bảo vệ và làm chỗ dựa cho người dân trong bản, làng.

Người có uy tín xã Nghĩa Thuận vận động nhân dân làm đường bê tông liên thôn.
Người có uy tín xã Nghĩa Thuận vận động nhân dân làm đường bê tông liên thôn.

“Người vác tù và” ở bản

Đến thôn Cốc Pục, xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ), người dân đã quen thuộc với hình bóng người “vác tù và hàng tổng” là ông Sân Sài Phủ. Ông Phủ được người dân bầu làm NCUT từ năm 2016, trước đó ông đã làm Trưởng thôn từ năm 2003 nên bà con rất tín nhiệm. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết, tâm sự, toàn thôn có 80 hộ là đồng bào dân tộc Nùng, hễ có vấn đề gì khó là thôn lại nhờ ông đến tuyên truyền giúp. Chỉ vào con đường bê tông sạch sẽ, nhà hội trường thôn, rồi điểm trường đều nhờ ông Phủ vận động bà con hiến đất, góp ngày công xây dựng, trong đó ông đã nêu gương tự hiến đất để bà con làm theo.

 Ông Sân Sài Phủ, thôn Cốc Pục, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) tuyên truyền người dân phát triển kinh tế.
Ông Sân Sài Phủ, thôn Cốc Pục, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) tuyên truyền người dân phát triển kinh tế.

Trước đây, đời sống người dân vùng biên viễn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết; hơn nữa là xã tiếp giáp với Trung Quốc và có cặp lối mở tiểu ngạch nên các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển lâm sản, gia súc, gia cầm trái phép vẫn xảy ra. Tình trạng phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng tuy có chiều hướng giảm nhưng lại xuất hiện các hành vi lừa đảo, dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Các hoạt động lấn chiếm đất canh tác, xuất, nhập cảnh trái phép vẫn xảy ra... Ông Phủ đã tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông còn giải quyết rất nhiều vấn đề hàng ngày của bà con như: Lấn chiếm đất, tranh chấp đất đai... huy động người dân tham gia Tổ An ninh trật tự của thôn, đoàn kết, cảnh giác không để kẻ xấu xâm nhập, chấm dứt tình trạng trộm cắp trâu, bò. Với nỗ lực của mình, vừa qua ông Sân Sài Phủ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chính sách đồng bào DTTS.

Trưởng ban Dân tộc huyện Quản Bạ, Lục Sương Minh, chia sẻ: Đội ngũ NCUT có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Nhờ có NCUT đi đầu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại cơ sở đã góp phần tạo chuyển biến tích cực ở địa phương. Có rất nhiều cuộc họp thôn, chính quyền địa phương đến vận động người dân hiến đất làm đường, bà con không thống nhất được ý kiến, nhưng chỉ cần NCUT đi đầu thuyết phục là bà con nghe theo. Hay thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, có những vụ tranh chấp giữa người dân, nhiều cuộc họp thôn không giải quyết được, nhưng NCUT đến là bà con nghe, vấn đề được giải quyết, không gây phát sinh vụ việc lớn ở cơ sở.

Trong thời gian làm việc tại Ban Dân tộc huyện Quản Bạ, ông Minh nhớ nhất là việc tuyên truyền bà con không kết hôn cận huyết tại thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn. Đây là công việc khó và mất nhiều thời gian, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, thậm chí có những đôi không lấy được nhau sẽ tự tử.  Nhờ có ông Tẩn Seo Hàm, NCUT ở thôn, am hiểu phong tục tập quán của địa phương cùng tham gia thuyết phục người dân mà tình trạng kết hôn cận huyết trong đồng bào đã giảm hẳn. Hay như việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất cũng cần sự khéo léo, khuyến khích để người dân có ý chí vươn lên, phát triển kinh tế gia đình.

Noi gương cho thế hệ sau

Với sự đóng góp tích cực của NCUT, nhiều người đã trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế, gương điển hình cho cộng đồng học tập, làm theo. Tiêu biểu như ông Hà Văn Nhớ, dân tộc Tày ở thôn Lùng Cu, xã Quang Minh (Bắc Quang) đã chuyển đổi vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng 400 cây cam, quýt và 150 cây bưởi, chăn nuôi 500 con gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, tổng thu nhập bình quân 550 triệu đồng/năm. Hay như ông Nguyễn Quang Thuộc, thôn Thượng An, xã Đồng Yên (Bắc Quang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm với trên 700 con; trồng 600 cây cam, quýt; 1,5 ha rừng cây các loại; tổng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

NCUT đã phát huy vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân tham gia ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước ở thôn, bản; tham gia tổ hòa giải ở cơ sở, đóng góp ý kiến vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Điển hình như trong triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xã Chí Cà (Xín Mần), Tiên Nguyên (Quang Bình), Sùng Trà (Mèo Vạc), Xà Phìn (Đồng Văn) hàng năm đều giảm trên 50% tỷ lệ tảo hôn. NCUT đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và con cháu trong độ tuổi đến trường, vận động các hộ tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, đăng ký con cháu học giỏi. Điển hình như ông Hoàng Văn Pẳn, thôn Tân Sơn, xã Nà Trì (Xín Mần), gia đình có 3 con học đại học và cao đẳng; ông Hoàng Văn Vương, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) vận động dòng họ tham gia khuyến học...

Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, NCUT đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, đi đầu tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” “Mái ấm biên cương”… Các già làng, trưởng bản đã cùng với cấp uỷ, chính quyền, lực lượng công an giải quyết ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hầu hết NCUT tuổi đời đã cao nhưng luôn nỗ lực tham gia đóng góp vì sự phát triển chung của cộng đồng. Họ là những “cây đa, cây đề”, là chỗ dựa vững chắc trong lòng dân bản vùng cao.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI

Kỳ cuối: Cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân      

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành phố Hà Giang chủ động phòng, chống rét cho học sinh

BHG - Miền Bắc bắt đầu đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong năm khiến các bậc phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của học sinh (HS), nhất là đối với trẻ ở bậc học mầm non, tiểu học.  Để đảm bảo sức khỏe cho các em, các trường trên địa bàn thành phố đã thực hiện nghiêm chỉnh và kịp thời chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, tuyên truyền cho phụ huynh mặc quần áo ấm cho trẻ trước khi đến lớp, đồng thời yêu cầu các giáo viên chuẩn bị chăn, đệm cho trẻ nghỉ trưa.

 

21/12/2020
Xã hội hóa xây dựng đô thị văn minh

BHG - Ngay sau Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; để cụ thể hóa mục tiêu đưa thành phố Hà Giang trở thành đô thị loại II, BTV Thành ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xã hội hóa (XHH) xây dựng, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020 - 2025.

 

21/12/2020
Trên chốt kiểm soát Mốc 182

BHG - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cấp, các ngành về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng Xín Mần phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên tuyến biên giới huyện Xín Mần, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân.

 

21/12/2020
Công an huyện Mèo Vạc bàn giao nhà ở cho Công an viên

BHG - Sáng 20.12, Công an huyện Mèo Vạc tổ chức bàn giao nhà ở cho ông Già Mí Na, Công an viên thôn Mèo Qua, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc). Đến dự có đồng chí Trần Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc.

 

20/12/2020