Thành phố Hà Giang tăng cường trợ giúp người khuyết tật

17:20, 04/12/2019

BHG - Khuyết tật là điều không ai mong muốn, nhưng vì nhiều lý do bất khả kháng;  1,5% dân số trên địa bàn thành phố Hà Giang đang mang trong mình những khiếm khuyết về vận động, thần kinh, nghe, nhìn, nói hay khuyết tật trí tuệ… Song, bằng nghị lực phi thường, họ đang từng ngày nỗ lực vượt lên số phận… Và trên bước đường ấy, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang (TPHG) đã tăng cường trợ giúp để người khuyết tật (NKT) tham gia bình đẳng vào các hoạt động KT-XH, xây dựng TPHG phát triển toàn diện.

Mặc dù khuyết tật đặc biệt nặng nhưng Nguyễn Thị Vân (tổ 5, phường Minh Khai) vẫn luôn tự học, trau dồi kiến thức.
Mặc dù khuyết tật đặc biệt nặng nhưng Nguyễn Thị Vân (tổ 5, phường Minh Khai) vẫn luôn tự học, trau dồi kiến thức.

Vượt lên số phận

Một thiếu nữ viết thơ bằng… đôi chân; một thợ sửa chữa điện tử lành nghề chỉ làm nghề bằng… cùi tay; một đôi vợ chồng chưa một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng đôi môi luôn cất tiếng hát yêu đời. Những hình ảnh ấy khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt, bởi họ đã làm được những điều phi thường khi cơ thể đầy khiếm khuyết.

Khi cất tiếng khóc chào đời, Nguyễn Thị Vân (tổ 5, phường Minh Khai) đã mang trong mình bao bất hạnh. Miệng em không thể cất tiếng hát yêu đời, đôi môi không thể nở nụ cười tròn vẹn, đôi chân không thể cùng bạn cắp sách đến trường và đôi tay không thể phụ giúp mẹ việc nhà... Vậy nhưng, qua sự dạy bảo của người thân, Vân đã nỗ lực học chữ, số từ chiếc điều khiển tivi và dần sử dụng thành thạo máy vi tính chỉ bằng gót và những ngón chân xiêu vẹo trong tư thế buộc dây cố định thân mình trên ghế. Vượt lên nghịch cảnh, Vân biết sử dụng phần mềm Adobe Photoshop để chỉnh sửa ảnh, biết ghi đĩa trên phần mềm ProShow Gold và sử dụng các trang mạng xã hội như: Yahoo! Facebook để trò chuyện với bạn bè hoặc đọc báo mạng để trau dồi kiến thức. Đặc biệt hơn, máy tính còn là phương tiện để Vân viết thơ, thổ lộ tình yêu thương, lòng biết ơn vô hạn với đấng sinh thành… Trong thơ Vân còn có: “Nước mắt bố mẹ chảy dài theo năm tháng đời con”. Bởi: “Khi sinh con ra lại bị tật nguyền/Nhưng biết làm sao được, bố mẹ ơi/Vì chất độc da cam mà con phải chịu/Đau cả về thể xác lẫn tinh thần”...

May mắn hơn Vân, vì sinh ra với hình hài nguyên vẹn; nhưng năm 18 tuổi, anh Nguyễn Văn Mao, thôn Mè Thượng (xã Phương Thiện) vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay trong một lần lao động. Không cam chịu “phận thừa”, anh đã học được nghề sửa chữa điện tử, tạo thêm thu nhập cho gia đình khi trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài xã. Thật đáng khâm phục khi anh có thể hàn, gắn được các mạch điện nhỏ, sửa từng con IC của chiếc tivi hỏng chỉ bằng đôi… cùi tay. Còn vợ chồng anh Lường Ngọc Quý, Hoàng Thị Luyến (thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường) đều là người khiếm thị. Dù chưa một lần tận hưởng cuộc sống đa sắc màu, nhưng anh chị đã vươn lên đầy nghị lực; vẫn chăm sóc con thơ như một người bình thường. Đặc biệt, với giọng ca thiên phú, anh chị cùng nhau cất tiếng hát mưu sinh giữa cuộc sống truân chuyên của cặp vợ chồng cùng khiếm thị. “Mỗi tháng hát rong, vợ chồng tôi cũng có thêm thu nhập từ 1 – 3 triệu đồng để trang trải cuộc sống” – chị Hoàng Thị Luyến chia sẻ. Đặc biệt hơn, năm 2010, lần đầu tiên chị giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Giọng hát NKT, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng; năm 2016, vợ chồng chị xuất sắc giành Huy chương Vàng tiết mục song ca “Gặp nhau giữa rừng mơ” tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” do T.Ư Hội Người mù tổ chức; mới đây, anh chị giành thêm giải Nhì tại Liên hoan tiếng hát NKT cho Hội NKT tỉnh tổ chức…

Tăng cường trợ giúp

Hiện nay, trong tổng số 912 NKT, toàn thành phố có 224 NKT đặc biệt nặng, 526 NKT nặng...; 655 NKT hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Có thể khẳng định, sự vươn lên đầy nghị lực của NKT đã tạo nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Đồng hành với NKT trên con đường hòa nhập cuộc sống cộng đồng, cấp ủy, chính quyền TPHG đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT.

Giai đoạn từ năm 2012 đến nay, UBND TPHG đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền hình, tuyên truyền lưu động để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, đề án hỗ trợ NKT của Nhà nước. Qua đó, giúp NKT lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân, tương ái, trợ giúp của các tầng lớp xã hội đối với NKT.

Cùng với hoạt động trên, TPHG còn quan tâm trợ giúp NKT trong độ tuổi đến trường được tiếp cận giáo dục. Minh chứng cho thấy, toàn thành phố đã huy động được 139/146 trẻ khuyết tật đến trường. Tại nhà trường, các em được tiếp cận với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động ngoài giờ lên lớp ở mức độ đơn giản và hưởng chính sách hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành. Đặc biệt, nhà trường và các đơn vị hữu quan còn kết hợp với gia đình tư vấn, trao đổi về phương pháp hỗ trợ, chăm sóc trẻ, giúp trẻ tiếp thu, vận dụng tri thức hoặc vui chơi, tham gia công việc cùng các thành viên trong gia đình…

Không chỉ trợ giúp NKT tiếp cận giáo dục, chính quyền sở tại còn triển khai các hoạt động trợ giúp NKT học nghề, tìm việc làm. Mặc dù trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở dạy nghề riêng dành cho NKT. Nhưng các trung tâm dạy nghề tại địa phương đã tuyển sinh và dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 30 NKT. Trong quá trình học nghề, NKT được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để NKT tìm kiếm việc làm, giảm bớt khó khăn cho bản thân NKT, gia đình và xã hội.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động trợ giúp NKT; đến nay, thành phố đã giành được nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu như: 100% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; được tập huấn kỹ năng sống; trang bị phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc; 100% gia đình có NKT được tập huấn kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho NKT; 95% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc, hỗ trợ, tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá công tác trợ giúp NKT… Từ đó, tiếp thêm động lực để NKT hòa nhập cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của thành phố.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt Liệt sỹ

BHG - Ngày 28.11, huyện Vị Xuyên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt 01 Liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Tham dự có, đồng chí Sùng Đại Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐTB&XH; lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, lãnh đạo huyện Vị Xuyên, lực lượng vũ trang, đoàn viên - thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện.

 

29/11/2019
Đại hội Chi đoàn khối cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2022

BHG - Ngày 28.11, Chi đoàn khối cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2022. Dự Đại hội có lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Chi đoàn khối cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát huy tốt vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện. 

29/11/2019
Đầu tư phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

28/11/2019
Tổng kết công tác thi đua Khối Văn hóa – xã hội

BHG - Chiều 27.11, Khối giao ước thi đua Văn hóa – xã hội tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành thành viên trong Khối gồm: Bảo hiểm xã hội; Đài PT-TH; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở LĐTB&XH, Sở VHTT&DL; Sở Y tế; Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang; Ban Dân tộc tỉnh.

 

28/11/2019